Bắc Hà: Xây dựng sản phẩm du lịch gắn với chợ phiên, làng nghề
Bắc Hà có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch. Đặc biệt, Bắc Hà có những phiên chợ vùng cao và những làng nghề truyền thống vẫn còn giữ được những nét đặc sắc, độc đáo, tạo nên sức hút đối với du khách.Chợ phiên Bắc Hà hấp dẫn du khách quốc tế
Cho đến nay, chợ Bắc Hà vẫn được đánh giá là phiên chợ lớn nhất khu vực, là nơi bà con ở khắp các nơi trở về hàng tuần để được gặp gỡ, giao lưu. Chợ phiên Bắc Hà không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Phù Lá... Với những yếu tố đặc trưng về văn hóa đã góp phần đưa chợ phiên Bắc Hà trở thành điểm thu hút đối với khách du lịch. Chợ Bắc Hà đã được Tạp chí Serendib (SriLanka) là một trong một trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á năm 2009 với ý nghĩa là khu chợ “mang đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng cao Tây Bắc (Việt Nam), lưu giữ những giá trị bản sắc văn hoá truyền thống độc đáo, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”.
Đến với chợ Bắc Hà, du khách sẽ có dịp khám phá, trải nghiệm được hòa mình vào không khí nhộn nhịp của chợ phiên, vẻ đẹp của núi rừng, và say với tình người chân chất, thật thà của miền Tây Bắc. Trên địa bàn huyện hiện có một số chợ phiên đặc sắc vẫn còn lưu giữ những nét đặc trưng nguyên sơ của chợ văn hoá vùng cao như Chợ Bắc Hà, Chợ Cốc Ly, Chợ Lùng Phình, chợ Bản Liền,… Hoạt động của chợ phiên là cố định trong tuần. Chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày Chủ Nhật, chợ Cốc Ly thứ 3 hàng tuần,…
Khu chợ ngựa trong chợ phiên Bắc Hà
Không chỉ có chợ phiên, Bắc Hà đã và đang làm tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghề truyền thống. Nổi bật phải kể đến đó là nghề rèn đúc nông cụ tại xã Na Hối và xã Bản Phố, nghề trạm khắc bạc tại thôn Cốc Mồi xã Na Hối, nghề may trang phục dân tộc Tày tại các xã Tà Chải, Na Hối, Bản Liền, may trang phục dân tộc Dao tại các xã Nậm Đét, Nậm Khánh, Nậm Lúc, Bản Cái, nghề đan nón lá tại xã Bản Liền, nghề làm bánh chưng đen tại xã Tà Chải, nghề chế tác nhạc cụ dân tộc Mông tại xã Bản Phố, nghề làm yên ngựa của dân tộc Phù Lá tại xã Lùng Phình, làng nghề nấu rượu ngô xã Bản Phố; Làng nghề nấu rượu ngô tại thôn Sả Mào Phố xã Tả Củ Tỷ, làng nghề may trang phục dân tộc Mông tại xã Thải Giàng Phố, làng nghề làm cốm, làng nghề thêu túi dân tộc Tày tại thôn Na Lo xã Tà Chải,…Các ngành nghề truyền thống khác cũng đang được Bắc Hà duy trì và từng bước mở rộng như nghề làm bánh chưng đen ở xã Tà Chải với 15 hộ sản xuất, phần lớn phục vụ khách du lịch; làng nghề may trang phục dân tộc Mông ở xã Thải Giàng Phố với quy mô 60 - 70 hộ làm nghề, mỗi năm bán ra thị trường từ 60 - 120 bộ trang phục, đã góp phần lưu giữ nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bắc Hà đã ban hành Đề án số 05-ĐA/HU về phát triển văn hoá, du lịch huyện Bắc Hà giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Bắc Hà xác định xây dựng sản phẩm du lịch chợ phiên trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện gắn với xây dựng Đề án phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc./.