“May áo mới” cho Sa Pa

Sa Pa “khoác chiếc áo chật”

Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa có sức hấp dẫn thuộc top đầu của khu vực phía Bắc với điểm nhấn là đỉnh Fansipan – “Nóc nhà Đông Dương”, cùng với khí hậu trong lành, cảnh quan nguyên sơ và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Đi ngược thời gian, Sa Pa là địa điểm được người Pháp khám phá, trở thành điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm 1920 của thế kỷ trước. Bởi vậy, đây cũng là một trong những điểm đến thu hút lượng lớn du khách châu Âu. Cũng từ thế kỷ trước, quy hoạch phát triển đô thị Sa Pa đã được người Pháp quan tâm xây dựng, với trọng điểm là gần 200 biệt thự mang đậm nét phong cách châu Âu tại trung tâm thị xã hiện nay.

Theo thời gian, quy hoạch Sa Pa được thay đổi cùng với tốc độ phát triển đô thị và quy mô dân số. Lần gần đây nhất, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030. Thế nhưng, tốc độ phát triển nhanh cùng với sự thay đổi của nhiều yếu tố, quy hoạch này sớm đã trở nên không còn phù hợp, cần phải có những điều chỉnh phù hợp với thực tế. Hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch đang bộc lộ những dấu hiệu “quá tải” khi mỗi năm Sa Pa đón hàng triệu khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đến Sa Pa vào những dịp nghỉ lễ mới có thể cảm nhận rõ Khu Du lịch Quốc gia này đang phải khoác “chiếc áo quá chật” với việc thường xuyên tắc đường, thiếu phòng nghỉ, nhà hàng, bãi đỗ xe, thiếu lao động có chất lượng trong lĩnh vực du lịch… Trung bình, mỗi người dân Sa Pa đang phải “cõng” trên vai tới 7 khách du lịch. Vậy nên, chất lượng dịch vụ tại Khu Du lịch Quốc gia  này ít nhiều bị ảnh hưởng.

 

Trong năm 2022, Sa Pa đón 2,5 triệu lượt khách du lịch. Dự báo năm 2023, khi tình hình dịch bệnh Covid -19 đã được kiểm soát tốt, đặc biệt là Trung Quốc mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam, Sa Pa có thể đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch. Kéo theo đó, sự phát triển dân số phát triển tự nhiên và cơ học, cộng với lượng khách du lịch tăng nhanh khiến cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và du lịch luôn trong tình trạng quá tải. Cơ sở hạ tầng, như điện, nước, vệ sinh môi trường, phương tiện giao thông và không gian công cộng không đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Sa Pa giống như  đang khoác trên mình “một chiếc áo cũ và chật”.

Để khắc phục những vấn đề đang gặp phải, Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa cần được “may áo mới” với “chất liệu tốt” cũng như phù hợp với tốc độ tăng trưởng nhanh như hiện nay. Việc quy phê duyệt quy hoạch phát triển chung với tầm nhìn tới năm 2040 có thể ví như “cơn mưa rào” quý giá vào thời điểm Sa Pa đang “nắng hạn”, khẳng định tầm nhìn chiến lược quan trọng đối với Sa Pa giai đoạn này.

Tầm nhìn chiến lược

Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 có phạm vi lập quy hoạch xây dựng gồm; Trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090 ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu (diện tích 5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (diện tích khoảng 565 ha); 4 phân khu kết nối với trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm: Ngũ Chỉ Sơn (diện tích khoảng 285 ha); Tả Phìn (diện tích khoảng 185 ha); Tả Van (diện tích khoảng 306 ha) và Thanh Bình (330 ha).

Định hướng phân khu phát triển Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa.

Theo dự báo, đến năm 2030, dân số Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa khoảng 155.000 người, đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch; đến năm 2040 khoảng 210.000 người; đón khoảng 12 triệu lượt khách.

Theo quy hoạch chung, đến năm 2040, Khu Du lịch quốc gia Sa Pa được xây dựng thành Khu du lịch quốc gia, trung tâm giao lưu văn hóa vùng Tây Bắc, là điểm đến mang tầm cỡ quốc tế với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, văn hóa, trải nghiệm… 

Định hướng phát triển không gian tổng thể trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa: thể hiện tầm nhìn chiến lược. Cụ thể, định hướng trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa: Tái thiết khu vực lõi trung tâm Sa Pa, phát triển các chức năng hỗn hợp đô thị dịch vụ du lịch. Cải tạo chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu bổ sung đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Mở rộng không gian đô thị về phía Đông Bắc, suối Hồ, phía Bắc tuyến tránh Quốc lộ 4D, Mường Hoa, Trung Chải hình thành các trung tâm đô thị, dịch vụ, du lịch mới. Phát triển các khu chức năng đô thị, dịch vụ du lịch chất lượng cao gắn với chủ đề văn hóa Sa Pa dọc thung lũng Mường Hoa, suối Hồ. Gìn giữ, cải tạo mở rộng các bản làng truyền thống trong đô thị kết hợp phát triển du lịch cộng đồng. Bảo tồn phát huy các giá trị cảnh quan tự nhiên, công trình kiến trúc như danh thắng ruộng bậc thang Sa Pa, núi Hàm Rồng, nhà thờ đá…

Định hướng 4 phân khu du lịch: Xây dựng các trung tâm du lịch vệ tinh hỗ trợ, chia sẻ chức năng cho trung tâm Khu Du lịch Quốc gia tại các xã Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van và Thanh Bình. Khai thác lợi thế về cảnh quan, văn hóa, thiên nhiên của từng khu vực phát triển gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể thao mạo hiểm, thể dục thể thao chất lượng cao… Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc trong khu vực.

Định hướng nông thôn (10 xã thuộc thị xã Sa Pa): Bảo vệ, khai thác thế mạnh đặc trưng về bản sắc văn hóa, kiến trúc truyền thống đa dạng các dân tộc để phát triển du lịch bền vững, phù hợp với điều kiện sản xuất kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp của từng xã. Cải thiện, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường nông thôn. Bảo vệ, gìn giữ không gian sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của từng xã, đặc biệt là bảo vệ hệ thống ruộng bậc thang nông nghiệp; ứng dụng các kỹ thuật công nghệ cao, quảng bá sản phẩm nông nghiệp kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khuyến khích, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng cho cộng đồng, tạo cơ hội điều kiện cho nhân dân tham gia trong hoạt động phát triển du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường, cảnh quan và không gian văn hóa truyền thống. Hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới đối với các xã trong toàn thị xã.

Đối với các trung tâm xã: Cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, bổ sung xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn xã. Cải tạo, bổ sung xây dựng hệ thống sân chơi văn hóa, thể thao, vườn hoa cây xanh tại trung tâm xã. Phát triển quỹ đất xây dựng chợ dân sinh xã kết hợp không gian văn hóa, trưng bày quảng bá sản phẩm địa phương, hấp dẫn phát triển du lịch, tổ chức bãi đỗ xe trung tâm xã.

Đối với các điểm dân cư thôn, bản truyền thống: Cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội và vệ sinh môi trường, quy hoạch quỹ đất xây dựng dự trữ phát triển mở rộng, đáp ứng nhu cầu Nhân dân từng thôn, bản về ở và sinh hoạt. Phát triển du lịch cộng đồng (lưu trú homestay, trải nghiệm văn hóa truyền thống bản địa), khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, sinh thái nông nghiệp, sinh thái rừng tại khu vực xã, thôn cho phát  triển du lịch sinh thái. Tổ chức các hoạt động gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, tập quán văn minh, kiến trúc truyền thống của các dân tộc tại các thôn, bản.

Khai thác, duy trì, nâng cấp hạ tầng và dịch vụ đồng bộ các điểm du lịch cộng đồng nổi bật như: Bản Cát Cát, Lao Chải (văn hóa dân tộc Mông), Bản Dền (văn hóa dân tộc Tày), Nậm Cang, Tả Phìn (văn hóa dân tộc Dao); Nậm Sài (văn hóa dân tộc Dao, Xa Phó), Sín Chải, Lý Lao Chải, Tả Van và các bản dọc theo các tuyến Tỉnh lộ: 155, 152.

Bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan gắn với ruộng bậc thang, núi Hàm Rồng, thung lũng Mường Hoa, đỉnh Fansipan nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng riêng của Sa Pa. Bảo vệ và phát huy yếu tố địa hình, cây xanh, mặt nước, nông lâm nghiệp, nông thôn để phát triển hệ thống công viên sinh thái kết hợp hoạt động du lịch, vui chơi giải trí phục vụ người dân và khách du lịch.

Theo ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, việc phê duyệt quy hoạch chung cho Khu Du lịch quốc gia Sa Pa vào thời điểm này là vô cùng ý nghĩa. Đây không chỉ là một bản quy hoạch mở rộng không gian đơn thuần. Theo quy hoạch mới được công bố này, cấu trúc không gian tổng thể Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa sẽ phát triển theo cấu trúc mở, liên kết nhau bằng hệ thống giao thông vùng, được bố trí linh hoạt dựa trên đặc điểm tự nhiên, văn hóa và lợi thế của từng khu vực. Trong đó, bao gồm: 3 hành lang, 1 trung tâm, 4 vệ tinh và 4 vùng phát triển… Đây là một quy hoạch tổng thể, mang tính chiến lược cho sự phát triển chung của Sa Pa góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn về giao thông, về hạ tầng đô thị, du lịch đang ngày càng quá tải.

Nỗ lực vươn tầm Khu du lịch quốc tế

Theo tính chất và chức năng, Sa Pa được quy hoạch trở thành Khu Du lịch Quốc gia, tầm cỡ quốc tế, có hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, đô thị và nông thôn bền vững. Đô thị trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và dịch vụ du lịch đồng thời là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, là khu vực trọng điểm về quốc phòng - an ninh.

Để hiện thực hóa theo quy hoạch, trước mắt, Sa Pa còn nhiều việc cần phải thực hiện sớm. Hiện, Sa Pa như một đại công trường với nhiều công trình trọng điểm đang được xây dựng, hạ tầng từng bước được đồng bộ, phù hợp với không gian chung. Quy hoạch phát triển Sa Pa không đơn thuần là một bản quy hoạch mở rộng theo “chiều ngang” mà hướng tới phát triển theo “chiều sâu”. Đồng nghĩa với đó, không chỉ phát triển hạ tầng, những thế mạnh nội tại của Sa Pa được phát huy, những vướng mắc, tồn tại từ giai đoạn trước sẽ được tháo gỡ, giải quyết triệt để.

Sa Pa huyền ảo trong sương.     Ảnh: Ngọc Bằng

Có thể nói, một trong những vấn đề “nóng” nhất của Sa Pa chính là đất đai. Bởi vậy, trước mắt, yếu tố then chốt để từng bước xây dựng Sa Pa theo một quy hoạch chung mang tính hiện đại chính là phải thiết lập chặt chẽ hơn kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn thị xã.

Sa Pa đã xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc tổ chức triển khai thực hiện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và cơ sở kinh doanh dịch vụ - du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, nhằm đưa công tác này đi vào nền nếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần ổn định tình hình an ninh - trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương… 

Ông Tô Ngọc Liễn, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa khẳng định: “Để có mặt bằng “sạch”, bàn giao cho nhà đầu tư bắt tay vào xây dựng theo đúng quy hoạch, Sa Pa sẽ làm nghiêm, lập lại kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý những sai phạm, giải quyết triệt để những tồn tại kéo dài trước đây”.

Cũng theo Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, trước mắt, địa phương sẽ thực hiện rà soát tổng thể, lập danh sách các trường hợp vi phạm quy định về quản lý đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh dịch vụ - du lịch (các công trình nhà ở, các hạng mục công trình phụ trợ; cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, nghỉ dưỡng; các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, san gạt mặt bằng...). Sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, không có ngoại lệ.

Khi có mặt bằng, các công trình hạ tầng giao thông kết nối, mở rộng thị xã sẽ nhanh chóng được đầu tư, triển khai xây dựng. Không gian đô thị Sa Pa hiện đang quá hẹp do đặc thù địa hình, giao thông thường xuyên có những “điểm nghẽn” nên thị xã sẽ quan tâm mở rộng các tuyến hiện có, xây dựng các tuyến giao thông mới, kết nối Sa Pa với các khu vực lân cận. Có thể kể tới một trong những “điểm nhấn” trong lĩnh vực giao thông giai đoạn tới chính là xây dựng đường hầm xuyên núi Hàm Rồng và Hoàng Liên Sơn để tháo các nút thắt giao thông hiện nay.

Sa Pa là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế.     Ảnh: Ngọc Bằng

Ông Tô Ngọc Liễn nhấn mạnh: Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, Sa Pa phối hợp với Sở Giao thông – Xây dựng để xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chỉ rõ các phân khu, quy hoạch phân khu, số lượng phân khu và tiến độ triển khai quy hoạch phân khu, để làm sao đảm bảo đến năm 2023, tỷ lệ che phủ quy hoạch phân khu phải cơ bản đảm bảo bao phủ toàn bộ khu vực hơn 6.000 ha khu vực trung tâm đô thị Sa Pa. Từ đó, Sa Pa mới có thể rà soát toàn bộ các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư trên địa bàn, xem xét quy hoạch nào, dự án nào cần điều chỉnh sao cho phù hợp với định hướng chung để tham mưu, chỉ đạo điều chỉnh sớm nhất. Ngoài ra, bên cạnh các đồ án, quy hoạch đã có hoặc cần phải điều chỉnh thì Sa Pa tiếp tục đề xuất với tỉnh tổ chức lập quy hoạch chi tiết các khu vực còn lại, phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1:500 sẽ được che phủ hết khu vực trung tâm đô thị. Thị xã Sa Pa cũng đã chủ động rà soát 10 xã trong định hướng phát triển không gian tổng thể, từ đó triển khai điều chỉnh, lập mới đồ án quy hoạch chung, trên cơ sở đó, thống nhất điều chỉnh phù hợp với không gian đô thị đã được phê duyệt.

 

Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa chính thức được phê duyệt với những nội dung, phần việc cụ thể cho địa phương cũng như các cấp, các ngành có liên quan sẽ sớm được hiện thực hóa với những kế hoạch, dự án từ tổng thể tới chi tiết. Với tầm nhìn chiến lược, lâu dài, dáng dấp của một khu du lịch quốc gia hiện đại, vươn tầm quốc tế của Sa Pa sẽ sớm thành hiện thực.

https://baolaocai.vn/bai-viet/366102-may-ao-moi-cho-sa-pa

Theo Thanh Nam - Thúy Phượng - Khánh Ly/LCĐT

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.