Việt Nam duy trì vai trò trung tâm dịch chuyển chuỗi cung ứng ASEAN của Nhật Bản
Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực ASEAN khi các công ty Nhật Bản tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, theo Trưởng đại diện của JETRO tại TPHCM, Matsumoto Nobuyuki.Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Matsumoto Nobuyuki cho biết, nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam năm 2022 tuy giảm sút, nhưng đầu tư FDI từ Nhật Bản đã tăng 11,9% so với năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu tại khu vực ASEAN khi các công ty Nhật Bản tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong quý I/2023, thu hút vốn FDI tại Việt Nam giảm gần 40% và dòng vốn FDI từ Nhật Bản cũng giảm đáng kể.
Trưởng đại diện của JETRO tại TPHCM đánh giá, các nhà đầu tư đang đối mặt với lo ngại từ sự bất ổn trên thị trường tài chính và thị trường bất động sản, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lãi suất tăng cao, tác động tiêu cực đến tiêu dùng trong nước và nhu cầu đầu tư vốn. Những nhân tố trên làm gia tăng nguy cơ bất ổn đối với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Hiện tại các khu công nghiệp lớn xung quanh TPHCM không còn chỗ trống, điều đó có nghĩa là ngay cả khi các công ty muốn đầu tư vào các khu vực này, họ có thể bỏ lỡ cơ hội.
Trưởng đại diện của JETRO tại TPHCM khuyến nghị, bên cạnh phát triển cơ sở hạ tầng, chính quyền địa phương cần đẩy nhanh quy trình phê duyệt sử dụng đất, mở rộng và hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp.
Thị trường nội địa – bệ đỡ cho nền kinh tế
Ông Matsumoto đồng tình với quan điểm của nhiều nhà kinh tế về tác động tiêu cực của việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng Trung ương lớn, ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, trực tiếp tác động tới tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam với mục tiêu đạt 6,5% năm 2023.
Tuy nhiên, ông cũng nhận xét, mức tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32% thấp hơn dự kiến.
Mặt khác, khi nhu cầu bên ngoài giảm, nhu cầu trong nước vẫn là "bệ đỡ vững chắc" cho nền kinh tế Việt Nam do quy mô dân số trong nước ngày càng tăng, được dự đoán sẽ vượt qua con số 100 triệu dân trong thời gian tới.
Việt Nam có tiềm năng và cơ hội để trở thành "công xưởng mới" của thế giới. Gần đây có nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đang hướng đến thị trường nội địa Việt Nam.
Trong bối cảnh rất khó để dự báo triển vọng thời điểm nhu cầu bên ngoài tăng trở lại, Trưởng đại diện Matsumoto khuyến nghị, Chính phủ kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát và áp dụng chính sách tiền tệ hỗ trợ tiêu dùng.
Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới định hướng thu hút FDI tránh lún sâu vào "bẫy gia công láp ráp", mà chuyển sang thu hút lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn. Nếu không làm được điều này, Việt Nam có nguy cơ "sập bẫy" thu nhập trung bình. Chi phí lao động tăng cao hiện vẫn là vấn đề lớn nhất đối với các công ty Nhật Bản tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, điều quan trọng là phải thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
"So với các nước ASEAN khác, như Thái Lan và Malaysia, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn khá manh mún và năng suất lao động tương đối thấp. Khả năng duy trì tăng trưởng cao của Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những cải thiện trong các lĩnh vực này", ông Matsumoto nhấn mạnh.
Trước đó, Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022 tại Việt Nam do JETRO công bố giữa tháng 2 năm nay cho thấy, 60% doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới.
Về triển vọng lợi nhuận kinh doanh, kết quả cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5,2 điểm so với năm trước. Trong khi đó, doanh nghiệp bị lỗ giảm 7,8 điểm xuống 20,8%.
Dù kinh tế năm 2023 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng tỉ lệ doanh nghiệp Nhật Bản tin rằng triển vọng lợi nhuận kinh doanh cải thiện vẫn đạt 53,6%, và tỉ lệ doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận chỉ là 6,9%.