Biến phụ phẩm lâm sản thành hàng xuất khẩu
Nhiều phụ phẩm lâm sản trước đây phải tốn nhiều chi phí, công sức để xử lý, tiêu hủy thì nay lại đang được các cơ sở sản xuất, chế biến thành những sản phẩm có giá trị để xuất khẩu.Từ lợi ích của than sinh học
Không chỉ tạo được chất đốt an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà than sinh học còn góp phần giải quyết số lượng lớn phế phẩm công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng.
Gần chục năm mở xưởng sản xuất gỗ ván bóc, ông Trần Văn Quý, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) luôn trăn trở với việc xử lý ván rác, gỗ vụn thải của quá trình sản xuất. Với dây chuyền sản xuất 1.000 m3 gỗ nguyên liệu/tháng, lượng ván rác thải ra (mùn cưa, dăm, gỗ vụn, cành…) khoảng 120 tấn không biết xử lý thế nào, đốt bỏ hay thải loại, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Với mong muốn làm ra sản phẩm hữu ích từ những phế phẩm chế biến lâm sản đó, ông đã dành nhiều thời gian đi học kinh nghiệm và đầu tư dây chuyền sản xuất than sạch.
Ông Trần Văn Quý cho biết: Than sinh học được sản xuất từ mùn cưa lên men vi sinh của gỗ rừng trồng. Công nghệ chế biến than sinh học là một quy trình khép kín. Nguyên liệu (dăm gỗ, gỗ vụn, vỏ bào…) sẽ được băm, xay thành mùn cưa, được sàng lọc kỹ, loại bỏ tạp chất, sau đó được ủ men vi sinh trong 48 giờ, khi đã đạt tiêu chuẩn về độ mịn và độ ẩm sẽ được ép thành các thanh dài.
Khâu cuối cùng trước khi cho ra thành phẩm cũng là khâu quan trọng và mất nhiều thời gian nhất là đưa vào lò sấy trong vòng 2 tuần. Sau thành phẩm, than sinh học trông không khác gì than củi. Sản phẩm than sinh học dễ bắt lửa và có thể cháy trong khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ. Loại than này khi cháy không có khói, không bụi, không mùi, được sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm, sưởi ấm…
Với 32 lò sấy, công suất sấy 500 kg/mẻ, công nghệ khép kín và 10 nhân công đang trực tiếp sản xuất như hiện nay, cơ sở sản xuất được 30 - 40 tấn sản phẩm, tương đương tiêu thụ được hơn 200 tấn nguyên liệu/tháng. Thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu sang thị trường các nước Đông Âu thông qua đơn vị liên doanh, với giá bán cao, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho gia đình.
Mùn cưa, dăm gỗ thành viên nén xuất khẩu
Huyện Bảo Thắng hiện có hơn 130 cơ sở chế biến lâm sản vừa và nhỏ. Trung bình, mỗi năm các cơ sở này tiêu thụ khoảng 35.000 m3 gỗ nguyên liệu, như vậy “rác thải” từ sản xuất gỗ là tương đối lớn.
Mỗi tháng cơ sở sản xuất ván bóc của anh Tạ Anh Tuấn, xã Xuân Quang sản xuất hơn 1.500 m3 gỗ nguyên liệu, lượng rác thừa phải xử lý hơn 300 tấn. Anh Tuấn, cho biết: Trước đây, cơ sở phải tốn nhiều chi phí và công sức cho việc xử lý, tiêu hủy các loại phụ phẩm như mùn cưa, vỏ gỗ, gỗ vụn. Mà hình thức xử lý chủ yếu là đốt bỏ, gây khói, bụi làm ô nhiễm môi trường. Nhưng kể từ khi ngành sản xuất viên nén phát triển, tôi không những không tốn chi phí xử lý, mà các phụ phẩm này còn mang về nguồn thu hơn 30 triệu đồng/tháng.
Cơ sở sản xuất viên nén gỗ của gia đình ông Trần Tuấn Anh với công suất 500 - 600 tấn sản phẩm/tháng đang hoạt động tại xã Xuân Quang. Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường viên nén gỗ, ông đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, dây chuyền, máy móc để phục vụ sản xuất. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của ông Tuấn Anh tiêu thụ từ 1.200 - 1.500 tấn phụ phẩm từ sản xuất gỗ.
Ông Trần Tuấn Anh, cho biết: Nguyên liệu nhập về được băm thô, nghiền nhỏ thành mùn cưa, sau đó cho vào lò sấy đến khi nguyên liệu đạt độ ẩm 10%, rồi chuyển sang dây chuyền ép thành viên nén. Hiện toàn bộ sản phẩm viên nén do cơ sở sản xuất được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Với giá bán 3,3 triệu đồng tấn, đem lại doanh thu hơn 400 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, cơ sở còn tạo việc làm cho 25 lao động tại địa phương, với tiền công từ 10 đến 12 triệu đồng/tháng.
Theo ông Phạm Văn Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng, nguồn nguyên liệu sản xuất viên nén chủ yếu là các phụ phẩm của ngành gỗ như cành, ngọn, gỗ nhỏ, bìa bắp từ gỗ rừng trồng và các đầu mẩu, gỗ thừa... từ các cơ sở chế biến. Việc gia tăng sản xuất mặt hàng này giúp tận dụng nguyên liệu thừa trong các công đoạn chế biến gỗ, góp phần nâng cao giá trị ngành lâm nghiệp, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.
Viên nén gỗ sản xuất chủ yếu dùng để xuất khẩu, trong đó 90% xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu viên nén gỗ trong 10 tháng năm 2022 đạt 568 triệu USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 4,3 lần kim ngạch xuất khẩu viên nén của năm 2016. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dư địa sản xuất và xuất khẩu viên nén hiện còn rất lớn do hiện tại mới có khoảng 15% lượng phụ phẩm được sử dụng để sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu. Trong khi đó, tại 2 thị trường lớn của viên nén gỗ Việt Nam là Hàn Quốc và Nhật Bản, nhu cầu đang tiếp tục tăng do 2 quốc gia này đang chuyển đổi từ điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối.
Các chuyên gia cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ viên nén gỗ trên thế giới sẽ tiếp tục tăng, khoảng 250% trong thập niên tới, đạt 36 triệu tấn (năm 2017 là 14 triệu tấn), với nhu cầu mở rộng chủ yếu tại các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, mùa đông năm nay, nhiều nước châu Âu cũng có nhu cầu rất lớn đối với viên nén gỗ để làm chất đốt do thiếu hụt nhiên liệu trước tác động của xung đột Nga - Ukraine. Đây là cơ hội lớn cho ngành sản xuất và xuất khẩu viên nén của Việt Nam nói chung và của tỉnh Lào Cai nói riêng.
https://baolaocai.vn/bai-viet/362749-bien-phu-pham-lam-san-thanh-hang-xuat-khau