Thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn từ OCOP
Sau 6 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo bền vững.Xã Quan Hồ Thẩn (Si Ma Cai) có hơn 200 ha lê VH06, trong đó có 150 ha cho thu hoạch quả. Mỗi vụ, người dân trong xã thu hoạch 350 tấn quả. Mặc dù quả lê của xã Quan Hồ Thẩn to đều và ngọt nhưng bán không được giá, bởi chưa tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Năm 2021, Hợp tác xã Mản Thẩn (nay là Quan Hồ Thẩn) đã làm thủ tục, trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận quả lê Si Ma Cai đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Giàng A Phừ, Chủ tịch UBND xã Quan Hồ Thẩn cho biết: Khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, quả lê chỉ bán được với giá từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đã có “thương hiệu”, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn nên giá bán tăng lên 35.000 - 50.000 đồng/kg.
Với kinh nghiệm làm bánh chưng đen, mỗi năm gia đình chị Hoàng Thị Huế, tổ dân phố Mạ, thị trấn Khánh Yên (Văn Bàn) bán ra thị trường 3.000 - 4.000 chiếc. Từ khi được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, sản lượng bánh của gia đình chị Huế cung cấp cho thị trường tăng đột biến. Chị Huế cho biết: Năm 2019, sản phẩm bánh chưng đen Văn Bàn được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ, tuần hàng nông sản và sản phẩm OCOP… Hiện mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường 8.000 chiếc bánh, doanh thu từ 1,8 - 2 tỷ đồng/năm. Điều đáng nói, thay vì chỉ cung cấp tại thị trường trong huyện như trước, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, 70% lượng bánh của gia đình cung cấp cho thị trường Hà Nội, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 8 lao động địa phương. “Nếu không được công nhận sản phẩm OCOP thì không thể có được sự tăng trưởng về sản lượng cũng như thị trường tiêu thụ như thế này”, chị Huế khẳng định.
Tương tự, tương ớt Khánh Yên Thượng (Văn Bàn) của gia đình chị Hoàng Thị Năm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2019. Từ khi được công nhận, mỗi năm, gia đình chị cung cấp ra thị trường 5.000 chai (dung tích 300 ml và 500 ml), tăng 2 lần khi chưa được công nhận sản phẩm OCOP, hơn nữa, thị trường tiêu thụ được mở rộng, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, thậm chí cả thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. “Nhờ được công nhận sản phẩm OCOP mà doanh thu từ bán tương ớt đã tăng gấp đôi”, chị Hoàng Thị Năm cho biết…
Những hiệu quả về kinh tế cho thấy, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần định hướng tổ chức sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Theo ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã lan tỏa đến nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm và dịch vụ du lịch.
Chương trình chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất. Tham gia chương trình OCOP, nhiều chủ thể dần thay đổi nhận thức và quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua việc đầu tư mua sắm máy móc, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng hồ sơ tự công bố, kế hoạch kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tem điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm; bao bì sản phẩm được nâng cấp, cải tiến...
Ngày càng có nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến và tin dùng như chè (Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà), dược liệu (Sa Pa, Si Ma Cai), tương ớt (Mường Khương, Văn Bàn), gạo Séng cù (Bát Xát, Mường Khương), miến đao (Bát Xát), bưởi Múc (Bảo Thắng), cá hồi (Sa Pa), hồng không hạt Bảo Hà (Bảo Yên), quế, mật ong (Bảo Yên, Bảo Thắng), gạo nếp Thẩm Dương (Văn Bàn)... Điều đáng nói, số lao động làm việc tại cơ sở sản xuất tăng so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP; thu nhập của người lao động tăng khoảng 10%, thu nhập của chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP tăng từ 15 - 30% so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
“Chương trình OCOP đã giúp nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, đa dạng hơn các loại hàng hóa nông sản, dịch vụ ở nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, đặc biệt là nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển”, ông Chu Hoàng Nguyện khẳng định.
https://baolaocai.vn/thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-thon-tu-ocop-post378182.html