Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục

Phát triển giáo dục và đào tạo luôn được Ðảng, Nhà nước ta xác định là quốc sách hàng đầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Ðặc biệt, thời gian qua trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm chăm sóc đặc biệt, ban hành nhiều chủ trương chính sách hữu hiệu, khuyến khích, ưu tiên.

Cô giáo Pơloong Thị Nhun tại lớp học ở điểm trường thôn Atu (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam).

Tuy nhiên, trên thực tế vì nhiều nguyên nhân vẫn còn không ít trong nhóm đối tượng này đang gặp khó khăn trong thực hiện quyền tiếp cận giáo dục. Thực tế này đòi hỏi cần tiếp tục thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện hiệu quả mục tiêu tạo nền tảng vững chắc cho phát triển xã hội và bảo đảm quyền con người.

Quyền tiếp cận giáo dục là một trong những quyền quan trọng, cơ bản của con người, giúp phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi cá nhân. Ðối với trẻ em, quyền được học tập là một trong những quyền tất yếu, được Pháp luật Việt Nam quy định và bảo đảm.

Cụ thể, Ðiều 16 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh”. Thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục cũng là một trong những mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. Ðiều này được khẳng định trong các chính sách ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn nói chung và đối tượng trẻ em ở những khu vực này nói riêng.

Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ban hành ngày 4/11/2013, Ðảng ta khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách”. Trong những năm qua, Chính phủ đã luôn tạo điều kiện để trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp cận giáo dục bằng việc nỗ lực ban hành, hoàn thiện các chính sách nhằm đẩy mạnh xóa mù chữ cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Về tổng thể, hệ thống chính sách phát triển giáo dục nói chung và chính sách pháp luật bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành khá đầy đủ, ngày càng hoàn thiện. Theo thống kê của Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, có khoảng 50 văn bản từ Luật đến quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo liên quan đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm: chính sách ưu tiên tuyển sinh; miễn giảm học phí; trợ cấp xã hội; học bổng hỗ trợ học tập; chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người; chính sách tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, bảo tồn văn hóa của người dân tộc thiểu số, chế độ đối với giáo viên, cán bộ quản lý…

Những chính sách này hoàn toàn phù hợp và thể hiện rõ trách nhiệm của Việt Nam khi là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Bởi Ðiều 28 của Công ước không chỉ yêu cầu các quốc gia thành viên phải thừa nhận quyền của trẻ em được học hành mà còn chỉ rõ, để từng bước thực hiện quyền này trên cơ sở bình đẳng về cơ hội phải: Thực hiện chính sách giáo dục tiểu học bắt buộc, sẵn có và miễn phí cho tất cả mọi người; Khuyến khích phát triển nhiều hình thức giáo dục trung học khác nhau, kể cả giáo dục phổ thông và dạy nghề, làm cho những hình thức giáo dục này sẵn có và mọi trẻ em đều có thể tiếp cận, và thi hành các biện pháp thích hợp như đưa ra loại hình giáo dục miễn phí và cung cấp hỗ trợ tài chính trong trường hợp cần thiết; Dùng mọi phương tiện thích hợp để giúp cho tất cả mọi người, trên cơ sở khả năng của mình, đều có thể tiếp cận với giáo dục đại học; Làm cho những hướng dẫn và thông tin về giáo dục và dạy nghề sẵn có và mọi trẻ em đều có thể tiếp cận được; Có biện pháp khuyến khích việc đi học đều đặn ở trường và giảm tỷ lệ bỏ học. Dựa trên cơ sở này, các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đã được hiện thực hóa dưới nhiều hình thức khác nhau và đạt được những kết quả bước đầu khả quan.

Cụ thể, đã có nhiều mô hình trường học dành cho con em đồng bào các dân tộc, như: trường thanh niên dân tộc, trường vừa học vừa làm, trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú, trường dự bị đại học dân tộc, trường thiếu sinh quân… Hệ thống giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông từng bước được củng cố và phát triển.

Tính đến năm 2020, tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đã đạt đến 90%; tỷ lệ trường học kiên cố tăng từ 77,1% (năm 2015) lên 91,3% (năm 2019); tỷ lệ trẻ em đi học đúng tuổi ở các cấp học đều tăng... Ðây là những thành tựu rất đáng ghi nhận bởi vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm gần 3/4 diện tích tự nhiên cả nước và là nơi cư trú của 53 dân tộc thiểu số với 14,12 triệu người (chiếm 14,7% tổng dân số).

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được hiện vẫn còn không ít khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện quyền tiếp cận giáo dục cho trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi. Thực tế, đây là nhóm đối tượng phải đối diện với rất nhiều trở ngại, tiêu biểu như vấn đề giao thông vì thực tế, các cung đường miền núi vừa xa xôi, hiểm trở lại tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy hiểm. Ngoài ra, trường học nhiều nơi vẫn còn là phòng tạm, thiếu thốn cơ sở vật chất như không có phòng chức năng, thiếu các trang thiết bị công nghệ cơ bản…

Vấn đề bất đồng ngôn ngữ trong quá trình dạy học cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm cơ hội đi học ở nhóm trẻ này, bởi các em còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ lại phải học tiếng phổ thông nên gặp nhiều trở ngại. Từ đây nhiều em nảy sinh tâm lý chán nản, sợ học rồi dẫn đến bỏ học. Bên cạnh đó, nhiều người dân do những khó khăn về kinh tế cộng thêm tư tưởng cổ hủ, trọng nam khinh nữ, ngăn cản không cho con em mình, nhất là các trẻ em gái được đến trường. Những rào cản này khiến việc học tập của các em không chỉ bị gián đoạn mà còn khiến một tỷ lệ nhất định trẻ em không biết chữ, không được đến trường.

Mặt khác, dù hệ thống văn bản pháp luật, chính sách ưu tiên, hỗ trợ giáo dục cho nhóm đối tượng trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi được ban hành khá nhiều nhưng vẫn tồn tại những vấn đề như: chồng chéo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật chưa được rà soát, xử lý kịp thời; việc thực thi giám sát thực thi chính sách liên quan quyền tiếp cận giáo dục của các nhóm đối tượng chưa thực sự hiệu quả; sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan còn lỏng lẻo...

Ðối với trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giáo dục được xem là phương thức hiệu quả nhất đem lại cơ hội phát triển bình đẳng, giúp thay đổi tương lai cho các em. Theo đánh giá của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam), việc không được đến trường không chỉ làm giảm tiềm năng cá nhân của các em mà còn làm tăng các chu kỳ nghèo đói và bất lợi của mọi thế hệ và cả quốc gia.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng của Việt Nam, trẻ em nói chung và trẻ em người dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng không được tiếp cận nền giáo dục có chất lượng, cũng đồng nghĩa với việc đánh mất một nguồn tăng trưởng tiềm năng của đất nước. Không những thế, tình trạng này còn dẫn tới nhiều hệ lụy khác như việc khó hòa nhập giữa các vùng miền, dân tộc, dẫn đến cơ hội để thực hiện quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng sẽ hạn chế hơn.

Thực tế, mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn có khoảng cách đáng kể với các dân tộc đa số khác; tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ vẫn còn khá lớn; tỷ lệ người có trình độ học vấn cao rất thấp... Ðặc biệt trong kỷ nguyên số hiện nay, các việc làm truyền thống dần mất đi nên cơ hội học tập, làm việc ngày càng nhiều thách thức đối với trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi. Do đó, thúc đẩy hơn nữa quyền tiếp cận giáo dục cho nhóm đối tượng này là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ giúp các em được học tập, làm việc bình đẳng mà còn góp phần giảm khoảng cách giàu-nghèo, mang lại cơ hội hòa nhập giữa các vùng miền.

Ðể giải quyết tình trạng nêu trên cần có các giải pháp đồng bộ, cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ban, ngành và hệ thống chính quyền tại địa phương giúp thúc đẩy quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em người dân tộc thiểu số và miền núi đạt được hiệu quả như mong muốn. Song song với việc duy trì thực hiện đầy đủ những chính sách, pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền học tập, cần tiến hành rà soát làm cơ sở bổ sung những điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tiễn; thực hiện cơ chế giám sát, bảo đảm các chính sách, pháp luật được thực thi đúng, đủ, kịp thời.

Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước đáp ứng các yêu cầu về xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất trường, lớp, điểm trường, trường nội trú nhằm cung cấp môi trường học tập an toàn và hiệu quả cho các em; tạo điều kiện cho trẻ em dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ và phương pháp giáo dục hiện đại; nâng cao năng lực giáo viên; rút ngắn rào cản ngôn ngữ.

https://nhandan.vn/thuc-day-quyen-tiep-can-giao-duc-post720426.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...