Hoàn thiện pháp luật cho thị trường tín chỉ carbon

Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết.

Ảnh minh họa.

Nhằm tạo cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thị trường các-bon; sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, tiêu thụ và xử lý các chất làm suy giảm tầng ô-dôn theo công ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo lộ trình phát triển, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường khu vực và thế giới.

Để từng bước hiện thực hóa chiến lược này, ngày 22/10/2020, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn carbon cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.

Từ thành công đầu tiên trong chuyển nhượng tín chỉ carbon của rừng, với tiềm năng thương mại lớn, thị trường tín chỉ carbon được hình thành sẽ giúp bổ sung thêm nguồn tài chính phục vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng. Qua đó cũng giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp.

Luật Lâm nghiệp năm 2017 đã quy định dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là một trong 5 loại hình dịch vụ môi trường rừng. Ngày 16/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017, trong đó đã đề cập các loại dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa có quy định cụ thể về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Hơn nữa, một vấn đề quan trọng khác là sau khi Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực, hệ thống pháp luật chung đã có nhiều thay đổi, trong đó có những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là một trong những loại hình dịch vụ của hệ sinh thái tự nhiên được chi trả dịch vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; Luật cũng quy định về tổ chức và phát triển thị trường carbon, trong đó thị trường carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn quy định các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng, có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp quản lý rừng bền vững, bảo vệ và nâng cao tỷ lệ che phủ, sinh khối và chất lượng rừng để tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính và được tham gia các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước, quốc tế. Một định chế quốc tế quan trọng nữa, đó là Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam có thể trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho các quốc gia khác.

Do vậy, việc sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP là rất cần thiết, nhằm kịp thời tạo cơ hội tham gia thị trường tín chỉ carbon cho các cơ quan, đơn vị, cá nhân, tăng cường năng lực về quản trị rừng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp Việt Nam bền vững. Đặc biệt là các chủ rừng, những người đang trực tiếp giữ rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống, tạo thêm động lực để họ giữ rừng, bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, phát triển thương mại tín chỉ carbon của rừng còn là cơ hội tốt để có thêm nguồn lực thực hiện thành công Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh gắn với phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo cam kết “đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050’’ của Việt Nam tại COP26…

Hoàn thiện pháp luật cho thị trường tín chỉ carbon (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...