Người phụ nữ dân tộc Mông đi đầu trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển kinh tế từ những giá trị văn hóa truyền thống

Với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát triển kinh tế từ những nghề truyền thống của địa phương, chị Sùng Thị Lan, thôn Tả Van Giáy, xã Tả Van, thị xã Sa Pa, đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã (HTX) Mường Hoa. Với sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, Hợp tác xã hoạt động ngày một hiệu quả, không chỉ gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho các chị em phụ nữ trên địa bàn xã.

Sinh ra trong gia đình có 11 người con, bản thân chị Sùng Thị Lan là người con thứ 5, gia đình rất khó khăn, ngay từ nhỏ, Sùng Thị Lan đã được mẹ dạy cho việc thêu thùa trên những bộ quần áo thổ cẩm của dân tộc Mông. Lớn lên một chút, nhìn ra xung quanh, Sùng Thị Lan thấy ở quê hương Tả Van của mình, mọi người còn tự nhuộm, dệt vải truyền thống và làm hương (nhang) thủ công bằng các loại gỗ, trầm, thảo mộc sẵn có của địa phương. Từ đó, chị luôn ấp ủ ước mơ thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu bằng chính những nghề truyền thống của quê hương.

Cơ hội đầu tiên đến với chị vào tháng 10/2017, khi Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lào Cai và Hội Liên hiệp phụ nữ Sa Pa cùng tổ chức CSIP (Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng – CSIP) triển khai Đề án 939 (Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 (gọi tắt là Đề án 939), khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại hai thôn Tả Van Dáy 1 và Tả Van Dáy 2. Tổ chức CSIP và hội phụ nữ đã tạo cơ hội cho các chị có chuyến tham quan, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội.

Sau chuyến đi đó, trở lại địa phương, được tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kinh doanh, phát triển bền vững, chị Sùng Thị Lan bắt đầu nhen nhóm ý tưởng cho một mô hình sản xuất vừa giúp lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc mình vừa có thể phát triển thành chuỗi giá trị phục vụ du lịch cộng đồng.

Chị Sùng Thị Lan (người đứng giữa) cùng các hội viên tìm tòi ra phương thức nhuộm vải mới từ phương thức nhuộm vải truyền thống.

Lúc đầu thực hiện ý tưởng, chị đã phải mày mò rất nhiều để làm sao tìm ra được loại nguyên liệu tự nhiên phù hợp nhất với vải thổ cẩm. Từ củ nâu, củ nghệ, lá tím, lá chè, chàm… đều được chị Lan thử qua. Trong 4 tháng đầu thử nghiệm, chị làm hỏng trên 500m vải lanh, vải sợi. Nhưng may mắn, sau 4 tháng chị đã tìm ra được công thức pha màu cũng như cách xử lý nguyên liệu để có màu tự nhiên nhất.

Tháng 9/2018, dưới sự hỗ trợ của đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp,” chị Sùng Thị Lan đã thành lập HTX Mường Hoa, do chị làm giám đốc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các đồ thủ công truyền thống: Thổ cẩm, hương thảo mộc, trà thảo dược. Các sản phẩm của HTX được làm dựa theo nguyên tắc tận dụng tối đa nguyên, vật liệu sẵn có trong tự nhiên, tuyệt đối không sử dụng bất kỳ loại hóa chất công nghiệp nào trong quá trình chế biến, sản xuất. Hiện, HTX có 9 hộ gia đình là thành viên trong đó có 5 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, 2 hộ gia đình chính sách, HTX còn tạo việc làm không thường xuyên cho 6 lao động địa phương.  Chia sẻ về công việc của mình, chị  Sùng Thị Lan cho biết: “Ngoài việc nâng cao đời sống cho gia đình, có thể chăm sóc cho 2 con tốt hơn, chị cảm thấy tự hào khi  tạo được công ăn cho nhiều người dân trong xã. Gìn giữ được nhiều nghề truyền thống có nguy cơ mai một của quê hương”.

Giám đốc HTX Mường Hoa Sùng Thị Lan (người ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu những sản phẩm do chính tay chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia trong HTX làm ra.

Nhằm hạn chế chất thải ra môi trường, hạ giá thành mặt hàng thủ công và nâng cao năng suất cho bà con, chị Lan đã triển khai mô hình tái chế thổ cẩm. Váy, áo, khăn thổ cẩm cũ của bà con các dân tộc thiểu số sau khi Hợp tác xã thu mua về sẽ được giặt sạch, nhuộm lại màu bằng nguyên liệu thiên nhiên,  dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân sẽ trở thành những bộ quần áo, váy, mũ, khăn đội đầu và  những sản phẩm  trang trí  bằng thổ cẩm với nhiều mẫu mã đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thu hút nhiều du khách đến tham quan, mua sắm… Tuy gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, ngành du lịch bị ảnh hưởng, du khách nước ngoài không đến Việt Nam đông như trước nhưng những sản phẩm của Hợp tác xã không chỉ bán ở địa phương, thông qua mạng xã hội Facebook, các sản phẩm túi, áo, váy thổ cẩm, hương (nhang) thảo mộc đã được rất nhiều người biết đến và ủng hộ, trong đó có những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ sản xuất các mặt hàng để bán, HTX Mường Hoa còn nhận các Tour du lịch cho du khách trải nghiệm thực tế, tham gia vào các công đoạn sản xuất các sản phẩm.

Từ những cách làm hay, sáng tạo, Hợp tác xã thổ cẩm Mường Hoa của chị Sùng Thị Lan ở xã Tả Van, thị xã Sa Pa đã khẳng định được vị thế trên thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Giúp cho những người dân đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương, có thể sống với chính nghề truyền thống trên mảnh đất quê hương mình. Góp phần vào việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa  đặc sắc, riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương./.

Lâm Tú

Tin Liên Quan

Xã Tân Thượng phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024

Với chủ đề “Sách và khát vọng phát triển”, chiều 16/4, UBND xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn đã tổ chức Lễ phát động Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ III năm 2024.

Si Ma Cai tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân

Si Ma Cai xác định cây, con chủ lực của huyện đó là cây Lê, Mận, dược liệu và 3 con trâu, bò, lợn đen là thế mạnh của địa phương để tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Sức trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Với sức trẻ, nhiệt huyết, lực lượng đoàn viên, thanh niên đã xung kích đi đầu, góp phần cùng với đảng bộ, chính quyền và người dân các địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Nhân dân Bảo Yên đóng góp hơn 11 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Chiều 16/1, huyện Bảo Yên tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Đề án xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới và Nghị quyết 10-NQ/TU năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Huyện đoàn Bát Xát giành giải Nhất Hội thi “Tuổi trẻ Lào Cai tham gia xây dựng nông thôn mới” năm 2023

Vì lợi ích của cộng đồng thì nên làm

Trong xây dựng nông thôn mới, nhiều công trình cần đến sự tình nguyện đóng góp công sức, tiền của người dân. Thời gian qua, ở một số địa phương của tỉnh Lào Cai đã có không ít hộ dân chủ động, tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền của, tài sản trên đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Ông Hoàng...