Một khu rừng tại Brazil. Ảnh: Reuters
Rừng đang tham gia tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, cung cấp ô-xy cho khí quyển và giữ lại lượng lớn CO2 thải ra; là nguồn cung cấp nước cho gần 50% các thành phố lớn nhất thế giới.
Rừng tạo ra và duy trì độ phì nhiêu cho đất; giúp điều chỉnh tác động tiêu cực của hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ và hạn hán... Những giá trị của rừng đối với cuộc sống rất to lớn. Tuy nhiên, bất chấp những lợi ích vô giá của rừng về kinh tế, xã hội, sinh thái và sức khỏe, rừng đang bị chính con người tàn phá một cách nghiêm trọng. Không phải là quá muộn để chúng ta hành động bảo vệ và phát triển những cánh rừng bền vững, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh toàn cầu, vì sức khỏe cộng đồng.
Theo tổ chức Liên hợp quốc, đến năm 2025, 2,3 tỷ người trên thế giới (chiếm trên 40% dân số toàn cầu) trải dài trên 21 quốc gia trên thế giới sẽ bị thiếu nước sinh hoạt và trồng trọt một cách trầm trọng. Việc thiếu nước có thể do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là mực nước ngầm đang giảm nghiêm trọng, do rừng bị xâm hại. Cùng với sự thiếu hụt nguồn nước, nhiệt độ trái đất ấm dần lên và có thể tăng từ 3oC-6oC vào năm 2050, đang trở thành mối quan tâm toàn cầu về bảo vệ rừng hiệu quả.
Trồng, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trở thành một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững ở các quốc gia. Những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt, thường xuyên đã ảnh hưởng lớn tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp. Độ che phủ của rừng nước ta cũng đang giảm sút. Những tổn thất về rừng không thể bù đắp được và gây ra nhiều thiệt hại lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phiêng Pằn trồng cây keo tại vườn đồi, thao trường. Ảnh: Quốc Tuấn
“Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Chính phủ đặt ra yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; hài hòa các mục tiêu về kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án huy động các lực lượng trong cả nước cùng nhau trồng, chăm sóc và bảo vệ gần 700 triệu cây xanh phân tán ở khu vực đô thị và nông thôn, cùng hơn 300 triệu cây rừng trồng tập trung.
Năm 2022, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương trong cả nước đã trồng được 245 nghìn ha rừng trồng tập trung và 122 triệu cây xanh phân tán,bảo đảm nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ; tỷ lệ che phủ rừng ở mức hơn 42%; vi phạm pháp luật về lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại giảm đáng kể; thu dịch vụ môi trường rừng đạt trên 3.600 tỷ đồng.
Đây là nguồn tài chính quan trọng và bền vững của ngành, đóng vai trò đáng kể trong thành tích chung của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methane toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”. Việt Nam là thành viên tích cực của cộng đồng thế giới trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
https://nhandan.vn/chung-tay-bao-ve-rung-post744986.html