Sa Pa phát huy vai trò của các Hợp tác xã trong phát triển du lịch cộng đồng

Tận dụng tiềm năng, lợi thế và những sản phẩm sẵn có, một số hợp tác xã trên địa bàn thị xã Sa Pa đã khai thác phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, từ đó tạo sinh kế, giải quyết việc làm cho người dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Thống kê của Liên minh hợp tác xã, đến hết năm 2022 tỉnh Lào Cai hiện có 473 hợp tác xã (HTX), trong đó lĩnh vực thương mại, dịch vụ du lịch có 44 HTX chiếm 9,3% tổng số HTX trong toàn tỉnh (trong đó số HTX nông nghiệp là 16 HTX (chiếm 36,3%), số HTX du lịch hơn 20 HTX (45,4%), còn lại là các HTX hoạt động trong lĩnh vực khác chiếm 18,1%. Đây là thế mạnh cho Lào Cai khai thác phát triển du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm địa phương và tạo thêm việc làm cho nông dân trong hợp tác xã và bà con nơi địa phương nơi đó có thêm thu nhập với việc tham gia phục vụ khách du lịch. Một số HTX du lịch đang hoạt động khá tốt, tạo công ăn việc làm ổn định ở Sa Pa như HTX cộng đồng Dao đỏ xã Tả Phìn; HTX du lịch sinh thái Hoàng liên Sa Pa, HTX du lịch cộng đồng Tả Phìn (thị xã Sa Pa), HTX Mường Hoa (thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van) v.v…

Đặc biệt, nhiều mô hình, hợp tác xã du lịch với cách làm hay, sáng tạo như: Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn mấy năm gần đây được biết đến là nơi trải nghiệm ẩm thực, văn hóa đặc sắc của người Dao. Tới đây, du khách được trải nghiệm hái lá thuốc của người Dao, dự lớp học chữ nôm Dao, được ngắm nhìn các nghệ nhân làm trống và khắc bạc. Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn quy tụ 38 hộ kinh doanh, hoạt động quy củ nên lượng khách tham quan cũng như doanh thu từ du lịch đều được cải thiện. Hiện tại, Hợp tác xã du lịch cộng đồng Tả Phìn có thể đón, phục vụ ăn nghỉ, trải nghiệm văn hóa cho 200 du khách cùng lúc. HTX Hoàng Liên đang khai thác thế mạnh các sản phẩm bản địa của núi rừng Sa Pa là mật ong và trà giảo cổ lam. HTX Hoàng Liên hoạt động với tôn chỉ tôn trọng các giá trị của thương mại công bằng thông qua việc tạo ra cơ hội cho những người sản xuất nhỏ, xây dựng năng lực truyền thông và tiếp thị, cũng như sản xuất sản phẩm chất lượng và gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường,…

Sa Pa tập trung phát triển các HTX, du lịch cộng đồng để thu hút khách du lịch.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid - 19 bùng phát, các HTX chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình, ứng phó với dịch bệnh bằng cách kết hợp làm du lịch với nông nghiệp, ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng online. Việc sử dụng công nghệ thông tin, nhất là mạng internet, mạng xã hội trong việc quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng được khai thác và sử dụng triệt để, mang lại hiệu quả cao. Nếu như trước đây, người dân tộc thiểu số bán các sản vật địa phương chủ yếu bán cho khách đến du lịch hoặc thông qua các triển lãm, hội chợp, các phiên chợ. Hiện tại, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách quảng cáo, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội Zalo, Facebook đến người tiêu dùng, doanh thu trung bình hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, đó chỉ là một ví dụ điển hình cho việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nhưng không phải HTX nào cũng làm tốt được điều đó. Bởi thực tế cho thấy, phần lớn thành viên HTX chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số. Vì thế, ảnh hưởng đến năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, tiếp cận thị trường… Theo đó, đa số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn làm du lịch dựa trên kinh nghiệm, học hỏi chứ chưa được đầu tư bài bản để thu hút thêm nhiều du khách, đặc biệt là du khách quốc tế.

Cùng với đó, kiến thức về xúc tiến thị trường và thu hút du khách nước ngoài đến với các HTX còn hạn chế do rào cản về ngôn ngữ, cũng như các chương trình quảng bá tới du khách về nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, sự tham gia và lợi ích của người dân chưa rõ nét. Đa phần các HTX du lịch cộng đồng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn, người dân vẫn chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Thực tế đã chứng minh, vai trò của HTX trong phát triển du lịch cộng đồng chính là một mắt xích quan trọng trong phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại Sa Pa. Nhưng nếu không có một chiến lược phát triển bài bản, chắc chắn các HTX sẽ không thể tiến xa và càng không thể thích ứng được với những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe của du khách.

Để các hợp tác xã có điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng thì doanh nghiệp, người dân làm du lịch cộng đồng phải quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút con em đồng bào dân tộc thiểu số làm hợp tác xã du lịch là rất quan trọng.  Ngành Du lịch cần tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ cho các tổ chức, cá nhân, thành viên HTX làm dịch vụ du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, liên kết, có chiến lược kinh doanh giữa các HTX trên địa bàn với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá đến đông đảo khách du lịch. Các HTX liên kết với các công ty, chủ trang trại phát triển du lịch nông nghiệp sẽ tạo sự đa dạng, phong phú cho du khách. Bởi trong chuỗi các điểm du lịch thì mỗi một điểm dừng chân, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị riêng của từng vùng, từng địa điểm dừng chân, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi đến với Sa Pa.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.