Năm nay (ngày 20/11) là năm thứ 11 Việt Nam cùng thế giới tổ chức các hoạt động tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, với chủ đề trọng tâm là thực thi pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông an toàn để bày tỏ niềm thương xót những người xấu số khi tham gia giao thông và chia sẻ mất mát, chia sẻ gánh nặng với người thân của họ.
Những con số thương đau
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông. Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi.
Còn tại Việt Nam, mặc dù trong những năm qua, tai nạn giao thông luôn được kiềm chế và kéo giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, tuy nhiên, trong 10 tháng năm nay, cả nước vẫn xảy ra hơn 9.200 vụ tai nạn giao thông với hơn 5.200 người chết cùng hơn 6.000 người bị thương tật. Điều đó ảnh hưởng nặng nề đến những thành quả của tăng trưởng kinh tế và làm tổn thương đến hình ảnh một đất nước an toàn, thân thiện trong mắt bạn bè, đối tác.
Tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi thanh thiếu niên từ 15-27 tuổi.
TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết: "Đây cũng là cơ hội để mỗi chúng ta nhắn nhủ tới chính mình, người thân, bạn bè về giá trị không gì so sánh được của cuộc sống. Đồng thời cũng để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trật tự an toàn giao thông như: Đã uống rượu, bia-không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; thắt dây an toàn trên ô-tô, không sử dụng điện thoại khi lái xe; đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường, giữ khoảng cách an toàn; bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông...".
Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam cần nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của thảm họa tai nạn giao thông đối với tiến trình vươn lên của dân tộc, sự phát triển lành mạnh của giống nòi. Đã đến lúc, phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật: Trong mỗi vụ tai nạn giao thông xảy ra, có phần lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và xã hội.
"Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, tự giác nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông để xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn. Và hơn hết, chính mỗi bậc cha mẹ học sinh, mỗi thầy cô giáo, mỗi cá nhân, tổ chức phải làm những tấm gương mẫu mực về thực thi quy định pháp luật về an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng khi tham gia giao thông và luôn nhớ nghĩa vụ bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em. Hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống!", TS Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh.
Đã đến lúc, mỗi người Việt Nam cần nhận thức sâu sắc về tác hại khôn lường của thảm họa tai nạn giao thông đối với tiến trình vươn lên của dân tộc, sự phát triển lành mạnh của giống nòi.
Hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực
Ngoài các hoạt động tuyên truyền, phổ biến rộng rãi mục đích, ý nghĩa của sự kiện tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tổ chức các đoàn thăm hỏi, động viên và có hình thức giúp đỡ thiết thực, phù hợp đối với gia đình các nạn nhân tai nạn giao thông (nhất là gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông có hoàn cảnh khó khăn).
Theo đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết sẽ thành lập hai đoàn công tác đi thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, các nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại một số tỉnh phía bắc và phía nam. Ban An toàn giao thông các địa phương lên danh sách, lựa chọn gia đình các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, nạn nhân tai nạn giao thông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ưu tiên gia đình chính sách, người có công với cách mạng, tổ chức các đoàn thăm hỏi tại địa phương và có hình thức hỗ trợ phù hợp, đúng quy định.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng phối hợp một số đơn vị thực hiện chương trình "Người bạn đường", kết hợp Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2022. Từng địa phương, có thể căn cứ tình hình cụ thể để quyết định việc tổ chức lễ tưởng niệm.
Ủy ban cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo các địa phương yêu cầu tất cả các trường học phổ thông dành một phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vào lễ chào cờ đầu tuần. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường phổ thông trung học, trung học cơ sở trên cả nước phát thông điệp an toàn giao thông trên hệ thống phát thanh của trường vào đầu giờ và giờ tan học trong một tuần, từ ngày 14 đến 20/11/2022.
Ngoài ra, các tổ chức, hội, đoàn thể như mặt trận Tổ quốc, cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên,… cũng được đề nghị chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp ban an toàn giao thông địa phương có các hình thức tổ chức tuyên truyền về an toàn giao thông một cách sáng tạo, ưu tiên sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng và cả không gian mạng xã hội, hạ tầng số để tuyên truyền; tổ chức các đoàn thăm hỏi, có hình thức hỗ trợ các nạn nhân, gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kêu gọi: "Mỗi người Việt Nam, hãy vì sự phát triển bền vững của đất nước, vì sự an toàn của bản thân, hãy tự giác chấp hành các quy định về an toàn giao thông để ngăn chặn thảm họa tai nạn giao thông. Vì sự an toàn trên mọi con đường! Vì hạnh phúc của mọi người! Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại!".
https://nhandan.vn/chung-tay-xay-dung-moi-truong-giao-thong-van-minh-an-toan-post725822.html