Chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” và những câu chuyện truyền cảm hứng
Chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” với độ cao 3.143 m bằng đường mòn là khát khao của nhiều du khách trong và ngoài nước. Với những người bình thường, chạm tay được tới đỉnh cao đó là hành trình vất vả, nhưng những người cao tuổi, người khuyết tật, bệnh nhân ung thư… thì sao? Họ đã chinh phục đỉnh cao không chỉ bằng sức khỏe, mà còn bởi ý chí, quyết tâm và nghị lực phi thường.Hơn 10 năm công tác tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, anh Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên đã đồng hành và chứng kiến hàng nghìn lượt khách leo núi chinh phục đỉnh Fansipan theo hướng xuất phát tại điểm Trạm Tôn. Bằng đó thời gian công tác, cuốn sổ ghi chép nhật ký công việc của anh dày đặc những câu chuyện về kỷ lục chinh phục đỉnh núi cao nhất Đông Dương, về ý chí, nghị lực và quyết tâm của những du khách đặc biệt với khát khao chiến thắng chính mình.
Cụ Huỳnh Văn Ráng, trú tại phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương được xác nhận là người Việt Nam cao tuổi nhất chinh phục thành công đỉnh Fansipan vào ngày 27/6/2014. Năm đó, cụ Ráng 83 tuổi, nhưng chỉ leo hơn 1 ngày để chạm tay tới “Nóc nhà Đông Dương”. Trước đó vào các năm 2007, 2010, 2013, cụ Ráng cũng đã 3 lần chinh phục đỉnh núi này.
Cụ Ráng 83 tuổi, nhưng chỉ leo hơn 1 ngày để chạm tay tới “Nóc nhà Đông Dương”. |
Là người đồng hành với cụ leo núi, anh Minh Đức kể: Dù đã 83 tuổi, nhưng cụ Ráng vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và ý chí, quyết tâm leo núi của cụ rất cao. Khi cụ lên tới đỉnh Fansipan và quay trở về an toàn, cả đoàn đều vô cùng phấn khởi, tự hào về thành tích mà cụ đạt được.
Thành tích của cụ Huỳnh Văn Ráng đã được Vườn Quốc gia Hoàng Liên cấp giấy chứng nhận chinh phục thành công đỉnh Fansipan. Năm 2016, Liên minh Kỷ lục Thế giới (Worldkings) công bố cụ Huỳnh Văn Ráng trong “Top 10 ý chí kỷ lục của người cao tuổi thế giới”.
Chị Hoàng Thị Thanh Thúy, sinh năm 1976, đến từ Hải Phòng bị ung thư tuyến giáp di căn hạch và anh Phạm Ngọc Tú, sinh năm 1983, đến từ Tuyên Quang bị ung thư dạ dày cùng có ước mơ chinh phục được đỉnh Fansipan bằng chính đôi chân của mình. Hành trình dự kiến diễn ra trong 3 ngày, tuy nhiên thật bất ngờ 2 bệnh nhân chỉ mất thời gian 2 ngày để hoàn thành chuyến đi.
Niềm vui của 2 bệnh nhân ung thư chạm tay tới "Nóc nhà Đông Dương". |
Hoàn thành mơ ước trên cả dự kiến, không chỉ 2 bệnh nhân mà các bác sỹ của Bệnh viện Bạch Mai cùng tham gia leo núi cũng vô cùng bất ngờ. Mặc dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng 2 bệnh nhân đã rất nỗ lực và luôn thể hiện quyết tâm chinh phục đỉnh cao trong suốt chuyến đi.
Điều đặc biệt, trước đó bệnh tình của 2 anh chị từng tiến triển xấu nhưng sau chuyến đi, đến nay sức khỏe của cả 2 bệnh nhân vẫn khá ổn và đang điều trị, chiến đấu với căn bệnh quái ác.
Anh Minh Đức chia sẻ: Hiện, tôi vẫn giữ liên lạc qua điện thoại và thường xuyên trò chuyện với chị Thúy qua facebook. Chị Thúy tâm sự: Chúng tôi rất mừng vì sau chuyến leo núi sức khỏe của cả 2 đều có tiến triển tốt. Đặc biệt, về mặt tâm lý, cả 2 đều có thêm nghị lực, suy nghĩ tích cực và vui vẻ hơn.
Ngày 17/11/2019, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã chứng nhận và trao giấy vinh danh cho anh Đoàn Bảo Ngọc, sinh năm 1993, đến từ Hà Nội. Anh Ngọc mắc bệnh phù chân voi và mọt xương từ năm 3 tuổi. Đến năm 19 tuổi, anh phải cắt bỏ chân trái của mình và bắt đầu cuộc sống chỉ với một chân còn lành lặn. Bằng nghị lực, quyết tâm và ý chí của mình, anh Ngọc cùng 2 người bạn đã chinh phục thành công đỉnh Fansipan.
Bằng nghị lực, quyết tâm và ý chí của mình, anh Ngọc đã chinh phục đỉnh Fansipan bằng 1 chân. |
Khâm phục hơn khi thời gian chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” của Bảo Ngọc khoảng 9 giờ đồng hồ, tương đương với thời gian của những đoàn khách bình thường leo Fansipan. Suốt hành trình leo núi, anh gần như tự nhảy đi bằng 1 chân, không cần sự hỗ trợ của hướng dẫn viên và những người bạn trong đoàn.
Giải leo núi Chinh phục đỉnh Fansipan lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007. Sau đó, giải được tổ chức thường niên, thu hút hàng trăm vận động viên trong và ngoài nước tham gia. Đến thời điểm hiện tại, kỷ lục leo nhanh nhất thuộc về vận động viên Hạng A Pờ được xác lập năm 2012, với thành tích 1 giờ 35 phút. Hạng A Pờ, dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên tại Sa Pa, không phải vận động viên điền kinh mà là hướng dẫn viên leo Fansipan chuyên nghiệp. Anh đã gắn bó với công việc gùi đồ, hướng dẫn khách leo núi từ nhiều năm. Sau khi kỷ lục được lập, Hạng A Pờ tiếp tục nhiều lần vô địch ở giải leo núi này.
Đến thời điểm hiện tại, kỷ lục leo nhanh nhất thuộc về vận động viên Hạng A Pờ được xác lập năm 2012, với thành tích 1 giờ 35 phút. |
Mùa giải năm đó, anh Minh Đức tham gia với vai trò trọng tài và đón các vận động viên tại chặng thứ 9. Anh vô cùng ngạc nhiên khi một mình Hạng A Pờ “độc hành” trên một cung đường, bỏ xa các vận động viên khác.