Đóng cửa giao trên thị trường Phố Wall, 2 trong số 3 chỉ số chứng khoán chủ lực giảm điểm. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones đi ngang và khép phiên ở mức 33.597,92 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,2% xuống 3.933,92 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,5% và đóng cửa ở mức 10.958,55 điểm.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không nằm ngoài sắc đỏ. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,4% xuống 7.489,19 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,6% xuống 14.261,19 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,4% xuống 6.660,59 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,5% xuống 3.920,90 điểm.
Những lo lắng về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đã xóa nhòa sự lạc quan trước việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách hạn chế trong phòng dịch Covid-19.
Trung Quốc ban hành 10 biện pháp mới, bao gồm việc cho phép người mang mầm bệnh không triệu chứng và bệnh nhân có triệu chứng nhẹ cùng những người đáp ứng các yêu cầu nhất định được cách ly tại nhà.
Mặc dù vậy, giới chức y tế cấp cao Trung Quốc nhấn mạnh, động thái này không báo hiệu việc nới lỏng hoàn toàn các biện pháp chống dịch, mà đó là sự cân nhắc toàn diện dựa trên kinh nghiệm đã tích lũy được để đối phó với các đặc điểm mới của virus SARS-CoV-2.
Nhưng cùng ngày, số liệu mới nhất được công bố chỉ ra hoạt động xuất - nhập khẩu của nước này đã sụt giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 11, cho thấy tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngoài ra, tâm lý thị trường cũng chịu chi phối của giá dầu khi trong phiên giao dịch 7/12, giá dầu thế giới giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm nay và đánh mất toàn bộ đà tăng sau xung đột tại Ukraine.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 2,18 USD (2,8%) xuống 77,17 USD/thùng, trong khi mức đóng cửa thấp nhất của năm ngoái là 78,98 USD/thùng được ghi nhận vào ngày đầu tiên của năm 2022.
Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,24 USD xuống 72,01 USD/thùng, một trong những mức thấp nhất trong năm. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ xăng của nước này tăng vọt. Điều này thể hiện rằng mức tiêu thụ năng lượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng trước khi Chính phủ Mỹ công bố báo cáo giá tiêu dùng vào tuần tới, cùng với việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ tại cuộc họp ngày 13-14/12.
Oil pours out of a spout from Edwin Drake's original 1859 well that launched the modern petroleum industry at the Drake Well Museum and Park in Titusville, Pennsylvania U.S., October 5, 2017. REUTERS/Brendan McDermid/Files
https://nhandan.vn/gia-dau-the-gioi-thap-nhat-tu-dau-nam-post728826.html