Lễ hội Đền Thượng trở lại sau 3 mùa xuân lỡ hẹn

“Ngày Rằm tháng Giêng ta về mở hội. Hội Xuân đền Thượng, nơi thờ Hưng Đạo Vương. Vọng tiếng chuông ngân ơn người hào kiệt. Trầm hương ngan ngát, tỏa vào cõi uy linh…”. Những câu ca trong bài hát "Hội xuân Đền Thượng" của nhạc sỹ Minh Sơn dường như đã vắng bóng suốt 3 mùa lễ hội. Năm nay, để thỏa long mong đợi của người dân và du khách thập phương, Lễ hội đền Thượng được tổ chức trở lại, quy mô cấp tỉnh, hứa hẹn nhiều hoạt động hấp dẫn đang chờ đón.
Đền Thượng là địa chỉ tâm linh, thu hút người dân và du khách thập phương. 

Do yêu cầu phòng, chống dịch Covid -19, Lễ hội đền Thượng đã lỡ hẹn 3 mùa hội xuân. Tuy nhiên, Rằm tháng Giêng năm nay, bên gốc đa cổ thụ hàng trăm tuổi, Lễ hội đền Thượng Xuân Quý Mão chính thức trở lại và được tổ chức với quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa và tâm linh của Nhân dân. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa sôi nổi, lành mạnh tại lễ hội sẽ phát huy tiềm năng và năng lực sáng tạo của Nhân dân, qua đó hình thành mối quan hệ đa phương, phát triển văn hóa gắn với du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thông qua lễ hội, tạo không khí tưng bừng, phấn khởi, cổ vũ, động viên Nhân dân thi đua lao động, sản xuất, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nghi thức tế lễ được tổ chức trang nghiêm. 

Như chiếc lò xo bị nén đã lâu chờ được bật ra, Lễ hội đền Thượng trở lại sẽ thỏa lòng mong mỏi của đông đảo người dân và du khách. Chị Lục Thị Hồng Thắm, phường Bình Minh, thành phố Lào Cai chia sẻ: Lễ hội đền Thượng trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không thể thiếu đối với nhiều người dân những ngày đầu xuân. Suốt 3 năm qua, Lễ hội chỉ được tổ chức phần lễ, các hoạt động phần hội tạm dừng khiến người dân hụt hẫng. Được biết năm nay lễ hội sẽ được tổ chức quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động hấp dẫn, chúng tôi vô cùng háo hức, mong chờ ngày khai hội.

Sân đền Thượng - nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ. 

Lễ hội đền Thượng Xuân Quý Mão 2023 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 3/2 đến hết ngày 5/2 (Tức từ ngày 13 đến hết ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão) với các hoạt động tâm linh, văn hóa, văn nghệ, thể thao, trưng bày ẩm thực… hứa hẹn thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. 

Ngoài phần lễ, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú, đa dạng, thể hiện sự hòa quyện nhuần nhuyễn, tái hiện khung cảnh lễ hội xưa cùng với những nét văn hóa hiện đại, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, rộn rã trong những ngày xuân. Tại chương trình còn có màn diễn xướng hầu đồng trong đêm khai hội. Ngoài ra, Nhân dân và du khách còn được tham quan các gian trưng bày, giới thiệu nông sản địa phương, sản phẩm OCOP của các xã, phường, hàng tiêu dùng của các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn. Nhân dân và du khách sẽ hoà vào không khí vui tươi, rộn rã của lễ hội với hình thức tham gia vào các trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực truyền thống...

Hệ thống đèn chiếu sáng được trang trí quanh đền. 

Để thỏa lòng mong đợi của người dân và du khách thập phương, được sự đồng ý của Ban Quản lý di tích thành phố Lào Cai, thầy Nguyễn Đình Lưu, Trụ trì Đền Thượng đã vận động các nhà hảo tâm chung tay đầu tư hệ thống đèn led trang trí xung quanh Đền Thượng, hệ thống cây cảnh, chậu hoa để làm đẹp thêm cho đền.

Ông Ngô Ngọc Hà, Trưởng Ban quản lý Di tích thành phố Lào Cai cho biết: Lễ hội đền Thượng năm nay, phần tế lễ được đặc biệt chú trọng. Hiện, Ban Quản lý Di tích thành phố Lào Cai đã thống nhất với các địa phương, đơn vị để lựa chọn hơn 400 người tham gia tế lễ, với các lứa tuổi. Để đảm bảo mỹ quan, hệ thống chiếu sáng, đèn trang trí đền cũng được đầu tư hơn mọi năm. Chúng tôi mong muốn mang đến cho người dân và du khách thập phương một lễ hội lớn như mong đợi. 

Nhà đền bổ sung thêm các chậu cây cảnh, chậu quả .

Hiện, thành phố Lào Cai đã và đang gấp rút chuẩn bị các nội dung của lễ hội, triển khai chi tiết đến các ban, ngành, đoàn thể, các phường, xã trên địa bàn. Đến nay, việc xây dựng kịch bản tổng thể, kịch bản chi tiết về phần lễ và phần hội, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và các kế hoạch chi tiết khác đã hoàn tất.

Ông Phan Văn Năm, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Lào Cai cho biết: Ngoài  tổ chức với quy mô cấp tỉnh, thì các nội dung của Lễ hội đền Thượng cũng được nâng cấp. Sự trở lại của Lễ hội đền Thượng năm nay là cơ hội để chúng tôi giới thiệu, quảng bá tiềm năng thu hút đầu tư, du lịch. Do đó, công tác tổ chức lễ hội được chuẩn bị chu đáo, an ninh trật tự được tăng cường, đảm bảo an toàn cho du khách trong hành trình về hội xuân đền Thượng.

Ban thờ, vật dụng trong đền đều được lau dọn sạch sẽ. 

Lễ hội đền Thượng là nơi mọi người giao lưu, tìm về cội nguồn văn hóa và mang đến trải nghiệm đáng nhớ cho du khách thập phương. Lễ hội đền Thượng Xuân Quý Mão đang chờ đón người dân và du khách. 

https://baolaocai.vn/bai-viet/363895-le-hoi-den-thuong-tro-lai-sau-3-mua-xuan-lo-hen

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...