Liên hợp quốc hoan nghênh hành động vì khí hậu
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết đẩy nhanh nỗ lực hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG).Thủ tướng Ấn Độ đón Tổng Thư ký Liên hợp quốc dự Hội nghị G20. (Ảnh: THESUNDAILY.MY)
Theo người phát ngôn Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Guterres nhấn mạnh rằng, hành động tập thể và vai trò lãnh đạo toàn cầu là những yếu tố đặc biệt cần thiết để tăng cường hành động về khí hậu và phát triển bền vững. Liên hợp quốc đánh giá cao G20 đã đồng thuận cao về vấn đề này.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G20, diễn ra tại Ấn Độ, các nhà lãnh đạo G20 đã đạt đồng thuận và thông qua Tuyên bố New Delhi. Tuyên bố tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDG và đưa ra kế hoạch hành động phù hợp. Tuyên bố chung nêu rõ, mỗi năm, thế giới cần 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm sử dụng than đá.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi công bố ra mắt Liên minh Nhiên liệu sinh học toàn cầu do Chính phủ Ấn Độ khởi xướng, nhằm thúc đẩy sử dụng nhiên liệu sinh học bền vững. Liên minh sẽ tập trung củng cố thị trường, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán nhiên liệu sinh học toàn cầu, hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình nhiên liệu sinh học quốc gia... Thủ tướng Ấn Độ mời các nước và tổ chức quốc tế tham gia sáng kiến này.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường kêu gọi G20 thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, duy trì sự ổn định và thông suốt của chuỗi công nghiệp và cung ứng. Thủ tướng Trung Quốc cũng kêu gọi các nước thành viên G20 thúc đẩy phát triển xanh và ít carbon, bảo vệ môi trường sinh thái biển và thúc đẩy phát triển bền vững toàn cầu.
Tại hội nghị, Hàn Quốc cam kết bổ sung 300 triệu USD cho Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) như một phần trong nỗ lực của Seoul nhằm ứng phó biến đổi khí hậu. GCF là quỹ khí hậu lớn nhất thế giới, được thành lập trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, có nhiệm vụ hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải carbon, phát triển năng lượng sạch và thích ứng biến đổi khí hậu.
Anh cũng cam kết đóng góp 2 tỷ USD cho GCF. Đây là mức cam kết tài trợ cao nhất của Anh trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Văn phòng Thủ tướng Anh, cam kết trên cao hơn 12,7% so với mức Anh đóng góp trong giai đoạn 2020-2023.
https://nhandan.vn/lien-hop-quoc-hoan-nghenh-hanh-dong-vi-khi-hau-post771817.html