Nỗ lực đưa nền giáo dục châu Phi vượt khó

Liên minh châu Phi (AU) đặt mục tiêu xây dựng một nền giáo dục kiên cường và toàn diện, mang lại cơ hội học tập suốt đời, chất lượng và phù hợp cho người dân trên khắp châu lục. Tuy nhiên, sự gia tăng đáng báo động của các vụ bạo lực nhằm vào trường học được nêu trong báo cáo được công bố gần đây lại đang “phủ bóng đen” lên khát vọng này.

Ảnh minh họa. Nguồn: LEGATUM/VTV

Diễn ra tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Hội nghị cấp cao AU không chỉ nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức an ninh cấp bách các quốc gia thành viên đang phải đối mặt mà còn để vạch ra lộ trình cho nền giáo dục của khu vực.

Lĩnh vực giáo dục được chọn là trọng tâm trong chương trình nghị sự của AU năm 2024 cho thấy, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng và triển khai các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận hệ thống giáo dục chất lượng cho người dân ở khu vực. Điều này sẽ giúp các quốc gia thành viên AU thúc đẩy hiện thực hóa Chiến lược lục địa về giáo dục cho châu Phi, các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2063, cũng như mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở, công bằng và nâng cao cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.

Dù đưa ra mục tiêu đầy tham vọng về cải cách hệ thống giáo dục, song AU đang phải đối mặt không ít trở ngại. Tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em Save the Children nhận định, trong khi AU đã có những nỗ lực đáng kể nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn thì kết quả này lại đang bị đảo ngược. Theo báo cáo do tổ chức Save the Children công bố, các vụ tấn công bạo lực nhằm vào trường học tại châu Phi đã tăng 20% trong năm 2023. Hơn 400 vụ tấn công trên khắp khu vực đã xảy ra trong năm qua, khiến nhiều trường học bị phá hoại và phải đóng cửa, nhiều giáo viên, nhân viên và học sinh bị thương và thậm chí bị giết hại.

Theo Save the Children, Nigeria là quốc gia phải chịu đựng nhiều vụ tấn công nhằm trường học nhất trong năm 2023, với 89 vụ. Là một đại diện của Nigeria tham dự Hội nghị cấp cao AU, em Ibrahim Zanna Sunoma cho biết, đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá thảm khốc mà các vụ tấn công gây ra; nhấn mạnh, điều này đã “gieo rắc nỗi sợ hãi” và “cướp đi quyền cơ bản” của mọi trẻ em là được học tập trong một môi trường an toàn. Những trải nghiệm đau thương này là vết sẹo hằn sâu trong tâm trí không chỉ của Sunoma mà còn của nhiều đứa trẻ khác tại châu Phi.

Trước những thách thức mà ngành giáo dục tại châu Phi phải đối mặt, các đại biểu tham dự Hội nghị cấp cao AU kêu gọi các nước thành viên đưa ra những bước đi cụ thể. Tại cuộc họp bên lề Hội nghị cấp cao AU với chủ đề “Bảo đảm quyền được hưởng nền giáo dục chất lượng, công bằng và toàn diện nhằm phá vỡ và ngăn chặn chu kỳ bạo lực ở châu Phi”, AU và các đối tác đưa ra một loạt khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của giáo dục trong việc hạn chế các yếu tố dẫn đến xung đột và bạo lực tại khu vực. Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh của AU Bankole Adeoye khẳng định, giáo dục chính là phương tiện để phá vỡ “vòng luẩn quẩn của bạo lực” và sẽ giúp thay đổi bộ mặt của châu Phi. Ủy viên AU cho rằng, việc tiếp cận nền giáo dục chất lượng giúp người dân có thêm năng lực để đóng góp cho cộng đồng, tham gia các cuộc đối thoại và tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột ở khu vực.

Theo Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat, việc AU chọn lĩnh vực giáo dục là trọng tâm của năm 2024 là nhằm hướng tới một cuộc cải cách sâu rộng, với kỳ vọng đào tạo được những người trẻ có năng lực đóng góp cho tiến trình phát triển của khu vực. Ông Mahamat nhận định, những thành tựu của nền giáo dục sẽ đem lại “tác động dây chuyền” đáng kể đến nhiều lĩnh vực, như an ninh, nông nghiệp, số hóa, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái... Việc cải cách hệ thống giáo dục cũng sẽ góp phần đẩy lùi đói nghèo và đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng ở châu Phi.

Là công cụ mạnh mẽ để thúc đẩy phát triển, hòa bình và tiến bộ, giáo dục chính là ngọn hải đăng chiếu sáng con đường đến tương lai tươi sáng hơn cho châu Phi. Tuy nhiên, con đường này lại đầy những thách thức, từ việc bảo đảm an toàn cho trường học đến việc cải cách hệ thống giáo dục phù hợp xu thế phát triển của thế kỷ 21. Do đó, nỗ lực chung của các quốc gia châu Phi, đối tác quốc tế và chính các nhà giáo và học sinh đóng vai trò quan trọng trong việc đưa nền giáo dục khu vực vượt qua những lực cản này trong thời gian tới.

Nỗ lực đưa nền giáo dục châu Phi vượt khó (nhandan.vn)

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.