Khơi dậy nội lực và khát vọng vươn lên trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chương trình mới, tiếp tục khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng và nhà nước ta đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và những khu vực còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm triển khai, tỉnh Lào Cai đã giải ngân được 1.806 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2023 là 1.228 tỷ đồng để thực hiện hiệu quả 10 dự án, 14 tiểu dự án với 36 nội dung chính sách thành phần.

Tập trung đầu tư, phát huy nội lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nhằm phát triển nhanh thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc trong tỉnh là quyết tâm chính trị, mục tiêu chung của Đảng bộ tỉnh. Thực tế cho thấy, nhiều năm qua, việc lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn được coi trọng. Nổi bật là tích cực triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giai đoạn 2021-2030.

Dân tộc Bố Y có nhiều nét văn hóa đẹp cần được bảo tồn, phát huy.

Được thành lập từ cuối năm 2018 với trên 30 hội viên, Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, nghệ thuật dân gian dân tộc Bố Y ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tạo điều kiện để bà con thỏa niềm đam mê ca hát và giữ gìn bản sắc văn hóa. Các thành viên tham gia Câu lạc bộ gồm nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó có cả các học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở yêu làn điệu dân ca của dân tộc mình. Dân tộc Bố Y là cộng đồng dân tộc thiểu số rất ít người, thuộc nhóm đối tượng được đặc biệt quan tâm trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì việc đào tạo nghề, tạo việc làm nhằm nâng cao mức sống vật chất cho đồng bào thiểu số cũng là nội dung rất quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong quá trình thực hiện, tỉnh Lào Cai đã rất sáng tạo trong việc thành lập các tổ tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối giữa người lao động với các nhà tuyển dụng. Đồng thời khai chú trọng việc khai thác tri thức bản địa để tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang lại nguồn thu nhập cho bà con. Như tại Sa Pa, với việc được hỗ trợ 10 tỷ đồng để phát triển vùng trồng dược liệu, gắn với các bài thuốc cổ truyền của đồng bào các dân tộc thiểu số đang mở ra cơ hội để địa phương này trở thành thủ phủ dược liệu của cả nước.

Tuyên truyền là một trong các nội dung, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: Tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên truyền cổ động trực quan, tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền qua báo chí, Internet, mạng xã hội, tuyên truyền qua các hội nghị, các lớp tập huấn, các hội thi, sinh hoạt chi bộ, họp thôn, bản,… Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của Nhân dân ngày càng được nâng lên, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tuân thủ pháp luật. Đội ngũ cán bộ thôn, người có uy tín phát huy cao vai trò, trách nhiệm tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại ở một số đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác giáo dục và chăm lo đời sống cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, các ngành quan tâm.

Công tác đào tạo, tập huấn được triển khai bố trí ở nhiều dự án, như: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc tiểu dự án 2, dự án 5; nội dung đào tạo nghề thuộc tiểu dự án 3, dự án 5; nội dung nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình các cấp được quy định tại tiểu dự án 4 - dự án 5; các nội dung tập huấn khác thuộc các dự án 8, dự án 9, dự án 10. Qua một năm triển khai thực hiện công tác đào tạo, tập huấn cho thấy cơ bản các nội dung đào tạo, tập huấn đã được triển khai thực hiện, qua triển khai các lớp đào tạo, tập huấn đã góp phần nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo chung toàn tỉnh; đồng thời nâng cao nhận thức, năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở, cộng đồng người dân trong việc tiếp cận cũng như triển khai thực hiện chương trình đúng quy định, đạt hiệu quả.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận tổ quốc Việt Nam trong việc thực hành dân chủ và phát huy quyền dân chủ của Nhân dân trong đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc các cấp thực hiện tốt nhiệm vụ “Mặt trận lắng nghe Nhân dân nói”, đa dạng hóa các kênh tập hợp ý kiến, nguyện vọng, hiến kế của đồng bào dân tộc thiểu số và Nhân dân, phản ánh định kỳ và đột xuất để các cơ quan Đảng, Nhà nước quan tâm giải quyết; đồng thời theo dõi, giám sát việc giải quyết các kiến nghị, đề nghị chính đáng của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ năm 2022 đến nay, Mặt trận tổ quốc các cấp đã tổ chức hơn 1.000 lượt nắm tình hình Nhân dân, tổ chức 27 cuộc đối thoại trực tiếp với Nhân dân với sự tham gia của gần 2.500 người dân. Đã có gần 400 ý kiến kiến nghị, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân đã được các cơ quan chức năng của tỉnh, địa phương dự hội nghị giải trình, làm rõ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Lào Cai đã đề ra 29 mục tiêu và chỉ tiêu chủ yếu. Sau 3 năm triển khai thực hiện, đến nay đã có 25/29 chỉ tiêu đạt kế hoạch đề ra. Trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều giảm 7%, vượt 1 điểm % so với kế hoạch; Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường (bao gồm THPT; giáo dục thường xuyên; học nghề) đạt 68,8%, vượt 5,8 điểm % so với kế hoạch; Tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%, vượt 2,7 điểm % so với kế hoạch; Tỷ lệ phụ nữ sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự giúp đỡ của cán bộ y tế đỡ đạt 89,8%, vượt 2,8 điểm % so với kế hoạch. Về cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai có 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; Tỷ lệ hộ dân người dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%, tăng 1 điểm % so với năm 2021; Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 97,3%, tăng 1.6 điểm % so với năm 2021.

Có thể khẳng định, dù còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp, sự điều hành sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của hệ thống chính quyền; sự đồng thuận trong triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và Nhân dân, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 và những năm vừa qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo ra đổi thay rõ nét trên nhiều phương diện ở những khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh.

 

Trong giai đoạn 2024-2025, nguồn lực đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên 3.117 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ ngân sách trung ương gần 2.230 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng khoảng 887 tỷ đồng. Lào Cai đang phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng lên 2 lần so với năm 2020; Phấn đấu 33 xã và 65 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ giảm hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chuẩn đa chiều bình quân mỗi năm đạt 6%. Nâng cấp 100% đường ô tô đến trung tâm thôn, bản được rải nhựa hoặc bê tông, 85% số trường, lớp học được xây dựng kiên cố; 98% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo người dân tộc thiểu số 4 tuổi và 5 tuổi đến trường đạt, học sinh người dân tộc thiểu số trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt trên 99%, học sinh người dân tộc thiểu số trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường đạt 98%. Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Trên 80% phụ nữ người dân tộc thiểu số có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, xoá bỏ dần các phong tục tập quán lạc hậu.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đảm bảo sự hài hòa, bền vững trong tiến trình phát triển. Chương trình mục tiêu quốc gia giống như "bà đỡ" cả về nguồn lực vật chất lẫn giá trị tinh thần, tiếp sức cho ý chí, khát vọng vươn lên của mỗi người dân, mỗi hộ gia đình, mỗi cộng đồng thôn bản, và rộng ra là tạo nền tảng bền vững cho Lào Cai phát triển.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Xây dựng tình đoàn kết quân - dân nơi biên giới

Bộ đội Biên phòng Lào Cai luôn khắc ghi lời căn dặn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng để không ngừng xây dựng tình đoàn kết quân - dân nơi biên giới.

Tiếp thêm niềm tin để nhân rộng mô hình tuyên vận

Tháng 1 năm 2013, trong chuyến thăm và làm việc tại Lào Cai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm đến mô hình ban tuyên vận xã, phường, thị trấn; tổ tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố được Tỉnh ủy Lào Cai triển khai thực hiện thí điểm từ năm 2012.

Đại biểu HĐND 2 cấp tiếp xúc cử tri tại thành phố Lào Cai

Sáng 24/7, tại Trung tâm hội nghị thành phố Lào Cai, đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu HĐND thành phố Lào Cai tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 HĐND tỉnh và HĐND thành phố Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với cử tri các phường Cốc Lếu, Duyên Hải, Kim Tân, Bắc Cường, Lào Cai và...

Công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lào Cai

Chiều 22/7, Tỉnh ủy Lào Cai tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

Đồng chí Giàng Seo Vần giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Mường Khương

Chiều 22/7, tại huyện Mường Khương đã diễn ra hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

Đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến người có công với cách mạng

Chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với người có công và thân nhân người có công là hoạt động nằm trong Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt và trong chương trình chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai.