Bài toán cân bằng chính sách nông nghiệp và khí hậu

Nhằm xoa dịu làn sóng biểu tình của nông dân lan rộng trên toàn khối, Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên đã công bố hàng loạt biện pháp hỗ trợ ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, EU vẫn ở thế khó khi chưa tìm ra lời giải cho bài toán cân bằng giữa nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu và bảo đảm lợi ích của nông dân.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, đang đến gần, EU đối mặt thách thức lớn với làn sóng biểu tình khiến nhiều thủ đô và tuyến đường huyết mạch bị phong tỏa.

Nông dân tại nhiều nước, như Đức, Pháp, Bỉ, Hy Lạp, Italia, Tây Ban Nha, Hà Lan đã đồng loạt xuống đường tuần hành trên diện rộng, gây ảnh hưởng cuộc sống hằng ngày của người dân và khiến các doanh nghiệp thiệt hại do hoạt động vận tải bị đình trệ.

Nông dân các nước EU cho rằng họ đang chịu áp lực từ nhiều phía, bao gồm chi phí nhiên liệu cao, quy định ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường, sự cạnh tranh không công bằng.

Giới chuyên gia nhận định, tình trạng căng thẳng nêu trên xuất phát từ nhiều lý do. Theo giảng viên kinh tế tại Đại học Lancaster (Anh) Renaud Foucart, các quy định về môi trường của EU là một trong những nguyên nhân. Chiến lược Farm to Fork (Từ trang trại đến bàn ăn), trọng tâm của Thỏa thuận Xanh châu Âu, đưa ra các mục tiêu liên quan lĩnh vực nông nghiệp EU cần đạt được vào năm 2030 như giảm một nửa lượng thuốc trừ sâu hóa học và 20% lượng phân bón, chuyển đổi ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp sang canh tác hữu cơ.

Thỏa thuận Xanh châu Âu được xem là một trong những chìa khóa quan trọng giúp EU hiện thực hóa mục tiêu khí hậu tham vọng là trung hòa các-bon vào năm 2050, hướng đến tương lai phát triển xanh và bền vững. Tuy nhiên, nhiều nông dân cho rằng họ phải tuân thủ nhiều hạn chế trong sản xuất, khiến sản phẩm nông nghiệp của EU trở nên kém cạnh tranh.

Ngoài ra, nông dân EU cũng có những lo ngại liên quan các biện pháp giảm thiểu khí thải của riêng từng nước. Tại Đức, nông dân không nhất trí với kế hoạch của chính phủ cắt giảm trợ cấp dầu diesel sử dụng trong nông nghiệp. Nông dân Hà Lan biểu tình phản đối kế hoạch hạn chế chăn nuôi gia súc để giảm khí thải.

Trong khi đó, nông dân Ba Lan cho rằng việc mở cửa cho nông sản Ukraine tràn vào thị trường EU đã khiến giá hàng hóa trong nước giảm và gây ra gánh nặng lớn đối với nền nông nghiệp khu vực… Ngành nông nghiệp EU cũng bị nhiều khó khăn khác bủa vây. Tình trạng biến đổi khí hậu kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Giới phân tích cho rằng, những khó khăn này đã thổi bùng lên căng thẳng thời gian qua tại EU liên quan lĩnh vực nông nghiệp.

Để tháo gỡ những vướng mắc nêu trên, EU và nhiều nước thành viên đã đưa ra các giải pháp quyết liệt. Ủy ban châu Âu (EC) tạm gác lại đề xuất về hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, một động thái thể hiện sự nhượng bộ của EU để xoa dịu làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp lục địa. EC khẳng định sẽ thảo luận với các bộ trưởng Nông nghiệp EU vào ngày 26/2 tới, nhằm tháo gỡ những vướng mắc của nông dân.

Ở cấp độ quốc gia, Pháp tuyên bố ngay lập tức cấm nhập khẩu rau và hoa quả từ các nước ngoài EU nếu những mặt hàng này sử dụng thuốc trừ sâu Thiacloprid, công bố gói hỗ trợ 162 triệu USD giúp các chủ trang trại nuôi gia súc, cùng nhiều biện pháp giảm áp lực tài chính và hành chính cho nông dân. Chính phủ Đức cũng rút lại một phần kế hoạch cắt giảm trợ cấp dầu diesel, giữ nguyên việc miễn thuế ô-tô đối với xe nông nghiệp. Hy Lạp tuyên bố gia hạn thời gian giảm thuế đặc biệt đối với dầu diesel thêm một năm.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, cuộc biểu tình của nông dân EU sẽ tiếp tục kéo dài, làm gián đoạn cơ cấu nông nghiệp khu vực, đồng thời khiến ngành vận tải bị ảnh hưởng. Đáng lo ngại, các cuộc biểu tình có nguy cơ không chỉ làm suy giảm nền kinh tế của mỗi nước, mà còn là “cơn gió ngược” làm chao đảo con tàu kinh tế khu vực, đồng thời là thách thức lớn đối với chính sách khí hậu của EU.

Ủy viên phụ trách chính sách khí hậu của EU Wopke Hoekstra từng kêu gọi Liên minh Cờ xanh cân bằng giữa một bên là tham vọng về khí hậu với một bên là việc duy trì tính cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây cũng là nội dung chính trong bức thư chung, được 11 nước thành viên EU, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, gửi tới EC. Theo đó, các nước hối thúc EC đặt ra mục tiêu khí hậu tham vọng, song bảo đảm sự chuyển đổi công bằng.

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

“Thỏi nam châm” BRICS

Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng...

Bước tiến mới trong chẩn đoán ung thư não

Các nhà khoa học vừa tìm ra phương pháp mới để phát hiện ung thư não nhanh, chính xác và ít tốn kém hơn so với phương pháp thông thường.

Ngành du lịch có thể đóng góp kỷ lục 11.100 tỷ USD vào GDP toàn cầu

Ngành du lịch dự kiến hỗ trợ gần 348 triệu việc làm trong năm 2024; trong khi chi tiêu cho du lịch tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Đức dự kiến sẽ đóng góp nhiều nhất cho GDP.

Cơ hội nâng cao vị thế của các quốc đảo Thái Bình Dương

Các quốc đảo Thái Bình Dương đang đối mặt nhiều thách thức, song cũng sở hữu tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.

Mỹ Latin “kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribe (CEPAL) mới đây nhận định, nền kinh tế khu vực này vẫn “mắc kẹt” trong bẫy tăng trưởng thấp và sẽ chỉ tăng trưởng trung bình 1,8% trong năm nay. Cơ hội việc làm kém và biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến mức dự báo thấp này.

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Cộng hòa Dân chủ Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác. Cộng hòa Dân chủ Congo chính là nơi đầu tiên loại virus này được phát hiện ở người vào năm 1970.