Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp mới
Theo Sở Công Thương, mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân trên 10%, tương ứng giá trị sản xuất công nghiệp hơn 100.000 tỷ đồng. Nếu không tập trung đầu tư xây dựng được các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, đón đầu xu hướng chuyển dịch vốn, công nghiệp sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 3 khu công nghiệp là Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải và Tằng Loỏng, với kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ.
Các khu công nghiệp của tỉnh thu hút được nhiều dự án lớn đến đầu tư. Đến nay, đã cho thuê 661,94 ha, tỷ lệ lấp đầy 76,2% đất công nghiệp, thu hút 161 dự án vào đầu tư, sản xuất, kinh doanh (138 dự án đưa vào hoạt động, 23 dự án đang đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký 25.637 tỷ đồng.
Giá trị sản xuất công nghiệp trong các khu công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn (trên 60% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh), thu ngân sách gần 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo Sở Công Thương, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản được lấp đầy, trong khi có một số dự án lớn như tổ hợp hóa chất để sản xuất ra các sản phẩm phân bón MPA, SA, lân nung chảy, NPK chất lượng cao, sản xuất phốt pho đỏ, sản xuất vật liệu xây dựng từ chất thải rắn trong khu công nghiệp, chế biến đất hiếm, tuyển quặng sắt, cán kéo thép, dây cáp đồng, chế biến nông sản, dệt may, sản xuất hàng tiêu dùng... đang nghiên cứu lập dự án đầu tư, không thể bố trí được trong các khu công nghiệp hiện có.
Đối với các cụm công nghiệp, theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 18 cụm công nghiệp, tổng diện tích 231,81 ha.
Đến nay, 3/18 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động, gồm các cụm công nghiệp Đông Phố Mới, Bắc Duyên Hải, Sơn Mãn; sắp xếp cho 146 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh (Cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải 103 cơ sở, Cụm công nghiệp Đông Phố Mới 16 cơ sở, Cụm công nghiệp Sơn Mãn 27 cơ sở), tỷ lệ lấp đầy 100%.
Để phát triển công nghiệp nhanh, bền vững, hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai, nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ tốt công tác quản lý, đặc biệt là vấn đề môi trường, tỉnh đã quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
"Một trong những giải pháp trọng tâm là huy động khai thác hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp. Đưa các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp vào danh mục dự án khuyến khích đầu tư, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư".
Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, sẽ đầu tư hình thành 3 khu công nghiệp mới: Cốc Mỳ - Trịnh Tường (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Cam Cọn (Bảo Yên).
Kế hoạch cũng nhấn mạnh đến việc tập trung nguồn lực đầu tư hình thành các cụm công nghiệp.
Cụ thể, đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 cụm công nghiệp mới được đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương đối đồng bộ và đến năm 2030, có từ 1 - 2 cụm công nghiệp hoạt động hiệu quả với tổng diện tích 465 ha; 100% khu, cụm công nghiệp mới hình thành được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải.
Ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Để đạt mục tiêu trên, một trong những giải pháp trọng tâm là huy động khai thác hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.
Đưa các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp vào danh mục dự án khuyến khích đầu tư, kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư.
Cùng với đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp phù hợp với tình hình thực tế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp.
Tỷ lệ cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật chỉ đạt 28% so với quy hoạch.
Nguyên nhân là do ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp còn hạn chế; không thu hút được các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư do kinh phí lớn, thời gian thu hồi vốn chậm; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư chưa đủ mạnh.
Nhiều địa phương chưa chủ động triển khai lập, phê duyệt dự án đầu tư nên không có cơ sở để kêu gọi đầu tư; một số địa phương quy hoạch cụm công nghiệp không phù hợp với thực tế nên khi triển khai còn nhiều vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng.
https://baolaocai.vn/thu-hut-dau-tu-phat-trien-cac-khu-cum-cong-nghiep-moi-post367277.html#367277|zone-timeline-3|2