Độc đáo nhà truyền thống của người Mông ở Mào Sao Phìn
Một ngày đầu tháng 5, chúng tôi men theo cung đường quốc lộ 4D từ Mường Khương sang Si Ma Cai, đến bản của người Mông ở Sín Chéng. Mùa này, hoa trẩu không còn nở rực rỡ trắng muốt như tháng trước nữa, mà hai bên đường những hàng trẩu xanh mướt đang bắt đầu kết từng chùm quả. Bản Mào Sao Phìn yên bình dưới ánh nắng đầu mùa hạ.
Ruộng bậc thang Mào Sao Phìn mùa đổ nước
Những tràn ruộng bậc thang đã ăm ắp nước đang đợi mùa cấy, từng đàn vịt Sín Chéng tung tăng bơi lội kiếm mồi. Những ngôi nhà trình tường đất truyền thống quần tụ thành từng xóm trong bản Mào Sao Phìn, bên hiên nhà, trên sàn gác chất đầy những bao thóc, bao ngô, rơm rạ dự trữ và củi đun… Tôi thấy người Mông ở Mào Sao Phìn khá giống với người Hà Nhì ở Y Tý trong việc tích trữ củi đun, có lẽ ở vùng cao mùa đông thường lạnh giá, họ dùng nhiều để sưởi ấm. Hôm chúng tôi đến đúng vào chợ phiên Sín Chéng nên bà con ở Mào Sao Phìn cũng tranh thủ xuống chợ mua sắm và trao đổi hàng hóa như thường lệ.
Điều thú vị của bản Mào Sao Phìn là nơi đây vẫn còn giữ nguyên bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông từ tập quán sinh hoạt, đến văn hóa dân ca dân vũ, kiến trúc nhà ở truyền thống… Đặc biệt, vùng này còn có một đặc sản nức tiếng của tỉnh Lào Cai đó là giống vịt Sín Chéng - một giống vịt bản địa cho thịt thơm ngon, trứng ngon. Chính vì vậy, trứng vịt Sín Chéng có giá bán đắt gấp ba trứng vịt thông thường.
Ở bản Mào Sao Phìn có rất nhiều ngôi nhà truyền thống tường trình đất đã lâu năm, nhưng vẫn được gia chủ giữ nguyên nét kiến trúc cổ truyền thống của đồng bào Mông ở Si Ma Cai. Trong số đó có nhà của ông Giàng A Ly, năm nay đã ngoài 60 tuổi. Căn nhà được gia đình ông Giàng A Ly dày công tự làm đã gần 30 năm qua, phải mất rất nhiều tháng hoàn thành ngôi nhà. Chính tay ông Giàng A Ly và anh em trong bản tự tay trình tường đất, đục đẽo hoa văn trang trí trong nhà rất cầu kỳ…
Một ngôi nhà tường trình đất vẫn giữ được truyền thống lợp ngói máng đất nung ở Mào Sao Phìn
Qua câu chuyện, tâm sự với ông Giàng A Ly, chúng tôi được biết, vẻ đẹp kiến trúc theo lối cổ truyền thống nhà người Mông đã được rất nhiều công ty lữ hành biết đến, nên cũng có nhiều đoàn khách nước ngoài khi lên Si Ma Cai, sau khi đi chợ phiên Sín Chéng, đã tận “mục sở thị” ngôi nhà của ông Ly để tham quan, chiêm ngưỡng. Về bên ngoài, dù không được quy mô bề thế như dinh thự nhà Vương ở Hà Giang, nhưng cơ bản nhà của ông Giàng A Ly cũng thật quy mô và có nhiều nét đặc sắc về kiến trúc của người Mông ở Si Ma Cai. Chính vì vậy, địa phương cũng đã vận động gia đình bảo tồn ngôi nhà, kiến trúc nhà, dọn vệ sinh và bài trí lại để cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Mông.
Nhà của ông Giàng A Ly làm có 5 gian, 6 vì và 2 tầng, gồm 4 dãy nhà nối tiếp, vuông góc với nhau, tạo thành khoảng không gian hình vuông ở giữa như tạo giếng trời. Gian chính đối diện với cổng vào. Tầng trên làm bằng gỗ, vừa để sinh hoạt vừa làm phòng ngủ và gian chứa nông cụ. Trước đây nhà tường đất truyền thống của người Mông ở Mào Sao Phìn thường lợp ngói máng cũng làm bằng đất, đem nung lên. Nhưng lâu dần, nghề làm ngói máng cũng mai một đi, nên giờ đây chủ yếu người Mông ở Mào Sao Phìn lợp mái nhà bằng ngói pro-xi măng. Tường đất được trình dày 40-50 cm, vừa có tác dụng giữ ấm về mùa đông và mát về mùa hè. Đây cũng là một trong những nét độc đáo của kiến trúc nhà truyền thống của người Mông ở Si Ma Cai.
Thiết nghĩ, trước những giá trị độc đáo về bản sắc văn hóa vùng cao, làng bản và kiến trúc nhà ở, chính quyền địa phương cần có kế hoạch bảo tồn, định hướng và chung tay giúp đỡ người Mông ở Mào Sao Phìn nói riêng và một số bản người Mông ở Si Ma Cai nói chung. Không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa, còn giúp đồng bào Mông phát huy tiềm năng lợi thế từ bản sắc văn hóa của dân tộc mình để phát triển kinh tế từ dịch vụ du lịch trải nghiệm văn hóa.
Nhà ở của ông Giàng A Ly làm 2 tầng có kiến trúc gỗ chạm khắc hoa văn và trang trí màu sắc theo truyền thống
Nhà trình tường đất là nét đặc trưng trong văn hóa của người Mông ở bản Mào Sao Phìn