Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc
Đây là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV diễn ra từ ngày 2 - 4/12 trên Đất Tổ Hùng Vương. Những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng của 7 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La không những tạo nên bức tranh toàn cảnh, đa sắc màu tôn vinh giá trị văn hoá độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc mà còn thiết thực giới thiệu, quảng bá đến bạn bè trong nước và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và văn hoá truyền thống của vùng rừng núi kỳ vĩ mà thơ mộng, hoang sơ mà thanh bình, êm ả đến đắm say lòng người…Vùng đất Tây Bắc với thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng là nguồn tiềm năng du lịch rất lớn. Vùng núi cao hiểm trở nhất Việt Nam, Tây Bắc là một khối liền mạch núi sông kéo dài từ Vân Nam (Trung Quốc) được cấu tạo theo hướng Tây Bắc - Đông Nam song song với thung lũng sông Hồng. Từ Đông sang Tây được đánh dấu bởi dãy núi cao Hoàng Liên Sơn dài 180 km có đỉnh Fansipan cao nhất Việt Nam. Xen giữa dãy Hoàng Liên và dải cao nguyên phía Tây là các vùng bồn địa. Vắt dọc Tây Bắc là sông Đà, có tiềm năng lớn về nhiều mặt, góp phần tạo dựng bức tranh Tây Bắc hùng vĩ với nhiều kỳ quan, gắn liền với lịch sử tụ cư của nhiều tộc người ở khu vực này.
Diễn xướng dân gian trong Lễ hội Trò Trám (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ).
Được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, riêng có về địa hình, khí hậu, địa chất, cảnh quan và hệ sinh thái, Tây Bắc có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt với đỉnh Fansipan được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương; Sa Pa trong mây mờ ảo, thơ mộng, khí hậu quanh năm mát mẻ; Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn mê đắm lòng người; danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải gần gũi mà kỳ ảo; hồ Pá Khoang mênh mông giữa vùng thiên nhiên tráng lệ với thảm thực vật phong phú, khí hậu ôn hòa; rừng Mường Phăng là khu bảo tồn tự nhiên với nhiều loại động, thực vật quý hiếm của tỉnh Điện Biên; thung lũng Mai Châu bình yên ngát xanh sắc màu cây cỏ, đồng lúa và xen lẫn những mái nhà nhỏ; cao nguyên Mộc Châu trải dài ngút ngát với những loài hoa nở rất nhiều ở vùng núi Tây Bắc như hoa ban, hoa mận, hoa đào… Tỉnh Phú Thọ với Vườn Quốc gia Xuân Sơn có hệ sinh thái phong phú, độc đáo; đầm Ao Châu (Hạ Hòa) sở hữu thảm thực vật phong phú cùng làn nước trong xanh, sạch sẽ mang thần thái của một bức tranh thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng; đồi chè Long Cốc (Tân Sơn) được ví như “Hạ Long trên cạn”; nguồn nước khoáng nóng Thanh Thủy quý giá…
Cùng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, văn hóa truyền thống của các dân tộc cũng là điểm nổi bật trong tài nguyên du lịch nơi đây. Tây Bắc là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Mường, Mông, Dao, Kinh, Hoa, Khơ Mú, Lào, Lự, Hà Nhì, Kháng, La Hủ, Si La, Phù Lá, Bố Y, Mảng, Giáy, Lô Lô, Pà Thẻn, Phù Lá, Cờ Lao, La Chí… với không gian văn hóa rộng lớn và phong phú. Nhiều dân tộc còn lưu giữ nguyên vẹn bản sắc văn hóa truyền thống của mình trong phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, các điệu dân ca, dân vũ như lễ hội Lồng Tồng, chợ tình Khâu Vai, múa sạp, múa xòe, hát then, nhạc cụ pí cặp, pí sên, khèn môi… hay trong ứng xử cộng đồng, kiến trúc nhà ở, các phiên chợ bản… Ẩm thực Tây Bắc mang những nét đặc trưng, khác biệt hẳn so với các vùng khác với gà mọ, cá suối nướng úp, nộm da trâu, thịt trâu gác bếp, thắng cố… là tiềm năng du lịch hấp dẫn cho những du khách thích khám phá và trải nghiệm.
Cùng với đó là những giá trị văn hóa, lịch sử thiêng liêng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước trải dài hàng nghìn năm của dân tộc như: Các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun, Làng Cả, Xóm Rền… cùng Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt Đền Hùng, Đền Mẫu Âu Cơ… đã khẳng định quá trình hình thành, dựng xây, phát triển của người Việt cổ từ cuộc sống nguyên thuỷ, hoang sơ đến Nhà nước Văn Lang- Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam; Quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; Khu di tích lịch sử Mường Phăng nơi đặt Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Căng và đồn Nghĩa Lộ - nơi đã diễn ra những trận chiến đấu ác liệt và chiến thắng năm 1952 giải phóng Nghĩa Lộ; Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ…
Đất cội nguồn phát tích dân tộc Việt, Phú Thọ có nhiều di tích, di sản văn hóa Quốc gia, được đánh giá là "vùng đất vàng" cho phát triển du lịch. Theo kết quả rà soát tổng kiểm kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 967 di tích văn hóa, lịch sử. Trong đó có 324 di tích được Nhà nước xếp hạng, cụ thể: Một di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 73 di tích cấp Quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh. Có 987 di sản văn hoá phi vật thể, 5 Bảo vật Quốc gia... Khu Di tích lịch sử Quốc gia Đặc biệt Đền Hùng là không gian văn hóa thiêng liêng của dân tộc; hai di sản văn hóa thế giới là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" và "Hát Xoan Phú Thọ" là điểm nhấn để Phú Thọ xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có Vườn Quốc gia Xuân Sơn, mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy, Đền Mẫu Âu Cơ, chùa Tam Giang, Ao Giời - Suối Tiên, đầm Ao Châu... đã tạo cho Phú Thọ nguồn tiềm năng lớn về du lịch, có thể phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, tham quan, nghỉ dưỡng… Cùng với đó, có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội, Phú Thọ là cầu nối giao lưu kinh tế - văn hoá - khoa học kỹ thuật giữa các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh miền núi Tây Bắc. Liên kết để phát triển bền vững, từ năm 2008, mô hình liên kết giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên) đã hình thành để phát triển du lịch bằng Dự án “Cung đường Tây Bắc”, xây dựng tour đi qua những bản làng nghèo nhất cả nước, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào bằng du lịch, hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của cả khu vực. Nhờ đó, du lịch các tỉnh Tây Bắc đã có những bước chuyển biến khả quan. Các chỉ tiêu về khách du lịch, thu nhập du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch, mức đóng góp trong cơ cấu kinh tế… trong khu vực đều đã tăng trưởng khả quan. Nhiều điểm du lịch của các tỉnh Tây Bắc mở rộng được các tạp chí du lịch trong nước và thế giới bình chọn là điểm đến hấp dẫn du khách như: Khu Di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); đỉnh Fansipan (tỉnh Lào Cai); ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang)…
Các tỉnh đã tập trung phát triển nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương như: Sơn La với lễ hội trà Mộc Châu, lễ hội xoài Yên Châu. Yên Bái với chương trình khám phá danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải và du lịch mạo hiểm dù lượn “Bay giữa mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ”. Lào Cai với sản phẩm du lịch “Sắc hoa Tây Bắc”, “Lễ hội hoa đỗ quyên” tổ chức trên khu vực Cáp treo Fansipan. Điện Biên với sản phẩm du lịch quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, lễ hội Thành Bản Phủ, lễ hội đua thuyền đuôi én. Phú Thọ với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn, các tour du lịch Đền Hùng - xã Hùng Lô kết nối với tuyến du lịch Hà Nội - Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang; tour du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy - nghe Hát Xoan đình Đào Xá - tham quan làng nghề Tương Bợ, nuôi cá trên sông Đà; tour du lịch tham quan đồi chè Thanh Sơn, Tân Sơn- Vườn Quốc gia Xuân Sơn kết nối với Mù Cang Chải (Yên Bái), Tà Xùa (Sơn La); sản phẩm du lịch Thanh Thủy kết nối tham quan Khu du lịch K9 Đá Chông; tour du lịch khách quốc tế đường sông…
Diễn ra từ ngày 2 - 4/12 trên quê hương Đất Tổ Hùng Vương, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV quy tụ 7 tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hoá truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Bắc; triển lãm “Đặc trưng văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc”; trưng bày, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Tây Bắc” năm 2022; thi đấu các môn thể thao truyền thống: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, tung còn, tu lu, việt dã…
Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hoá thống nhất, đa dạng, của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, khơi dậy khát vọng, niềm tin, tự hào dân tộc, phát huy tính tích cực, ý thức tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Đây là dịp để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của các địa phương; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh bản sắc văn hoá các dân tộc; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021 đã đề ra. Ngày hội cũng thiết thực tuyên truyền, quảng bá với các doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước về tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Bắc, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tạo động lực đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, đẩy nhanh quá trình xây dựng các khu du lịch trọng điểm của các tỉnh khu vực Tây Bắc…
“Sắc màu văn hoá các dân tộc vùng Tây Bắc” trên quê hương Đất Tổ chắc chắn sẽ mang lại ấn tượng đẹp, trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn cho du khách, bè bạn trong nước và quốc tế, tạo đà cho du lịch các tỉnh vùng Tây Bắc phát triển bền vững.
Nguyễn Đắc Thủy
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ
https://baolaocai.vn/bai-viet/362699-sac-mau-van-hoa-cac-dan-toc-vung-tay-bac