Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam
Sáng 22/12, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị trực tuyến về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai
Tham dự tại điểm nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Đây là Hội nghị đầu tiên, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Việt Nam là một nước được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Trong đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định 12 lĩnh vực của công nghiệp văn hóa; đồng thời đề ra mục tiêu triển khai các lĩnh vực này đến năm 2030. Sau 7 năm triển khai, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển KTXH chung của đất nước. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022, tăng lên 4,04% GDP. Các sản phẩm công nghiệp văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến phát biểu đánh giá về kết quả phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; những khó khăn trong việc quản lý, đầu tư về các ngành công nghiệp văn hóa; đề xuất các giải pháp và các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương cần quyết tâm, nỗ lực, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp văn hóa, chú trọng những ngành có nhiều tiềm năng, lợi thế; tăng cường quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, cách tiếp cận phù hợp để ngành công nghiệp văn hóa phát triển, đổi mới.