Văn hóa bản địa -“thỏi nam châm” hút du khách

Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định văn hóa các dân tộc là một trong những tài nguyên để phát triển du lịch bền vững.

Đến Sun World Fansipan Legend, du khách dễ dàng nhận ra không gian bài trí đều được lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa và sắc màu Tây Bắc. Đó là việc sử dụng khèn Mông, họa tiết thổ cẩm hay những tiểu cảnh check - in được xếp từ bắp ngô, bó lúa… Ngoài ra, các sự kiện, lễ hội được tổ chức thường xuyên ở khu du lịch này đều mang những màu sắc đặc trưng của các dân tộc địa phương như lễ hội khèn hoa, vó ngựa trên mây… Tại khu vực tái hiện chợ quê trên sân ga đi cáp treo, du khách như được sống trong không gian văn hóa của đồng bào vùng cao, với gian hàng thủ công mỹ nghệ, sản vật của chính người dân đem bán. Vào dịp lễ hội, các nghệ nhân quy tụ, tự hào giới thiệu với du khách về phong tục truyền thống của dân tộc mình.

Sun World Fansipan Legend khai thác tài nguyên văn hóa thành sản phẩm du lịch. 

 

Bắc Hà cũng là điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn. Khai thác văn hóa, tri thức bản địa là điểm nhấn để thúc đẩy phát triển du lịch tại “Cao nguyên trắng”. Các homestay, cơ sở lưu trú tại Bắc Hà thường tận dụng những ngôi nhà sàn truyền thống để phục vụ khách lưu trú. Du khách không khó để nhìn thấy những họa tiết thổ cẩm, nguyên - vật liệu trang trí mang đậm màu sắc tự nhiên như cỏ tranh, đá cuội, gỗ thông, vải chàm... Các homes tay đã sử dụng những nét độc đáo, đặc trưng của văn hóa dân tộc để tạo điểm nhấn, mang màu sắc riêng cho hình ảnh du lịch địa phương. Anh Lý Vần Sồ, chủ cơ sở So Hmong homestay cho hay: Hàng rào, lan can, cổng nhà, tôi đều làm bằng gỗ để du khách có cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Ngoài ra, chăn, đệm, rèm che, gia đình cũng trang trí bằng các họa tiết thổ cẩm, tạo nét riêng cho homestay.

Nhiều homestay ở Lào Cai sử dụng chất liệu văn hóa dân tộc để trang trí không gian nghỉ dưỡng và đón khách.

Ngoài di tích lịch sử văn hóa, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đang lưu giữ hơn 14 nghìn cổ vật, hiện vật quý; nhiều bản làng vùng cao còn giữ được những nét văn hóa đặc trưng như Tả Phìn, Tả Van (thị xã Sa Pa), thôn Na Lo, xã Tà Chải và xã Bản Phố (Bắc Hà), thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát)… Đây là yếu tố quan trọng để tạo nên các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách đến Lào Cai, đặc biệt là du khách quốc tế. Việc lồng ghép giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số vào sản phẩm du lịch rất quan trọng vì không chỉ tạo sự khác biệt và làm tăng giá trị trải nghiệm của khách về điểm đến, mà còn phát huy hiệu quả văn hóa địa phương.

Việc bảo tồn và gìn giữ tài nguyên văn hóa thời gian qua được ngành du lịch và các địa phương chú trọng. Trong khuôn khổ Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà vừa qua, Lễ Nhảy lửa của người Dao đỏ là một trong những lễ hội đặc sắc và hấp dẫn nhất dịp đầu xuân, thu hút hàng nghìn người dân và du khách. Anh Ngọc Ân, du khách tới từ Hải Phòng nói: Tôi rất hào hứng khi được xem Lễ hội Nhảy lửa. Là người yêu thích nhiếp ảnh, tôi không chỉ ấn tượng với cảnh sắc của Lào Cai, mà còn đặc biệt bị thu hút bởi các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số. Tôi đã ghi lại nhiều hình ảnh đẹp, mong rằng lễ hội độc đáo như vậy sẽ được lưu giữ và tổ chức hằng năm.

Văn hóa của dân tộc Mông là chất liệu để xây dựng vở diễn thực cảnh "Sa Pa - Lặng lẽ yêu". 

Thời gian qua, Bắc Hà rất chú trọng bảo tồn, xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật dân tộc, góp phần phục vụ du lịch như câu lạc bộ múa xòe, câu lạc bộ khèn Mông, câu lạc bộ đàn tính…

Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng cần phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa các dân tộc, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống cộng đồng địa phương. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của dân tộc, để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Gìn giữ văn hóa để tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách (ảnh Sun World Fansipan Legend )

Ngoài ra, chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ và người dân tộc thiểu số như một cách tiếp cận bền vững đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển du lịch; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đẩy mạnh việc phát huy các giá trị di sản văn hóa thông qua tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động trải nghiệm về di sản văn hóa cho học sinh trong cộng đồng hoặc tại các bảo tàng, hoặc lồng ghép các giáo trình giảng dạy trong nhà trường. Có chính sách, chế độ cho các nghệ nhân, cá nhân có công gìn giữ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Mùa "vàng" Hợp Thành

Đến xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) dịp này, bạn sẽ được hòa mình vào màu vàng mê đắm của những cánh đồng lúa chín. Là một trong số ít địa phương của thành phố còn nhiều diện tích đồng ruộng nên khi chạm chân đến đầu xã là khung cảnh làng quê thanh bình với cánh đồng “thẳng cánh cò bay” hiện ra...

Lào Cai tập trung các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt hiệu quả, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai ký ban hành văn bản số 2418/UBND-NLN về việc tập trung triển khai các giải pháp về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Khai thác thị trường khách quốc tế

Sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tháng 3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa thí điểm đón khách du lịch Trung Quốc. Điều này có tác động rất lớn đến ngành du lịch Lào Cai, nhất là đối với thị trường khách du lịch quốc tế.

Độc đáo tết Sử Giề Pà của người Bố Y

Xã Thanh Bình (huyện Mường Khương) có cộng đồng người Bố Y (dân tộc rất ít người) sinh sống. Người Bố Y có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó phải kể đến tết Sử Giề Pà (Lễ tạ ơn trâu).

Kết nối du lịch các địa phương vùng Đông Bắc tỉnh Lào Cai

Sáng 29/5, Sở Du lịch tỉnh tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng, tiềm năng, định hướng phát triển du lịch, nguồn tài nguyên du lịch và các dịch vụ đón tiếp khách du lịch vùng Đông Bắc tỉnh Lào Cai.

Mùa vàng Nghĩa Đô

Cả một thung lũng lòng chảo bên dòng Nậm Luông những ngày này bắt đầu chuyển màu vàng rực. Những bông lúa uốn câu nặng trĩu chờ ngày thu hái. Đồng bào Tày ở Nghĩa Đô (Bảo Yên) tranh thủ những ngày nắng ráo, thời tiết thuận lợi để gặt lúa.