Phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống tại Tả Phìn
Xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) đang thực hiện mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy các làng nghề văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Đây là mô hình điểm của thị xã Sa Pa trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn.Tả Phìn là một trong những làng du lịch cộng đồng đầu tiên của thị xã Sa Pa, không chỉ nổi tiếng với cảnh vật, thiên nhiên hoang sơ, núi non hùng vĩ mà nơi đây còn lưu giữ được những phong tục, văn hóa đậm bản sắc dân tộc.
Đến Tả Phìn, du khách được trải nghiệm các nghề thủ công truyền thống của người dân như tham gia hái lá thuốc tắm và chuẩn bị thuốc tắm, học cách sử dụng thảo dược; tham quan và học cách làm vải thổ cẩm, thêu hoa văn theo quy trình truyền thống dân tộc Dao, Mông hoặc trực tiếp tìm hiểu và thực hành các quy trình rèn đúc, dệt lanh, làm mẫu in sáp ong lên thổ cẩm của người Mông, căng da trâu làm trống của người Dao…
Để nâng cao chất lượng du lịch ở Tả Phìn nói riêng và các xã, phường nói chung, Sa Pa đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng đến việc liên kết các sản phẩm du lịch để tạo điểm nhấn chất lượng, hình thành các sản phẩm mang tính cạnh tranh và hấp dẫn đối với du khách. Các cơ sở lưu trú, khu du lịch sinh thái, trải nghiệm được liên kết với các cơ sở sản xuất các sản phẩm từ nghề truyền thống để du khách được giới thiệu, biết đến và có cơ hội trải nghiệm. Làng du lịch sẽ trở thành một “hệ sinh thái” với sự tham gia của nhiều “mắt xích” từ các cơ sở đơn lẻ.
Với cách làm này, người dân không chỉ có nguồn thu từ hoạt động du lịch mà còn phát triển tiêu thụ các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống (thuốc tắm, thổ cẩm, đồ thủ công mây tre đan, trống từ da trâu, bò). Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm thủ công truyền thống cũng góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc tại địa phương.
Đến Tả Phìn, du khách không khó để gặp hình ảnh những phụ nữ Dao, Mông ngồi thành từng nhóm, cầm trên tay những bó lanh se sợi hoặc những tấm thổ cẩm đã nhuộm chàm để thêu hoa văn. Các sản phẩm thổ cẩm hoặc trải nghiệm thêu thổ cẩm cũng là những sản phẩm du lịch thú vị của địa phương này. Tại Tả Phìn, 2 tổ nhóm có cùng sở thích may, thêu đã được thành lập với sự tham gia của hơn 100 phụ nữ địa phương. Chị em trong các tổ nhóm thường chia sẻ các mẫu thêu, làm mới sản phẩm, các họa tiết để phù hợp hơn với khách du lịch.
Hầu hết sản phẩm thổ cẩm như trang phục truyền thống rất khó bán, chỉ bán được cho người dân địa phương, bởi vậy thay vì chỉ thêu áo, váy như trước đây, chúng tôi thêu những tấm khăn, túi, mũ, dây đeo tay, móc chìa khóa bằng thổ cẩm để bán cho khách du lịch.
Tương tự, sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ tại xã Tả Phìn cũng không dừng lại ở việc trải nghiệm hái, tắm lá thuốc tại các cơ sở nghỉ dưỡng, lưu trú như trước đây. Giờ đây, du khách có thể dễ dàng tìm mua thuốc tắm đóng gói, thuốc tắm cô đặc đóng chai, các loại cao, thảo dược… được “cải tiến” với nhiều mẫu mã, tiện lợi cho du khách mua, vận chuyển sau mỗi chuyến đi.
Nghề truyền thống tại Tả Phìn giờ là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách trải nghiệm. Bởi lẽ đó, phát triển du lịch làng nghề là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm phong phú sản phẩm du lịch và bảo tồn văn hóa các dân tộc.
Trên thực tế, các sản phẩm từ nghề truyền thống vẫn phát triển đơn lẻ, giữa các cơ sở làm du lịch (lưu trú, trải nghiệm) và các cơ sở làm nghề truyền thống chưa có tính kết nối nên chưa phát huy được các tiềm năng sẵn có.
Hiện nay, Sa Pa đang tập trung vào việc xâu chuỗi các sản phẩm du lịch hiện có, làm nổi bật những đặc trưng của du lịch Tả Phìn, trong đó có các làng nghề như tắm lá thuốc, các sản phẩm người Dao đỏ, các sản phẩm về nông nghiệp, các sản phẩm văn hóa phi vật thể của người Dao. Đây cũng là mô hình phát triển du lịch ở nông thôn, hướng tới bảo tồn và phát huy các làng nghề văn hóa truyền thống.
https://baolaocai.vn/phat-trien-du-lich-gan-voi-nghe-truyen-thong-tai-ta-phin-post372944.html