UNESCO kêu gọi quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lớp học, qua đó góp phần bảo vệ trẻ em. Việc xây dựng những chiến lược ở cấp quốc gia và toàn cầu nhằm bảo đảm sử dụng AI một cách có trách nhiệm, an toàn và có đạo đức đang là yêu cầu cấp bách.

Trong bản hướng dẫn mới nhất mà UNESCO gửi tới các chính phủ, tổ chức này nhấn mạnh rằng, giới chức quản lý ở các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết các vấn đề liên quan việc triển khai các chương trình AI tạo sinh trong trường học.

Cơ quan này nhận định, việc dùng những chương trình AI thay cho các giáo viên có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ em, đẩy các em vào nguy cơ dễ bị thao túng. Bản hướng dẫn của UNESCO nêu rõ, các công cụ AI có tiềm năng giúp đỡ trẻ em như một trợ lý nghiên cứu, song những công cụ này chỉ trở nên an toàn và hiệu quả nếu các chính phủ quản lý việc sử dụng, đồng thời giáo viên, học sinh và nhà nghiên cứu cùng tham gia vào quá trình thiết kế công cụ.

Thực tế cho thấy, AI đang làm thay đổi thế giới và tạo thuận lợi cho cuộc sống hằng ngày. Công việc của con người trong tất cả lĩnh vực được giảm tải đáng kể nhờ ứng dụng AI.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ từ AI. Công nghệ này được cho là đang khơi mào một cuộc chiến cam go, phức tạp mới giữa các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tội phạm mạng. Trẻ em là người thụ hưởng những cơ hội do AI mang lại, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước mối nguy hiểm từ công nghệ đột phá này.

Trong bối cảnh AI trở nên phổ biến trên toàn cầu với những khoản đầu tư bùng nổ trong năm 2023, các nhà lập pháp trên toàn thế giới đã khẩn trương xem xét cách thức giảm nguy cơ từ công nghệ mới nổi này đối với an ninh quốc gia.

Vào tháng 11 tới, Chính phủ Anh sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao toàn cầu về an toàn AI, trong đó tập trung bàn thảo về cách ngăn tình trạng AI bị lợi dụng để phát tán tin sai, tin giả trong các cuộc bầu cử và việc sử dụng công nghệ này trong chiến tranh.

Hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu để phát triển công nghệ AI một cách an toàn và đáng tin cậy.

Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực AI đặt giới chức các nước trước bài toán khó là làm thế nào để cân bằng giữa việc thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Dù hưởng lợi từ các sản phẩm AI, hàng loạt công ty công nghệ vẫn cảnh báo về mức độ nguy hiểm của công nghệ này nếu không được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ.

Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith mới đây nêu rõ, AI có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích, song cũng có nguy cơ trở thành vũ khí chống lại nhân loại nếu chúng vượt tầm kiểm soát của con người. Ông Brad Smith khẳng định cần khuyến khích các công ty công nghệ làm điều đúng đắn, trong đó có việc tạo ra các quy định và chính sách mới nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng cảnh báo mối nguy hại tiềm ẩn từ AI và nhấn mạnh cần giảm những mối nguy đó. Bốn công ty công nghệ lớn gồm Anthropic, Google, Microsoft và OpenAI đã thành lập một nhóm mới có tên là Frontier Model Forum nhằm xây dựng các tiêu chuẩn an toàn, hướng tới các mục tiêu chính như: Thúc đẩy nghiên cứu AI an toàn để hỗ trợ phát triển, giảm rủi ro; giúp công chúng hiểu về bản chất, khả năng, hạn chế và tác động của công nghệ; hợp tác với các nhà hoạch định chính sách, học giả để chia sẻ kiến thức về rủi ro và an toàn...

Sử dụng AI đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới. Việc xây dựng những chiến lược phát triển sao cho AI thật sự phục vụ cuộc sống của con người là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho các thế hệ sau có thể sống chung an toàn với trí tuệ nhân tạo.

https://nhandan.vn/unesco-keu-goi-quan-ly-viec-su-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-truong-hoc-post771991.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...