Tín dụng chính sách góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Với 30 triệu đồng được vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua nguồn hỗ trợ sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình bà Hoàng Thị Huấn, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn đã sử dụng để chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn và quan tâm công tác phòng chống dịch nên đàn bò của gia đình bà phát triển nhanh. Chỉ trong vòng 3 năm gia đình bà đã trả được cả gốc lẫn lãi và đang dự kiến sẽ vay thêm để đầu tư chăn nuôi lợn nhằm tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có cũng như phù hợp với nhân công lao động của gia đình. Chia sẻ với chúng tôi, bà Hoàng Thị Huấn cho biết: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm cho vay vốn Ngân hàng Chính sách, số tiền đó gia đình tôi vay về để chăn muôi bò, bây giờ bò phát triển lên nhiều con, tôi bán bớt cũng đủ để trang trải gia đình và trả được nợ Ngân hàng. Sau này gia đình cũng muốn vay thêm để tiếp tục đầu tư chăn nuôi”.

Gia đình bà Hoàng Thị Huấn, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn đã sử dụng vốn vay để phát triển chăn nuôi bò sinh sản.

Gia đình Bà Hoàng Thị Huấn chỉ là 1 trong số 30 hộ dân ở thôn Nà Lộc được vay vốn từ chương trình hỗ trợ sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang phát huy được hiệu quả. Từ nguồn vốn gần 2 tỷ đồng, với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã sử dụng đúng mục đích để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và từng bước vươn lên trong cuộc sống; góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Chị Dương Thị Huỳnh, tổ trưởng Tổ vay vốn thôn Nà Lộc, xã Khánh Yên Thượng cho biết: “Trước khi cho vay đến 100 triệu đồng là chúng tôi phải đến tận nhà để thẩm định cho vay. Các gia đình đủ điều kiện mới được vay chứ không phải nhà nào cũng cho vay. Thường xuyên 3 tháng phải đi kiểm định 1 lần xem thực tế vốn vay có đến với dân hay không và cũng thấy rất có hiệu quả. Hiện tại thôn Nà Lộc phát triển được rất nhiều trâu bò, đàn trâu bò hiện nay đã có trên 100 con”.      

Để đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, trong quá trình triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi, các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội ở xã Khánh Yên Thượng đã quan tâm thực hiện tốt việc lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác, các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để phát huy hiệu quả các nguồn vốn; tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay; thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; theo dõi và hướng dẫn lập hồ sơ xử lý rủi ro; đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi.

Khác với những hộ ở Khánh Yên Thượng, anh Nguyễn Trường Tam, thôn Én 1, xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn lại tìm cho mình hướng đi khác khi được vay vốn. 2 hec ta cam đã cho thu quả, bình quân mỗi năm doanh thu gần 1 tỷ đồng, chưa kể anh vừa mở rộng thêm diện tích hồng xiêm, xoài đang chuẩn bị cho thu quả. Anh Tam tâm sự: “Gia đình tôi thì làm nông nghiệp, được vay vốn từ Ngân hàng chính sách thời điểm đó là 50 triệu đồng và Ngân hàng Nông nghiệp được hơn 100 triệu, sau 3 năm đầu tư làm vườn phát triển kinh tế, số tiền được vay đó đã phát huy được hiệu quả và bây giờ tôi đã trả được hết nợ. Đến thời điểm này, gia đình không còn nợ nguồn vốn nào cả. Cũng nhờ các nguồn vốn của Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ thì gia đình mới tạo được cơ ngơi như hôm nay”.

Khánh Yên Trung là địa phương không đông dân cư nhưng lực lượng lao động chủ yếu lại làm nông nghiệp, nên nhu cầu vay vốn khá cao. Tính đến thời điểm này, tổng dư nợ tại địa phương lên tới 18 tỷ đồng. Hầu hết các hộ vay vốn đều thực hiện nghiêm túc việc vay và trả nợ đúng kỳ hạn, không có nợ xấu và nguồn vốn vay phát huy tốt hiệu quả. Qua đó đời sống của đồng bào các dân tộc từng ngày được nâng lên.

Ông Ma Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Trung, huyện Văn Bàn đánh giá: “Chúng tôi nhận thấy, trong quá trình vay vồn người dân áp dụng vào sản xuất rất hiệu quả. Thể hiện rõ nét nhất là trong việc xoá đói, giảm nghèo. Đến nay xã Khánh Yên Trung chỉ còn dưới 10%, từ năm 2021 – 2022 mỗi năm chúng tôi giảm 5% số hộ nghèo. Theo chúng tôi đánh giá đạt được hiệu quả như hiện nay cũng là từ nguồn vốn vay. Trong quá trình thực hiện đã nổi lên 1 số hộ gia đình dám nghĩ dám làm, đã hình thành những mô hình nuôi bò, nuôi lợn, nuôi gà rồi cá trang trại khác cơ bản là đều phát triển tốt”.

Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả, hàng năm, phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Bàn đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị- xã hội nhận ủy thác tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách.

Huyện Mường Khương có 243 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả. Tổng dư nợ đến nay là gần 370 tỷ đồng với trên 7.100  khách hàng. Với số vốn được vay, bà con đầu tư vào phát triển trồng cây ăn quả, làm trang trại, mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất.

Các nguồn vốn chính sách đang phát huy hiệu quả tại huyện Mường Khương.

Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương đang triển khai 17 chương trình vay vốn trên địa bàn. Đến hết quý I năm nay, tổng nguồn vốn cho vay đạt trên 370 tỷ đồng; doanh số cho vay 3 tháng đầu năm 2023 đạt trên 48 tỷ đồng với 817 lượt khách hàng vay vốn. Để đồng vốn được giải ngân đúng đối tượng, nhanh chóng, thuận lợi, những thủ tục vay vốn ưu đãi được cải tiến, có sự phối hợp trong quản lý, giám sát việc sử dụng vốn vay hiệu quả.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương cho biết: “Từ lãnh đạo đến các nhân viên ngân hàng đều đi xuống xã, phối hợp với các tổ chức đoàn thể để tuyên truyền cho bà con. Chúng tôi cũng có App ngân hàng để người dân tra cứu thông tin, chính sách, các gói hỗ trợ, lãi suất, các mô hình kinh tế,…”.

Từ kinh nghiệm có được trong những năm tháng công tác tại Trung tâm thuỷ sản Lào Cai, năm 2016, anh Phạm Văn Hàn, thôn Làng San, xã Quang Kim, huyện Bát Xát đã mua 600 con cá quất giống về nuôi thử nghiệm. Sau 3 năm nuôi, cá quất cho trọng lượng đạt 2,5 đến 3 kg/con, với giá bán tù 400 - 450 nghìn/kg, kết quả đó đã tạo động lực để anh mở rộng thêm diện tích ao nuôi. Năm 2019, anh Hàn đã đầu tư trên 1,5 tỷ đồng để cải tạo trên 3.000m2 ruộng trũng thành 4 ao nuôi thả cá. Năm 2021, cùng với số vốn của gia đình, anh vay thêm 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua cá giống, chủ yếu là các giống cá quất, cá lăng, chạch trấu, chép lai... về nuôi trên diện tích ao của gia đình, mỗi năm trừ chi phí anh thu lãi trên 1 tỷ đồng. Chia sẻ với chúng tôi, Anh Hàn nói: “Từ khi tiếp cận nguồn vốn để phát triển thủy sản, đến nay gia đình tôi đã dần ổn định kinh tế và có xu hướng phát triển thêm để ổn định cuộc sống”.

Anh Phạm Văn Hàn, thôn Làng San, xã Quang Kim (Bát Xát) đầu tư nuôi cá quất và mang lại thu nhập cao.

Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bát Xát đã mở được 21 điểm giao dịch tại 21 đơn vị hành chính cấp xã, với 242 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động trên địa bàn; 100% tổ được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng miền, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Các chương trình tín dụng chính sách đã và đang góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách, ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Nhờ được tiếp cận vốn vay ưu đãi mà người dân đã mạnh dạn hơn trong việc thay đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sang phương thức sản xuất mới, tiếp cận với khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh phát triển. Kết quả này được thể hiện khi Lào Cai đã xếp thứ 5 trong top 10 tỉnh, thành có tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhất cả nước giai đoạn 2006-2021. Đây sẽ là động lực quan trọng để đồng bào các dân tộc Lào Cai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2024 - Hứa hẹn gay cấn nhờ ngoại binh

Giai đoạn 2 và vòng chung kết giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ diễn ra từ ngày 07 – 17/11 tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh Lào Cai hứa hẹn đầy kịch tính và hấp dẫn khi các đội có sự chuẩn bị tốt về lực lượng, đặc biệt là lực lượng vận động viên ngoại binh khi 8 trong số 9 đội bóng đã ký hợp...

Phấn đấu vượt tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông

Chiều 3/11, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng về tiến độ thi công dự án tái thiết khu dân cư Làng Nủ và Nậm Tông.

Hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024

Sáng 1/11, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban báo chí tháng 10 năm 2024. Hội nghị do đồng chí Phùng Nam Trung, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì.

Lào Cai có 1 dự án vào chung kết Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2024

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn” năm 2024 dành cho các bạn trẻ từ 18 - 35 tuổi do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, có sự tham gia của 63 tỉnh, thành đoàn trên cả nước.

Chính sách việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi ở Lào Cai

Ngày 26/10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 417/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Lào Cai: Bước chuyển mình trong hành trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế số

Trong những năm gần đây, tỉnh Lào Cai đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, không chỉ để nâng cao chất lượng sống của người dân mà còn hướng tới mục tiêu xây dựng một nền kinh tế số bền vững. Với sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ doanh...