Những ngôi đền nổi tiếng tại Sa Pa

Đến Sa Pa du lịch không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như những bức tranh sơn thủy mà nơi đây còn có những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng. Cổng thông tin đối ngoại Lào Cai sẽ đưa bạn đến tham quan và tìm hiểu về những ngôi đền linh thiêng của Sa Pa thông qua bài viết này.

Đền Hàng Phố

Qua chợ Sa Pa khoảng 50m về Tây Nam của thị trấn, trên trục đường xuống thăm khu du lịch Cát Cát, Đền Hàng Phố tọa lạc tại số nhà 032, phố Phansipăng, tổ 8, thị xã Sa Pa. Đền Hàng Phố rộng 1.400m2, gồm các hạng mục như: Nghi môn; sân Đền; dẫy nhà nghỉ tạm dành cho khách hành hương dừng chân; dẫy nhà 13m, 4 gian để cho những người quản lý, lữ khách và bếp của đền.

Đền Hàng Phố được xây dựng từ cuối thế kỉ 19.

Đền Hàng Phố là một ngôi đền cổ rất nổi tiếng được người dân xây dựng từ cuối thế kỉ 19. Đền có tên là đền Hàng Phố vì đền nằm gần 1 con phố tấp nập người dân qua lại, mua bán. Đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một vị tướng tài thời Trần đã ba lần lãnh đạo binh sỹ đánh thắng quân xâm lược quân Nguyên Mông giữ yên vùng biên ải nơi địa đầu của Tổ quốc, được phong thánh trong lòng mọi người dân Việt Nam. Việc thờ cúng những vị anh hùng không chỉ đơn thuần là hoài niệm trong tâm về một thế giới siêu linh mà đây là nét văn hóa có tính truyền thống mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngày nay, Đền Hàng Phố đã trở thành một công trình tâm linh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với người dân địa phương và du khách thập phương.

Hàng năm, đền Hàng Phố tổ chức nhiều lễ hội như: Lễ Nguyên Tiêu, Lễ Kỵ Mẫu, Tiệc ông Hoàng Bẩy (7/7)… ngày lễ long trọng nhất là tiệc Đức Thánh Trần được tổ chức vào 3 ngày: Rằm tháng giêng, 3/3, 20/8. Đền đông nhất vào ngày lễ chính của đền, tức là ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm. Đây là ngày lễ tưởng nhớ công đức của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Lễ cúng được tổ chức vô cùng long trọng theo đúng lễ dành cho các lễ tiết trong cung đình xưa. Lễ hội đền Hàng Phố hàng năm thu hút rất đông người dân Sa Pa và du khách thập phương đến xem.

Đền Mẫu Sơn

Đền Mẫu Sơn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2011.

Đền Mẫu Sơn nằm ở 180 đường Thạch Sơn (thuộc tổ dân phố số 4), với diện tích hơn 73m2, bao gồm: dẫy nhà dành cho người quản lý và khách hành hương, bếp đền và quan trọng nhất là gian thờ. Vị trí lập đền được chọn lựa rất kỹ theo thuyết phong thủy của người Phương Đông phù hợp với thế đất: Đền ngả lưng vào núi đá cao lừng lững, vững chãi (yếu tố dương). Trước đền có ao nước trong – nơi tụ thủy, tụ linh, tụ khí (yếu tố âm). Đó là sự kết hợp hài hòa hai yếu tố Âm và Dương. Đền hướng ra phía Đông Bắc để đón lấy nguồn sự sống, sự phát triển.

Đền thờ phụng vị Thánh bất tử thứ tư đó là Công chúa Liễu Hạnh – điểm khác biệt so với các ngôi đền khác. Theo truyền thuyết: “Quỳnh Hoa công chúa, con gái của Ngọc Hoàng thượng đế, vì có lỗi nên bị giáng xuống trần. Nàng lớn lên kết hôn với một đào lang và sinh hạ được một cặp trai gái và bị mất vào 3/3 ở tuổi trưởng thành. Sau khi con mất, nàng lại phải giáng tiên trở về thượng giới, nhớ chồng, thương con nên ngày đêm dằn vặt. Nàng lại xin Ngọc Hoàng được xuống hạ giới – vì tình yêu thương con người mà Ngọc Hoàng Thượng đế phong cho nàng là “Công chúa Liễu hạnh”. Sau khi xuống trần gian chăm sóc bố mẹ chồng cho đến khi họ lần lượt qua đời. Từ đó nàng bắt đầu cuộc sống thanh đạm, ngao du thiên hạ, vì có phép trong tay nàng luôn trừng phạt kẻ ác, ban phước lành cho người thiện. Nàng từng tặng giày của mình cho vua khi vua qua Vụ Bản. Nàng cũng đã từng nhiều lần đem phép tiên của mình giúp triều đình diệt trừ giặc giã, bảo vệ giang sơn và cũng chính vì thế mà sau này nàng được ban sắc với nhiều tên khác nhau: “Mẫu nghi thiên hạ”, “Nữ hoàng công chúa”, “Chế thắng diệu hoa” hay “Tối linh đẳng thần” và chính là một trong “Tứ bất tử” trong tâm thức của người Việt Nam”. Đền Mẫu Sơn thờ Liễu Hạnh công chúa mà không phải là vị thánh khác trong 4 vị thánh (Thánh Tản Viên, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh) bởi Liễu Hạnh biểu tượng cho sức sống, ý thức tự do và lòng nhân đạo của người phụ nữ nơi đây. Đó là tính ngưỡng thờ Mẫu – thờ Mẹ của muôn người.

Lịch sử đền có từ rất lâu đời, là đền đầu tiên ở Sa Pa đến nay gần được 200 tuổi (1807). Chiến tranh làm ngôi đền bị tàn phá hoàn toàn. Khi hòa bình lập lại do nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng mà người dân trùng tu lại. Đền nhiều lần trùng tu, đến năm 2013 đền Mẫu Sơn được tân trang lại rất đẹp và đền có hình dạng như ngày nay. Đền Mẫu Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 2011.

Lễ hội Đền tổ chức nhiều ngày trong một năm nhưng lễ hội chính là ngày 10/3 âm lịch để tưởng nhớ tới Mẫu Liễu Hạnh. Hàng năm, đền Mẫu Sơn đón khoảng 40.000-50.000 du khách vào mỗi mùa lễ hội Sa Pa. Đáng chú ý, vào những ngày lễ, nhiều du khách đến Mẫu Sơn để ngắm cảnh, cúng và cầu nguyện cho một năm mới tràn đầy may mắn và kỳ vọng của họ sẽ thành hiện thực.

Đền Mẫu Thượng

Đền nằm trên đường lên Thác Bạc, cách trung tâm thị xã Sa Pa 4km, rồi rẽ vào con đường nhỏ phía bên tay trái khoảng 200m là tới ngôi đền Mẫu Thượng. Đền xây dựng trên nền móng cũ với diện tích là 200m2 bao gồm nhà dành cho người quản chùa, bếp chùa và gian thờ chính (không có Nghi môn). Đền quay về hướng Đông Nam, là đỉnh núi Phansipăng. Trước cửa đền có một cây thông rừng gần trăm năm tuổi tạo nên cảnh quan thoáng mát lại đặc biệt yên tĩnh cho ngôi đền.

Vào mỗi dịp Lễ hội Đền Mẫu Thượng thu hút đông vào Nhân dân, du khách.

Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn (Lầu cô), ban thờ cô ở vị trí khá đặc biệt vì không ở trong gian thờ như những ngôi đền khác mà có vị trí riêng, nằm bên trái cách ngôi đền 15m. Tương truyền lại rằng: Cô Đôi Thượng Ngàn là một trong 12 cô cai quản các vùng khác nhau, chết ở đây khi còn ít tuổi, cô rất linh thiêng. Lúc đó khu vực này bạt ngàn cây gỗ lớn. Thực dân Pháp lập xưởng xẻ gỗ ở gần Đền. Gỗ mất nhiều, cô Đôi Thượng Ngàn thường về báo mộng, kêu khóc. Điều đó không làm giảm đi quá trình sản xuất gỗ. Về sau quá nhiều người chết vì xẻ gỗ nên quân lính (người Việt đi lính Pháp) sửa Đền thờ Cô. Kể từ đó không có người chết nữa và xưởng Máy Cưa cũng bỏ.

Đền đầu tiên có tên là đền Máy Cửa, năm 1975 đổi là Đền Thượng, đến năm 2002 đổi là Đền Mẫu Thượng. Được gọi như vậy bởi lẽ đây là một di tích thờ Mẫu, hơn nữa địa thế xa và cao nên nhân dân địa phương đổi thành đền Mẫu Thượng. Đền xây dựng từ thời nhà Trần vì vẫn còn di vật còn lại để chứng minh nguồn gốc của đền đó là 4 trụ đá: 2 trụ đỡ vách gian ở hai chái đền, 1 trụ ngoài cửa đền phía bên phải bị đổ nên nay xây lại, 1 trụ ngoài bên trái còn rõ nét khắc câu đối từ thời nhà Trần. Đền nhiều lần trùng tu trên nền móng cũ trong đó hai bức vách ở hai chái giữ nguyên và cơi rộng thêm (móng của Đền cũ còn sâu vào trong 25m nữa). Sau lần đại trùng tu năm 2002 đền có hình dạng như ngày nay. Ngày 27/6/2005 đền được công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh.

Một năm có nhiều lễ hội đền cũng như các đền khác nhưng lễ hội chính vào ngày 3/3 tiệc tế Mẫu. Nếu có cơ hội ghé đến Đền Mẫu Thượng Sa Pa vào những dịp có hầu đồng thì bạn sẽ được chiêm ngưỡng một hoạt động tâm linh vô cùng đặc sắc. Khi đó thì các thầy đồng và cô đồng sẽ mặc những trang phục rực rỡ màu sắc và trình diễn nhiều điệu múa mang đậm dấu ấn dân tộc, vô cùng độc đáo và ấn tượng./.

Minh Phượng

Tin Liên Quan

Hiệu quả Dự án 8 ở xã biên giới A Mú Sung

Hiệu quả lớn nhất mà Dự án 8 mang lại chính là đã giúp phụ nữ và trẻ em nữ trên địa bàn xã A Mú Sung, huyện Bát Xát có thêm nhiều cơ hội tham gia các hoạt động của xã hội, nâng cao hiểu biết và khẳng định vị thế của mình.

Hoa của núi

Lào Cai giành 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực III năm 2024

Chiều 1/11, tại tỉnh Sơn La, Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức khai mạc Triển lãm Mỹ thuật khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 29, năm 2024.

Tiệm tranh nhỏ miền sương mây

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện 'Nắng trên non'

Ngày 31/10, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện truyền thông “Nắng trên non” tại Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động truyền thông khích lệ tinh thần vượt khó, theo đuổi ước mơ của các em học sinh; lan tỏa thông điệp “Phụ nữ dân...

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.