Vun đắp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng bền chặt

Sau gần 10 năm nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Việt Nam và Nhật Bản kỷ niệm mốc son 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21/9/1973-21/9/2023) với sự tin cậy và tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Sự tương đồng và gần gũi trong văn hóa đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Trên cả bình diện song phương lẫn đa phương, trong mọi lĩnh vực hợp tác từ chính trị, an ninh và quốc phòng, tới kinh tế, thương mại và đầu tư, y tế, văn hóa, giáo dục hay khoa học kỹ thuật, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được củng cố. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng sự hợp tác, giao lưu, trao đổi giữa các cơ quan Chính phủ, giữa các tổ chức kinh tế-xã hội và giữa các địa phương hai nước diễn ra tích cực, sôi động là nền tảng quan trọng cho những thành tựu hai nước cùng đạt được trong nửa thế kỷ qua.

Đến nay, Nhật Bản là nước tài trợ, viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, đối tác hợp tác lao động thứ hai, nhà đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ ba của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai nước năm 2022 tiếp tục phát triển theo hướng cân bằng, đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Bên cạnh đó, Nhật Bản hiện có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam cũng có 106 dự án đầu tư sang Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 19,5 triệu USD.

Một trong những nhịp cầu quan trọng đóng góp phát triển trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản là cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản ngày càng lớn mạnh, với gần 500.000 người đang sinh sống, học tập và làm việc trên khắp 47 tỉnh, thành phố tại đất nước Mặt trời mọc, góp phần thiết thực vào việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đến nay, ngoài Đại sứ quán ở Thủ đô Hà Nội, Chính phủ Nhật Bản cũng đã mở thêm hai Tổng lãnh sự ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để hỗ trợ công dân hai nước, nhất là cho hơn 20.000 công dân Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam.

Những năm gần đây, hợp tác về giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển đa dạng, dưới nhiều hình thức. Trường đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) được thành lập, đóng góp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ. Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ nâng cấp một số trường đại học của Việt Nam đạt chuẩn đại học chất lượng cao, đồng thời, hỗ trợ Việt Nam giảng, dạy tiếng Nhật tại một số trường tiểu học, trung học cơ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 30 năm qua, hơn 350.000 thực tập sinh Việt Nam được Nhật Bản tiếp nhận và Việt Nam hiện đứng thứ nhất về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại đất nước Mặt trời mọc với hơn 200.000 người.

Hợp tác kinh tế song phương ghi nhận nhiều bước tiến mạnh mẽ, gặt hái nhiều thành quả. Giám đốc Ban Nghiên cứu khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng (NIDS), Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Tiến sĩ Shoji Tomotaka nhận định: Nhật Bản luôn coi trọng hợp tác kinh tế với Việt Nam trong chính sách đối ngoại và chú trọng tăng cường quan hệ với Việt Nam không chỉ ở bình diện song phương, mà với kỳ vọng hai nước có thể hợp tác chặt chẽ hơn nữa tại các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và cả ở những khuôn khổ đa phương quan trọng nhất.

Tại thành phố cảng Yokohama, thủ phủ của tỉnh Kanagawa, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, trong bài phát biểu khai mạc Lễ hội Việt Nam với chủ đề “Gắn kết đến tương lai” mới đây, đã nhấn mạnh thông điệp mong muốn người dân hai nước thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị trên tinh thần “Việt Nam và Nhật Bản cùng hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới”.

Tại các cuộc tiếp xúc gần đây, lãnh đạo cấp cao hai nước đều nhấn mạnh quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử với sự tin cậy cao. Các hoạt động văn hóa, giao lưu nhân dân thường xuyên góp phần tăng cường sự thấu hiểu, thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản. Năm nay, Việt Nam và Nhật Bản cùng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao ý nghĩa và sôi động, tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ được cho là có “tiềm năng vô hạn” giữa hai quốc gia.

https://nhandan.vn/vun-dap-quan-he-viet-nam-nhat-ban-ngay-cang-ben-chat-post773546.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Infographics: Chương trình hành động của Chính phủ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Chính phủ ban hành Nghị quyết 111/NQ-CP ngày 22/7/2024 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào

Sáng 26/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân nhân dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Lào sang Việt Nam dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn...

Xuất khẩu phục hồi tích cực

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong sáu tháng đầu năm là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt kết quả tích cực, ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ. Có được kết quả nêu trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cũng như sự...

Chủ tịch nước Tô Lâm: Các gia đình chính sách phải luôn được hưởng đầy đủ thành quả của sự nghiệp đổi mới

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), chiều 22/7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc với nhiều dấu ấn nâng tầm đối ngoại Việt Nam

Đối ngoại là một trong những lĩnh vực in đậm nhiều dấu ấn nổi bật của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đồng chí trên cương vị Tổng Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị về xây dựng, hoàn thiện đường lối...

Đường lối 'ngoại giao cây tre' – Bài học quý, có ý nghĩa giá trị thực tiễn sâu sắc

Có thể khẳng định, tầm nhìn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đường lối “ngoại giao cây tre” là một bước đi chiến lược, rất đúng đắn, sáng tạo trong việc lãnh đạo thực hiện chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đường lối ngoại giao này thực sự đóng một vai trò quan trọng nhằm giúp Việt Nam...