Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án để phát triển Tây Bắc

Ngày 14/12, tại TP Việt Trì (Phú Thọ), Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với tỉnh Phú Thọ tổ chức hội nghị “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc”. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương; Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư, một số doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc Trương Xuân Cừ trình bày khái quát tiềm năng, thế mạnh các tỉnh vùng Tây Bắc. Trong đó nhấn mạnh: Vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của Việt Nam; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái cả vùng Bắc Bộ.

 

 Hội nghị “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO vào vùng Tây Bắc”

Vùng Tây Bắc có nguồn tài nguyên phong phú, tiềm năng nhất nước ta về đất đai thiên nhiên, khoáng sản với nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh và cả nước như apatit, sắt, đá vôi, đất hiếm, đa kim, đa khoáng…

Vùng Tây Bắc có tiềm năng lớn nhất cả nước về thủy điện, chiếm 70% tiềm năng thủy điện toàn quốc; đặc biệt diện tích mặt nước hồ lớn, trữ lượng các hồ thủy điện trên 15 tỷ m3 nước và 95.000 ha diện tích mặt nước hồ và hệ thống sông, suối dày đặc tạo tiềm năng lớn về phát triển ngành nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc và các loại cá nước lạnh khác  thuộc các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Sơn La…

Vùng Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em với không gian văn hóa rất rộng lớn và phong phú, nơi đây là vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc trưng, có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú, với nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch lịch sử nổi tiếng như Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Đền Hùng (Phú Thọ), Pắc Pó (Cao Bằng), Tân Trào (Tuyên Quang), khu nghỉ mát Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An), suối khoáng Kim Bôi (Hòa Bình), công viên nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang)…

Vùng Tây Bắc còn có 7 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ, kết hợp với nhiều chợ đường biên và nhiều tuyến đường thông thương thuận lợi cho phát triển kinh tế cửa khẩu và khu kinh tế mở. Đặc biệt, vùng đang ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đặc biệt là thi công tuyến cao tốc Lào Cai – Yên Bái - Hà Nội, Hòa Bình – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội; các tuyến đường vành đai, hành lang biên giới; nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có để khai thác hiệu quả…

Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Đã xuất hiện nhiều mô hình hợp tác liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân; sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ đang tăng ở nhiều bản làng, bộ mặt nông thôn miền núi đang có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên do địa bàn rộng đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế vùng Tây Bắc còn yếu kém, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (25,6%), cao gấp 3 lần cả nước, số huyện nghèo chiếm 70%, số xã đặc biệt khó khăn chiếm 50% của cả nước. Do xuất phát điểm thấp, công tác quản lý nhà nước, quảng bá và thu hút đầu tư còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi…
 

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá lại thực trạng môi trường đầu tư kinh doanh của vùng, từng địa phương, phân tích chỉ rõ các yếu tố hạn chế, bất cập và các nguyên nhân khách quan, chủ quan, trên cơ sở đó tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của vùng. Các đại biểu trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm về thu hút đầu tư trong vùng, nhằm giúp cho các nhà đầu tư tiếp tục tìm ra các mô hình thích hợp để tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo các đại biểu, để vùng Tây Bắc phát triển nhanh và bền vững, tiến tới hòa nhập với sự phát triển chung của nền kinh tế cả nước, cần huy động mạnh mẽ các nguồn lực và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, yêu cầu có tính chiến lược là phải xây dựng các chính sách đầu tư phù hợp; gắn huy động các nguồn lực trong nước với huy động các nguồn lực bên ngoài; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA, NGO; có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn ODA, FDI, vốn trong nước, phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Lào; thực hiện chính sách kinh tế cửa khẩu, biên mậu…

Các tỉnh vùng Tây Bắc cần chủ động nắm bắt những thông tin liên quan đến chính sách, ưu tiên về ODA của các nhà tài trợ để có định hướng vận động thu hút phù hợp; các tỉnh cần chủ động gặp gỡ, tiếp xúc với các đối tác phát triển để giới thiệu về nhu cầu và danh mục các dự án kêu gọi ODA. Một số đại biểu kiến nghị rằng, muốn thu hút đầu tư, chính quyền các tỉnh Tây Bắc cần xây dựng hệ thống cơ sở thông tin thông suốt thông qua các cổng thông tin điện tử để doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt các chính sách cũng như dự án đầu tư. Thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp…

 

Đông đảo các đại biểu tham gia hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho vùng Tây Bắc sự quan tâm sâu sắc với nhiều chính sách ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, Tây Bắc hiện nay vẫn là vùng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Chất lượng điều hành kinh tế địa phương cũng còn nhiều bất cập. Công tác quản lý nhà nước, quảng bá và thu hút đầu tư còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa thuận lợi.

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc , Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các Bộ, ngành liên quan, các tỉnh trong vùng cần tiếp tục cải tiến công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư vào vùng Tây Bắc. Các Bộ, ngành liên quan tích cực đổi mới công tác quản lý, tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các dự án ODA, NGO phát triển vùng Tây Bắc, nhất là giải quyết các vấn đề về quyền sử dụng đất đai, quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản, xúc tiến thương mại, du lịch...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chính quyền các địa phương trong vùng phải tập trung cải thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, tiếp tục cải tiến mạnh mẽ thủ tục hành chính theo yêu cầu đơn giản, tiện lợi, tiếp tục tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách của Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào vùng Tây Bắc, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư khai thác tiềm năng và lợi thế trên địa bàn./.

(theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

Cơn bão số 3 được đánh giá là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua; bão số 3 và hoàn lưu của nó để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh, thành phố phía bắc, nhất là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng

Nhân dịp Tết Trung thu 2024, ngày 13/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư cho các cháu thiếu niên, nhi đồng Việt Nam ở trong và ngoài nước, các cháu người nước ngoài ở Việt Nam. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thủ tướng: 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau 'siêu bão' lịch sử

Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn sau "siêu bão" lịch sử Yagi, Thủ tướng yêu cầu ngay trong ngày mai (16/9) trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về khắc phục hậu quả siêu bão số 3, ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga

Trả lời phỏng vấn báo chí sau Khóa họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đồng chủ trì, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hai bên quyết tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy vai trò của Ủy ban liên...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Cần có tư duy mới, cách làm mới cho tương lai thế giới

Hưởng ứng sáng kiến của Tổng thống Cộng hòa Namibia Nangolo Mbumba và Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức Olaf Scholz, ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thông điệp ghi hình tới Sự kiện Lời kêu gọi toàn cầu về Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, được tổ chức trực tuyến ngay trước thềm Hội...

Không để hàng hóa tăng giá bất hợp lý sau bão

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.