Thích ứng với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu
Chính phủ Việt Nam đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước về thực hiện Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu để sớm có chính sách phù hợp, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.Sản xuất thiết bị vệ sinh tại Công ty TOTO Việt Nam (FDI Nhật Bản) trong Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh MINH HÀ)
Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã công bố lộ trình cụ thể áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu từ cuối năm nay, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam mong muốn Việt Nam sớm có thông điệp chính thức về vấn đề này.
Những đề xuất từ nhà đầu tư
Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến môi trường đầu tư Việt Nam là cấp bách, thể hiện trên hai khía cạnh, gồm bảo đảm quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài.
Với chính sách sử dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như một công cụ đòn bẩy tài chính để tác động đến xu hướng đầu tư, nhiều công ty đa quốc gia lớn đầu tư vào Việt Nam được hưởng thuế suất thấp hơn nhiều so với mức thuế trung bình 20%.
Do đó, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải điều chỉnh sẽ không còn được lợi thế vì phần chênh lệch được thu bổ sung tại nước nhận đầu tư hoặc tại quốc gia đặt trụ sở chính.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam sẽ phải nộp phần thuế được giảm về Hàn Quốc.
Như vậy, chính sách ưu đãi của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là vốn đầu tư từ Hàn Quốc sẽ bị vô hiệu hóa, làm giảm năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư của Việt Nam. Vấn đề trở nên rõ ràng hơn khi ông Kim Jin Seong, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính Samsung Việt Nam khẳng định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp này sẽ giảm sút khi thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi.
Samsung Việt Nam đề xuất Chính phủ áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư mới cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, vừa có lợi ích thu thêm thuế của Việt Nam, vừa ưu đãi đầu tư mới, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.
Đại diện Canon Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc Đào Thị Thu Huyền cho biết, một trong những lý do khiến Tập đoàn Canon đầu tư sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam là được hưởng ưu đãi thuế.
Với quy mô hiện hành, Canon thuộc diện bị áp thuế tối thiểu toàn cầu, nếu Việt Nam không có đối sách kịp thời, rất có thể Tập đoàn Canon sẽ xem xét việc phân bổ sản xuất sang cứ điểm khác có lợi thế cạnh tranh. Khi đó, không chỉ Canon Việt Nam bị ảnh hưởng mà hơn 130 nhà sản xuất vệ tinh khác cũng chịu tác động.
Tuy nhiên, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho biết, chỉ có khoảng 24% doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá chính sách ưu đãi thuế tạo nên sức hấp dẫn của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Thuế là vấn đề được quan tâm khi quyết định đầu tư nhưng không phải yếu tố quyết định, vì doanh nghiệp còn cân nhắc đến tiềm năng tăng trưởng, môi trường đầu tư và quy mô thị trường.
Do đó, cần tối ưu hóa các thủ tục hành chính để giảm chi phí cho doanh nghiệp, vấn đề này quan trọng không kém những ưu đãi về thuế. Ông Trần Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng cho biết nhiều doanh nghiệp thành viên kiến nghị Việt Nam xem xét lại các chính sách ưu đãi thu hút FDI, không nên chỉ dựa vào các ưu đãi thuế.
Vì Việt Nam có ưu thế về vị trí địa lý, đất đai, nguồn lao động, độ mở của nền kinh tế với rất nhiều hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp tham gia thuận lợi hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là những thuận lợi rất đáng kể, cần tập trung cải thiện để tăng cường thu hút đầu tư.
Hài hòa lợi ích giữa các bên
Thời gian áp dụng Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu đang đến gần, đòi hỏi Việt Nam phải đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu các chính sách và giải pháp khi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu được thực thi rộng rãi. Những thông điệp đầu tiên về biện pháp ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu đã được các cơ quan của Chính phủ gửi đến các nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI.
Trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp về chính sách của Việt Nam liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu được nêu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) năm 2023, Phó Tổng cục trưởng Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, trước mắt Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa mức thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và các tập đoàn chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu theo khung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Tiếp theo sẽ ban hành các quy định, quy chế về khấu trừ thuế tại nguồn tại Việt Nam. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: Việc thực thi Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có những tác động trực tiếp tới môi trường đầu tư, đồng thời tạo ra những thách thức mới trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian tới.
Do đó, cần điều chỉnh chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để tương thích với thuế tối thiểu toàn cầu và ít tác động nhất đến doanh nghiệp, bảo đảm nhất quán trong chính sách thu hút và bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc áp dụng các biện pháp kịp thời và phù hợp nhằm góp phần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và nhà đầu tư; giữ gìn hình ảnh ổn định của môi trường đầu tư của Việt Nam; khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
https://nhandan.vn/thich-ung-voi-quy-tac-thue-toi-thieu-toan-cau-post745999.html