Kết nối thị trường để tạo ra nhiều việc làm
Là huyện vùng cao biên giới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương đã và đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững. Trong đó, khảo sát thị trường lao động, kết nối doanh nghiệp để đưa lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh đang là một trong những giải pháp thiết thực của địa phương nhằm tạo ra nhiều việc làm, giúp người dân nâng cao thu nhập.Những năm gần đây, xã Bản Lầu có nhiều lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Nhờ sự đồng hành của cấp ủy đảng, chính quyền xã, bà con nơi đây yên tâm đi làm xa theo những kênh tư vấn, tuyển dụng chính thống. Ông Cư Trữ, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Lãnh đạo xã trực tiếp đưa người lao động đi thăm nắm tình hình làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho lao động của địa phương khi đến doanh nghiệp làm việc.
Cuối năm 2022, Đoàn công tác của huyện Mường Khương đã có cuộc trao đổi, chia sẻ, học tập kinh nghiệm về công tác giải quyết việc làm tại Quảng Ninh và Bắc Giang. Đây là cơ hội để huyện Mường Khương tìm hiểu tình hình tuyển dụng, môi trường làm việc, thu nhập của người lao động khi làm việc tại các doanh nghiệp ở những địa phương này. Đặc biệt, huyện Mường Khương đã ký kết Quy chế phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh) về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động của huyện trong giai đoạn 2022 - 2025.
Trước đó, huyện Mường Khương đã có 53 lao động tốt nghiệp Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Đặc biệt, có nhiều công nhân của địa phương đang làm việc tại các đơn vị thuộc tập đoàn, như Giàng A Páo, Vàng Vắng (xã Tả Thàng), Trương Văn Thịnh (xã Bản Sen)... với thu nhập bình quân 18 - 25 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều lao động khác có thu nhập hơn 250 triệu đồng mỗi năm.
Huyện Mường Khương hiện có 43.837 người trong độ tuổi lao động, trong đó 38.340 người đang làm việc tại huyện, 2.875 lao động làm việc ngoài tỉnh và 217 lao động làm việc trong tỉnh. Để tạo việc làm mới cho người dân trong độ tuổi lao động, năm 2022, Mường Khương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 5 phiên giao dịch việc làm tại 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, qua đó tư vấn cho hơn 300 lượt lao động có nhu cầu tìm việc làm. Kết quả, đã có 64 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp trong tỉnh.
Cùng với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động trong huyện, UBND huyện Mường Khương đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức thông tin tuyển dụng lao động phổ thông vào làm việc tại các khu công nghiệp: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng và Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Trong năm 2023, huyện Mường Khương phấn đấu tạo việc làm mới cho 1.240 người, trong đó giải quyết việc làm trong nước cho 1.219 người và 21 người đi xuất khẩu lao động.
Để đạt mục tiêu đó, huyện Mường Khương xác định tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn đối với công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT; nắm chắc thông tin số học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT tại các xã, thị trấn để xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề tại địa phương. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, đẩy mạnh hình thức đào tạo tại chỗ, tăng cường liên kết đào tạo với các trung tâm có uy tín trong và ngoài tỉnh dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động ở 5 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện.
Việc tìm hiểu thị trường lao động sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước xây dựng ý thức, tác phong lao động chuyên nghiệp của người dân. Đặc biệt, việc đưa lao động phổ thông đi làm việc tại các công ty nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Thời gian tới, huyện Mường Khương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Để làm được điều này, ngoài vai trò của lãnh đạo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, rất cần sự chung tay vào cuộc và phát huy vai trò của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ và người có uy tín tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
https://baolaocai.vn/ket-noi-thi-truong-de-tao-ra-nhieu-viec-lam-post367871.html