Đa dạng hóa để phát triển du lịch
Thời gian qua, ngành Du lịch Lào Cai đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bên cạnh việc quảng bá, xúc tiến, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải thiện môi trường kinh doanh, ngành cũng nỗ lực trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Đây chính là một trong những mục tiêu và cũng là động lực quan trọng để du lịch Lào Cai phát triển trong thời gian tới.Định hướng phát triển
Lào Cai với vị trí “Cầu nối” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam); đồng thời, nằm ở trung tâm của vòng cung Tây Bắc, có cảnh quan tự nhiên đa dạng, văn hóa tộc người đặc sắc, phong phú, hội tụ những điều kiện thuận lợi cả về tài nguyên nhân văn và tài nguyên tự nhiên để thúc đẩy du lịch phát triển. Do vậy, ngay từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 (nhiệm kỳ 2010-2015), Lào Cai đã xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 (nhiệm kỳ 2015-2020), du lịch được xác định là khâu “đột phá” để tạo sự đồng bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2020 - 2025), tỉnh Lào Cai tiếp tục khẳng định 02 lĩnh vực phát triển đột phá của tỉnh trong thời gian tới đây là: Phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển du lịch, dịch vụ.
Lào Cai đang hướng tới trở thành điểm đến “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Trong định hướng phát triển du lịch, dịch vụ, tỉnh Lào Cai luôn xác định quan điểm, nhận thức chung: Cần mở rộng, đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa các chuỗi cung ứng dịch vụ theo tinh thần “Cung cấp những sản phẩm, dịch vụ mà khách du lịch cần, chứ không chỉ là các dịch vụ chúng ta sẵn có”. Đồng thời, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu xây dựng lực lượng lao động ngành du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập vùng, quốc gia và khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác
Đến nay, Lào Cai đã ký kết, hợp tác phát triển du lịch với hầu hết các trọng điểm du lịch của Việt Nam như Bình Định, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,… và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến tại các thị trường này; Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ là 01 trong 03 tỉnh đầu tiên của Việt Nam đề xuất sáng kiến tổ chức luôn phiên hằng năm Chương trình du lịch về cội nguồn từ năm 2005 để hợp tác phát triển du lịch (nay đã nâng cấp thành Nhóm hợp tác phát triển du lịch 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng và thành phố Hồ Chí Minh). Năm 2022 đã thu hút 45 triệu lượt khách đến 08 tỉnh Tây Bắc mở rộng (có 3,8 triệu lượt khách quốc tế).
Festival Tinh hoa Tây Bắc 2022 tổ chức tại Lào Cai.
Đối với hợp tác quốc tế, tỉnh Lào Cai đặc biệt coi trọng công tác xúc tiến, quảng bá, kết nối phát triển du lịch thông qua vai trò cầu nối của các Đại sứ quán và các tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch trực tiếp; thường xuyên phối hợp với Đại sứ quán các nước tổ chức Ngày hội văn hóa (Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga, Belarut, Trung Quốc,…) tại Lào Cai. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid19, tỉnh Lào Cai đã có sáng kiến phối hợp Đại sứ quán một số nước tổ chức các cuộc xúc tiến, quảng bá du lịch bằng hình thức trực tuyến (chi phí ít tốn kém, xong mang lại hiệu quả rất thiết thực). Năm 2022, đã phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức 01 cuộc xúc tiến, quảng bá trực tuyến, qua đó đã đón 01 lượng lớn du khách Ấn Độ đến Lào Cai (khoảng 30.000 khách, tăng hơn 10 lần so trước đây).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để xúc tiến, quảng bá, thu hút khách du lịch
Bằng việc thiết lập, sử dụng bộ 03 phần mềm du lịch thông minh: Phần mềm khai báo lưu trú trực tuyến khách du lịch; Cổng du lịch thông minh, với trên 240 tính năng thông minh phục vụ khách du lịch; Kho ứng dụng dữ liệu du lịch thông minh. Năm 2022, đã thu hút trên 1 triệu lượt truy cập để tìm hiểu thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai còn đẩy mạnh ứng dụng công cụ quảng bá trực tuyến qua các trang mạng xã hội (zalo, tictok, facebook,…) nhằm tăng hiệu quả tiếp cận và đáp ứng thị hiếu của du khách, nhất là giới trẻ.
Du lịch cộng đồng tại Nghĩa Đô - Bảo Yên.
Tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới
Lào Cai đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới, các sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu của địa phương như: Festival Tinh hoa Tây Bắc với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh”; Chương trình nghệ thuật “Sa Pa lặng lẽ yêu - The Mong Show”, sản phẩm du lịch thể thao mới Giải “Triathlon 2022” tại Bắc Hà. Tái hiện Chợ tình Sa Pa; Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2022; Lễ hội Tình yêu và Hoa hồng năm 2022 tại Dinh Hoàng A Tưởng (huyện Bắc Hà); Sa Pa Thổ cẩm và Hoa năm 2022; 08 sản phẩm du lịch thể thao kết hợp nhiều loại phương tiện như: đi bộ, xe đạp, ô tô, cano, kayak, chạy bộ, cưỡi ngựa tại Bắc Hà; Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival cao nguyên trắng Bắc Hà, chủ đề “Nghiêng say mùa đông”,… đưa vào hoạt động thử nghiệm 02 sản phẩm tour thể thao mạo hiểm trượt thác nước: Love canyoning và Wild Canyoning tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) được du khách đón nhận và đánh giá cao.
Một trong hướng đi mới của Lào Cai là mời các nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và thế giới để biên đạo, xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh để tôn vinh, nâng tầm các giá trị văn hóa các dân tộc, phục vụ khách du lịch.
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Trên cơ sở điều tra, khảo sát thực trạng chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo, sử dụng nhân lực du lịch đến năm 2030, tỉnh Lào Cai đã xây dựng Chiến lược, Kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao của tỉnh (trong đó có lĩnh vực du lịch); đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn lực từ các chương trình hợp tác quốc tế để tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, như: Dự án EU trong đào tạo nghề Du lịch theo tiêu chuẩn Vi tốt (VTOS); Dự án GREAT (Dự án về bình đẳng giới do Chính phủ Úc tài trợ); Hợp tác với Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) trong việc đào tạo đội ngũ đào tạo viên, hướng dẫn viên cho một số hoạt động thể thao mạo hiểm, hỗ trợ kỹ thuật để hình thành Trung tâm đào tạo kỹ năng nghề du lịch, đào tạo ngắn hạn cho lao động địa phương (nhất là lao động người dân tộc thiểu số, trình độ học vấn thấp).
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua du lịch Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Giai đoạn 10 năm trở lại đây (2009 - 2019), tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch Lào Cai đạt trên 22% - Đây là mức tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình về khách du lịch đến các tỉnh Tây Bắc (khoảng trên 10%).
Năm 2022 Lào Cai đón 4,6 triệu lượt khách du lịch.
Năm 2019, Lào Cai đón trên 5,1 triệu lượt khách du lịch (trong đó đón khoảng 800.000 lượt khách quốc tế, từ 80 quốc tịch khác nhau), tổng thu từ hoạt động du lịch đạt trên 19.000 tỷ đồng. Sau hơn 02 năm chống trọi với đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Lào Cai đã từng bước “hồi sinh”, có sự phục hồi nhanh chóng: Năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt 4,6 triệu lượt, tổng thu từ du lịch đạt gần 16.000 tỷ đồng.
Năm 2023, Lào Cai đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt trên 20.000 tỷ đồng (đến thời điểm hiện nay, du lịch Lào Cai đã đón được trên 1,7 triệu lượt khách, gấp gần 4 lần so cùng kỳ 2022; tổng thu từ du lịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so cùng kỳ 2022).
Để đạt được các mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm… từng bước đưa Lào Cai trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước./.