Quýt Mường Khương xuống phố, lên sàn
Trái quýt ngon đặc sản riêng có từ vùng "đất thép" Mường Khương, nơi cực Bắc Tổ quốc, đã có mặt tại nhiều thành phố lớn trong cả nước.Trưng bày quýt Mương Khương tại Hà Nội năm 2020.
Những năm gần đây, quýt Mường Khương (Lào Cai) được người tiêu dùng tìm mua như một món đặc sản ngon khác biệt, nhất là vào dịp Tết.
Trái to vỏ mỏng, mọng nước, hương vị đậm ngọt và mùi thơm riêng có của loại quýt đâm trái ở vùng đất biên giới "Mưng Khảng". Đó là tên xưa của Mường Khương, tiếng địa phương gọi là "đất thép", tức rất khô cằn, sỏi đá, cứng như sắt thép, trồng gì và nuôi gì cũng khó.
Hơn 20 năm trước, chỉ từ câu chuyện một hộ dân ở thôn Sả Hồ, thị trấn Mường Khương, trồng thử cây quýt và cho ra trái ngon kỳ lạ, người dân đã bắt đầu trồng theo, lan ra và nhân rộng, dần có được danh tiếng.
Khí hậu và thời tiết nơi biên ải, cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, nhiệt độ ngày đêm chênh nhau khác biệt, nhiều sương mù và độ ẩm cao, hóa thành thích hợp cho cây quýt ra trái quý.
Chất lượng quýt Mường Khương có vị ngọt và thơm khác biệt.
Hiện Mường Khương đã có 815 ha quýt với hơn một nửa diện tích đã cho thu hoạch, tập trung tại các xã Tả Ngải Chồ, Pha Long, Tung Chung Phố, Lùng Khấu Nhin và thị trấn Mường Khương, với hơn 1.500 hộ dân trồng quýt. Đáng chú ý có tới hơn 215 ha quýt đạt chuẩn VietGAP và một Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Mường Khương đạt OCOP.
Với sự hỗ trợ rất sát sao của Phòng Nông nghiệp huyện, người dân Mường Khương được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc quýt theo hướng hữu cơ, hoàn toàn không dùng chất kích thích hoặc thuốc bảo vệ thực vật.
Loại quả thu hái vào dịp cuối năm nhưng do địa bàn quá xa, giao thông về miền xuôi gặp nhiều khó khăn, nên sức tiêu thụ chưa lớn. Bí thư Huyện ủy Mường Khương, ông Giàng Quốc Hưng, cho biết, huyện đã có những kế hoạch dài hơi cho cây quýt như một ngành nông nghiệp chủ lực xóa đói, giảm nghèo và tiến tới làm giàu.
Nhiều xã đã có mô hình "du lịch vườn quýt" cho khách miền xuôi lên trải nghiệm, không chỉ checkin cảnh đẹp vùng quýt núi, mà tận mắt thấy quả quýt được chăm sóc với kỹ thuật sạch, thưởng thức và mua quýt về làm quà. Thị trấn Mường Khương là khu vực đậm dặc trồng quýt với 270ha có những mô hình đẹp đã góp phần rõ nét trong quảng bá du lịch. Huyện cũng đánh giá kỹ chất lượng quýt để duy trì diện tích 825 ha mà không mở rộng vùng trồng nhằm giữ chất đặc sản.
Đồng bào Mông và Bố Y thu hoạch quýt Mường Khương.
"Người dân giờ chỉ việc cầm điện thoại nghe alo và lên đơn hàng gửi đi", Trưởng phòng Nông nghiệp Lê Thanh Hoa nói với Đại Đoàn Kết. Với sản lượng khoảng 5.000 tấn năm 2023 được tiêu thụ hầu hết nhờ nền tảng công nghệ như Zalo, người dân trực tiếp kết nối với thương lái hoặc người tiêu dùng rất hiệu quả. Đặc thù trái cây tươi cần tiêu thụ nhanh chóng sau hái, người dân Mường Khương đã rất chủ động chuyển đổi số, tương tác thị trường và bớt chi phí trung gian.
Nếu như năm 2020, đất núi biên ải từng đưa sản phẩm quýt ngọt giới thiệu và quảng bá tại Hà Nội trong “Tuần lễ quýt Mường Khương và các sản phẩm nông nghiệp Lào Cai”, thì nay mỗi ngày có 50-70 tấn quýt mùa thu hoạch được xe tải đưa trực tiếp về Thủ đô và nhiều vùng miền, cả TP HCM. Từ đây quýt Mường Khương đã có mặt ở hàng loạt thành phố trên cả nước.
Quýt ngọt được trồng nhiều tại thị trấn Mường Khương.
"Thậm chí quýt chưa đi, tiền đã về", ông Hoa phấn khởi nói về niềm vui của dân trồng quýt Mường Khương - tạo nên doanh thu hơn 120 tỷ đồng năm 2023. Tính trung bình mỗi hộ 1ha quýt trên toàn huyện mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Hỗ trợ người dân trồng quýt, hầu hết là đồng bào Mông, Pa Dí, Bố Y... kết nối đầu ra và tiêu thụ, Phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết hiện trái ngọt đặc sản này đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành, vào chuỗi BigC, và thậm chí lên sàn thương mại điện tử VNPT và Viettel, những nền tảng công nghệ và mạng xã hội đã trực tiếp giúp dân tiêu thụ chủ lực, xác lập vị thế thị trường.
https://daidoanket.vn/quyt-muong-khuong-xuong-pho-len-san-10270907.html