Lào Cai: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững

Hiện nay, Lào Cai là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể với 33 di sản, trong đó có 02 di sản được UNESCO ghi danh vào Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ðây chính là lợi thế, tiềm năng về du lịch để địa phương có thể “Biến di sản thành tài sản” trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng.

Trong những năm qua, du lịch Lào Cai đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ, đang dần trở thành lĩnh vực đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Lào Cai đạt khoảng 1.718.022 lượt; Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 6.002 tỷ đồng, tăng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có thể khẳng định, doanh thu của du lịch cộng đồng đóng góp không hề nhỏ trong tổng doanh thu chung của du lịch tỉnh Lào Cai. Tính trung bình, các điểm du lịch cộng đồng đón trên 1 triệu lượt khách/năm (trong đó khách lưu trú chiếm 10%) chiếm gần 1/5 tổng lượng khách du lịch của tỉnh Lào Cai.

Đến nay, Lào Cai đã trở thành điểm đến du lịch cộng đồng yêu thích của khách du lịch. Thống kê cho thấy, Lào Cai đã có trên 20 tuyến điểm du lịch cộng đồng tại: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên... Từ việc phát huy lợi thế về các tuyến điểm du lịch và việc hình thành các tuyến đi bộ hấp dẫn tại Sa Pa, Bắc Hà... Lào Cai đã xây dựng và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch cộng đồng với tên gọi "Một ngày làm cô dâu người H’mông", "Một ngày làm nông dân người Dao", thi nấu rượu, thi dệt thổ cẩm với du khách…

Nhiều sự kiện quy mô cấp quốc gia và quốc tế được tổ chức thành công, đặc biệt đã hình thành các sự kiện văn hóa, thể thao nổi tiếng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, như: giải Marathon vượt núi quốc tế (Viet Nam Moutain Marathone) “Festival Tinh hoa Tây Bắc, Festiaval cao nguyên trắng Bắc Hà “Vó ngựa cao nguyên trắng Bắc Hà”, Lễ hội tuyết Sa Pa, Lễ hội mùa thu Y Tý, Lễ hội hoa hồng và thổ cẩm, tái hiện Chợ tình Sa Pa, vó ngựa trên mây,… đã đưa Lào Cai trở thành điểm đến ưa thích của du khách trong nước và quốc tế.

Homestay Y Tý đại ngàn (Bát Xát) thu hút khách du lịch đến nghỉ dưỡng.

Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai không những góp phần bảo tồn nền văn hóa bản địa, mà còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương. Trước hết, du lịch góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các chuỗi du lịch. Thống kê cho thấy, tại Lào Cai hơn 350 hộ gia đình dân tộc thiểu số tham gia kinh doanh lưu trú tại gia. Lào Cai được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch ghi nhận là địa phương đứng đầu cả nước về phát triển hiệu quả mô hình du lịch cộng đồng homestay, phổ biến tại các xã: Tả Van, Tả Phìn (thị xã Sa Pa), Ý Tý (huyện Bát Xát), Tà Chải, Na Hối, Bản Phố, Tả Van Chư, Bản Liền (huyện Bắc Hà), Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên). Đặc biệt, người Dao ở các xã Tả Phìn, Tả Van, Nậm Cang... (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) đã chuyển từ độc canh cây lúa sang làm du lịch.

Du lịch cộng đồng tại Lào Cai ngày càng thu hút được sự quan tâm của du khách và góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống cho cộng đồng các dân tộc tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, hình thành một số thương hiệu sản phẩm không chỉ tạo công việc làm, tăng thu nhập cho địa phương mà còn góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Việc mở rộng hoạt động du lịch đến các làng bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phục hồi và phát triển của một số nghề truyền thống và các phong tục và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa các dân tộc. Cụ thể: sản phẩm thủ công truyền thống có thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc...; ẩm thực dân tộc: Thắng cố, Xôi bảy màu, Lạp sườn, Tương ớt, gạo Séng Cù, gà thuốc.... các hoạt động văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống cũng dần thu hút được sự tham gia của du khách và các đơn vị lữ hành, góp phần quảng bá trực tiếp cho các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển du lịch Hà Lan, mặc dù Lào Cai có những nguồn lực du lịch ấn tượng và xu hướng thị trường tốt, song vẫn chưa phát huy hết các giá trị văn hóa dân tộc để phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng. Ngoài một số ít những điểm du lịch đã được xây dựng, đến nay việc khai thác và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng diễn ra trên địa bàn Lào Cai rất chậm và chưa khai thác được hết tiềm năng, thế mạnh.

Thực trạng này đòi hỏi trong thời gian tới Lào Cai cần đẩy mạnh phát triển du lịch đồng gắn với gìn giữ cảnh quan tự nhiên, sự đa dạng sinh học, những nét văn hóa bản địa đặc sắc và bảo vệ được môi trường cần xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách. Thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng là sản phẩm thu hút 70% sự quan tâm của du khách nước ngoài khi đến Lào Cai. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, hàng loạt các homestay truyền thống ở thôn, bản hoạt động cầm chừng.

Do đó, cần quan tâm xây dựng và nhân rộng sản phẩm mới chất lượng, giá thành hợp lý, bắt đúng nhu cầu thị hiếu khách hàng phục vụ du khách như: Đồi hoa tím của Fansipan, các homestay Swing Sa Pa, Y Tý Ecologe... Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, phát hiện để có thể mở thêm các tuyến du lịch hấp dẫn ở vùng sâu, vùng xa, kết hợp với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo của bà con dân tộc thiểu số; duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao nhằm hướng tới việc khôi phục, bảo tồn nét văn hóa địa phương, đồng thời khai thác văn hóa vào phát triển du lịch.

Hà Phương

Tin Liên Quan

Đầu tư phát triển du lịch tâm linh

Du lịch tâm linh là xu hướng phổ biến hiện nay. Nhu cầu du lịch tâm linh của người dân Lào Cai nói riêng và cả nước nói chung trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển.

Hầu Thào – Nơi Sa Pa còn giữ vẻ đẹp nguyên sơ nhất

Có một nơi được gọi là “nơi Sa Pa còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ nhất”. Nơi những thửa ruộng bậc thang như kiệt tác ẩn hiện giữa mây trời, nơi những bản làng người Mông mộc mạc, chân tình, nơi bản sắc văn hóa độc đáo của người Mông có “sức hút” rất lớn với du khách trong nước, quốc tế. Và...

Giàng A Cấu – chàng trai người Mông làm du lịch cộng đồng

Giàng A Cấu là người dân tộc Mông xã Hầu Thào (nay là xã Mường Hoa) thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Để có tiền phụ giúp gia đình, A Cấu rong ruổi theo mẹ đi bán hàng thổ cẩm trên thị trấn. Bằng sự nhạy bén trong tư duy, anh thấy khách “Tây” rất thích theo người Mông đi về bản để tìm hiểu, trải nghiệm cuộc...

Phát triển mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp

Thời gian gần đây, tổ hợp lưu trú, ẩm thực kết hợp với trải nghiệm vườn mang tên O’Châu homestay tại thôn Thào Hồng Dến, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa thu hút đông du khách. Đặc biệt, nơi đây thường xuyên đón học sinh của các trường học, các gia đình có con nhỏ tới tham quan, trải nghiệm.

Khách du lịch đến Lào Cai đạt hơn 256 nghìn lượt trong 5 ngày nghỉ lễ

Trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ, tổng lượng khách du lịch đến Lào Cai ước đạt 256.485 lượt (trong đó khách du lịch nội địa là 240.166 lượt, khách quốc tế đạt 16.319 lượt), tăng 13% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 857 tỷ đồng, tăng 20% so với kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Khai mạc Lễ hội mùa hè “Sa Pa - Xứ sở của tình yêu"

Tối 27/4, tại sân quần thị xã Sa Pa đã khai mạc Lễ hội mùa Hè Sa Pa năm 2024 với chủ đề "Sa Pa - Xứ sở của tình yêu". Đây là một trong năm lễ hội thường niên đã trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng mang bản sắc và thương hiệu riêng có của thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai.