Quyết tâm cải cách thủ tục hành chính
Cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước.Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh An Giang. (Ảnh HỮU HUYNH)
Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần có đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để thực hiện Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số phục vụ chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành bốn nghị định, 21 nghị quyết, 46 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 106 văn bản chỉ đạo, điều hành, trong đó có các chương trình, chiến lược quốc gia quan trọng.
Nhiều kết quả tích cực
Theo Văn phòng Chính phủ, việc thực hiện cải cách TTHC thời gian qua của Chính phủ, các bộ, ngành đạt nhiều kết quả tích cực. Năm 2021 và tám tháng đầu năm 2022, đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã thống kê, rà soát (đạt tỷ lệ gần 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 12 Luật, 47 Nghị định, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 72 Thông tư và ba văn bản khác).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5.187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm tầng nấc, khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC. Bên cạnh đó, đã phê duyệt Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/ nhóm TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước trên 12 lĩnh vực về ngân sách, đầu tư công, đất đai, giao thông đường bộ…
Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh từng bước được đưa vào vận hành. Đến nay, đã cập nhật 17.687 quy định hiện hành và phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.029 quy định kinh doanh; cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương, từ khi vận hành đến nay đã cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến; đồng bộ trạng thái hơn 129,6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so cùng kỳ năm 2021); hơn 2,7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021). Đồng thời, đã hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 06)…
Người dân đăng ký sử dụng dịch vụ công. (Ảnh TRẦN ĐỨC)
Nỗ lực cải thiện hơn nữa
Theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ, mặc dù đạt nhiều tiến triển tích cực, song TTHC trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, nội vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất nhập khẩu,… còn nhiều rào cản. Còn tình trạng xử lý hồ sơ chậm muộn; chưa quan tâm triển khai cung cấp TTHC trên môi trường điện tử, một số dịch vụ công trực tuyến chưa thân thiện với người dùng, tỷ lệ sử dụng còn thấp, người dân vẫn tới trụ sở để nộp hồ sơ trực tiếp.
Việc triển khai số hóa tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, có nơi còn lúng túng, hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC. Về hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, việc thực hiện gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử còn chưa nghiêm. Một số bộ, cơ quan, địa phương chưa thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành. Công tác chỉ đạo, điều hành chủ yếu dựa trên giấy tờ dẫn đến chưa kịp thời, thiếu chính xác, chưa rõ trách nhiệm giải trình và chưa cá thể hóa được trách nhiệm cá nhân; kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ còn chưa nghiêm…
Những bất cập, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đó là: Thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong tổ chức thực hiện; nhiều bộ, ngành chưa tập trung vào hoạch định chính sách, quản lý vĩ mô mà còn sa vào việc cụ thể, thiếu phân cấp, phân quyền; một số bộ phận cán bộ, công chức thực thi công vụ chưa nghiêm, năng lực, trình độ còn hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị còn thiếu chủ động, chưa chặt chẽ; thiếu các công cụ kỹ thuật số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; các cơ sở dữ liệu còn phân tán, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu “đúng, đủ, sạch, sống”; hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị còn hạn chế...
Để tiếp tục triển khai hiệu quả, tạo đột phá trong cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, cần thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, trong đó tập trung: Thực thi ngay các phương án cắt giảm, đơn giản hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ưu tiên đề xuất áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn; đồng thời, tiếp tục rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa trước ngày 30/9 hằng năm; định kỳ đánh giá, công khai chỉ số nỗ lực cải cách quy định kinh doanh của các bộ, cơ quan…
Văn phòng Chính phủ kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết TTHC, tổ chức thực thi các phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022; tập trung rà soát, đơn giản hóa 59 TTHC/nhóm TTHC nội bộ để nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.
Triển khai hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, trong đó tập trung: Hợp nhất Cổng dịch vụ công với Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành một Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tập trung duy nhất; thực hiện tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, ban hành quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định của Chính phủ; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đánh giá, công khai chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công tại các bộ, ngành, địa phương.
Triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06; tiếp tục hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ, trong đó tập trung ưu tiên: Xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành đã được phê duyệt và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin; thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; thúc đẩy báo cáo điện tử, chuẩn hóa thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành và kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường phát triển, sử dụng các công cụ kỹ thuật số phục vụ chỉ đạo, điều hành, giám sát thực thi.
https://nhandan.vn/quyet-tam-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-post716697.html