Nhiều mô hình hợp tác xã hiệu quả ở vùng dân tộc thiểu số

Các mô hình hợp tác xã tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh đang có những cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao đời sống của các xã viên.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 đã và đang được triển khai tích cực ở nhiều địa phương và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Thực hiện Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị (theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Chính phủ), nhiều địa phương đã hình thành được các hợp tác xã nhằm hỗ trợ đồng bào phát huy các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông, lâm nghiệp để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Các sản phẩm của Hợp tác xã được chứng nhận OCOP và giới thiệu, kết nối tiêu thụ đến thị trường trong và ngoài nước.

Các hợp tác xã được thành lập với mục tiêu tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tham gia hợp tác xã, các thành viên (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số) được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, được kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó đầu ra của toàn bộ sản phẩm thuận lợi, giá bán cao hơn so với thị trường.

Thành lập năm 2020, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên có 11 thành viên. Mỗi năm, hợp tác xã chiết xuất được 70 lít tinh dầu quế và sả đạt 4 sao OCOP, cung cấp cho thị trường các tỉnh, thành miền núi phía Bắc, doanh thu khoảng 500 triệu đồng/năm. Có được thành công như ngày hôm nay là nhờ công lớn của chị Lò Thị Liên - người sáng lập và đưa hợp tác xã phát triển. Chia sẻ với chúng tôi, chị Lò Thị Liên - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên cho biết: “Hợp tác xã chúng tôi chuyên về sản phẩm quế, xả. Đây là vùng trồng quế lớn của địa phương. Lợi thế từ cây quế mang lại, giá cả cũng như sản phẩm bán ra thị trường khá ổn định. Dựa trên cơ sở thế mạnh đó chúng tôi đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Vĩnh Yên. Hiện có 10 lao động là chị em người Tày, người Mông đang làm việc cho hợp tác xã với mức thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng”.

Chị Hoàn Thị Huấn, bản Khuổi Phường, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên tâm sự: “Từ ngày Hợp tác xã mở chi nhánh tinh dầu ở xã, tôi cũng có công ăn việc làm. Thu nhập hàng tháng cũng đủ trang trải sinh hoạt cho gia đình”.

Chọn cây quế để phát triển, anh Lý Văn Cầu, dân tộc Dao ở thôn Bỗng 2, xã Cam Cọn, luôn trăn trở vì đầu ra sản phẩm quế không ổn định.  Anh đã trăn trở và quyết tâm thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Cầu Mây. Trước hết là sơ chế sản phẩm quế của các thành viên, rồi tiến tới thu mua sản phẩm trong vùng, tìm hướng xuất khẩu. Không những góp phần ổn định thị trường quế của địa phương, hợp tác xã còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động, không kể hàng trăm nhân công theo mùa vụ.

Chị Nguyễn Thị Thoa - thôn Tân Tiến, xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên cho biết: “Ở nhà bây giờ có Hợp tác xã thành lập tại xã, chị em chúng tôi không phải đi làm ăn xa, công việc đều, tiền công thỏa đáng, cuộc sống của chị em chúng tôi cũng ổn định hơn”. 

Huyện Bảo Yên có 25 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 7 hợp tác xã mà người sáng lập là người dân tộc thiểu số. Năng động, sáng tạo, các hợp tác xã nông nghiệp đều đang hoạt động hiệu quả, vừa tạo việc làm cho cho bà con dân tộc thiểu số, vừa đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của địa phương. Hiện có khoảng 600 công nhân, lao động thời vụ đang làm việc tại các hợp tác xã, hàng tháng thu nhập khoảng từ 3 đến 6 triệu đồng.

Hợp tác xã Mường Hoa tìm ra phương thức nhuộm vải mới.

Không chỉ ở Bảo Yên, các địa phương khác cũng có những mô hình kinh tế hiệu quả. Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển kinh tế từ những nghề truyền thống của địa phương, chị Sùng Thị Lan, người dân tộc Mông, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Mường Hoa. Tháng 9/2018, dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,” chị Sùng Thị Lan đã thành lập Hợp tác xã Mường Hoa, do chị làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược. Các sản phẩm của Hợp tác xã được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Hiện, Hợp tác xã có 9 hộ gia đình là thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách, Hợp tác xã còn tạo việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương. Chia sẻ về công việc của mình, chị  Sùng Thị Lan cho biết: “Ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi tạo được công ăn cho nhiều người dân trong xã. Gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương”.

Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua, ngành du lịch bị ảnh hưởng, du khách nước ngoài không đến Việt Nam đông như trước nhưng những sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ bán ở địa phương, thông qua mạng xã hội Facebook, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc đã được rất nhiều người biết đến và ủng hộ, trong đó có những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ sản xuất các mặt hàng để bán, hợp tác xã Mường Hoa còn nhận các Tour du lịch cho du khách trải nghiệm thực tế, tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm.

Theo báo cáo đánh giá hoạt động kinh tế tập thể, hợp tác xã năm 2023 của UBND tỉnh Lào Cai, các hình thức kinh tế tập thể nông nghiệp đã và đang tiếp tục phát triển đa dạng về số lượng và chất lượng, thể hiện rõ vai trò quan trọng trong ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mặt khác, khu vực kinh tế tập thể đang là nhân tố quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân (trang trại) và thúc đẩy hình thành các liên kết, chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ thiết yếuvà thúc đẩy hình thành các liên kết, chuỗi giá trị bền vững trong sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ thiết yếu. Một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn như: Hợp tác xã Lâm Phong (thị xã Sa Pa), Hợp tác xã Hoa Lợi (TP Lào Cai), Hợp tác xã CNC Lùng Phình, Hợp tác xã chè Bản Liền (huyện Bắc Hà), Hợp tác xã Bản Xen, Hợp tác xã Thịnh Phong (huyện Mường Khương), Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Cầu Mây (huyện Bảo Yên),....

Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 400 hợp tác xã đang hoạt động, doanh thu bình quân của hợp tác xã ước đạt 895 triệu đồng/năm, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022; lãi bình quân của hợp tác xã ước đạt 107 triệu đồng/năm. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã ước đạt khoảng trên 9.400 người. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên ước đạt 48 triệu đồng/năm, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Trong đó số hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp là 285 hợp tác xã (chiếm 56,8% tổng số hợp tác xã).

Thảo quả, chè, quế, hồi, măng, sản phẩm trang phục thổ cẩm thủ công… đã không còn xa lạ tại các siêu thị; thảo dược, gỗ ép, tinh dầu… đã không còn bán thủ công mà đã được đưa thẳng tới nhà máy. Đưa sản phẩm xưa nay vốn chỉ tự cung tự cấp của đồng bào dân tộc thiểu số nay đã được đưa lên kệ hàng các siêu thị, lên các sàn thương mại điện tử, thậm chí tham gia vào chuỗi OCOP (Chương trình mỗi xã/phường một sản phẩm tiêu biểu) để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong chuỗi cung ứng ấy, các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số đang chính là cầu nối, trung gian và đang ngày càng trở thành các địa chỉ tin cậy không chỉ cho các xã viên mà còn là địa chỉ uy tín cho các thương hiệu nông lâm sản tại các địa phương.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Điểm sáng phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ

Chú trọng tạo nguồn, kết nạp Đảng cho thanh niên ưu tú chuẩn bị lên đường nhập ngũ góp phần nâng cao chất lượng chính trị trong thanh niên, khơi dậy niềm tự hào, ý chí quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong quân ngũ. Năm 2024, Bảo Yên là địa phương điển hình trong triển khai công tác này.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh

Bắt nhịp với xu thế phát triển mới, Lào Cai đang thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là trong thu hút đầu tư và bước đầu đạt kết quả tốt.

Từ ngày 2 - 8/6 sẽ diễn ra Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng năm 2024

Giải đua ngựa truyền thống huyện Bắc Hà mở rộng lần thứ 17 năm 2024 là một trong những hoạt động của “Festival cao nguyên trắng Bắc Hà” mùa hè năm 2024 với chủ đề “Nghiêng say vó ngựa cao nguyên”.

Để phong trào “Dân vận khéo” lan tỏa

Sau hơn 10 năm triển khai phong trào, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì gần 5.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024

Sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các tỉnh, thành phố.

Đảng bộ khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh 65 năm xây dựng và phát triển