“Sa Pa lặng lẽ yêu”

Đó là tên vở diễn thực cảnh, một sản phẩm du lịch văn hóa lần đầu tiên tổ chức thử nghiệm tại thị xã Sa Pa vào dịp Festival Tinh hoa Tây Bắc với chủ đề “Kết nối khát vọng xanh”, do chính người dân và các nghệ nhân người Mông tại địa phương thực hiện.

“Sa Pa lặng lẽ yêu” - “The Mong Show” là vở diễn thực cảnh tái hiện nét đẹp văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và thói quen sinh hoạt hằng ngày trong đời sống người Mông ở Lào Cai. “Ban tổ chức mong muốn đưa du khách hòa mình vào không gian sinh hoạt - văn hóa của người Mông. Từ đó, cảm nhận cuộc sống bình dị, sự huyền bí về đời sống tâm linh, nét tinh túy trong kỹ thuật rèn đúc, chạm khắc bạc; tìm hiểu về nghệ thuật se lanh, dệt vải thổ cẩm, nghề nấu rượu, nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, cộng đồng; đặc biệt là sự lãng mạn của tình cảm lứa đôi; những thanh âm của núi rừng, kèn lá, kèn môi hòa quyện với lời giao duyên trên nền dân ca thay cho lời của trái tim… Tất cả tạo nên một tình yêu bất diệt, dù nảy nở trong lặng lẽ, âm thầm, trong sương mây, nhưng mạnh mẽ và diệu kỳ, trở thành ngọn nguồn sức mạnh để người dân Sa Pa dựng xây quê hương, đất nước”, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, tác giả của vở diễn “Sa Pa lặng lẽ yêu” cho biết.  

Vở diễn sẽ được thể hiện vào 20 giờ ngày 27/8, tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch (số 2 đường Fansipan, phường Sa Pa, thị xã Sa Pa).  Thời điểm này, vở diễn đang trong quá trình gấp rút hoàn thiện, với nhiều phần việc, như tạo bối cảnh giới thiệu một số điểm đến đặc sắc của Lào Cai, gồm thác Bay (Liêm Phú, Văn Bàn), bãi đá cổ Sa Pa, Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà)…; dàn dựng 5 hoạt cảnh tái hiện: Nghi lễ cúng của người Mông; nghề rèn và chạm khắc bạc, nghề dệt; bếp nấu thắng cố - rượu ngô; chợ tình; hát đồng ca tiếng Mông…

Ban tổ chức đã phối hợp với nhiều nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu văn hóa và đơn vị thi công để tạo nên những sản phẩm, dụng cụ, đồ dùng… sao cho vừa đảm bảo phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của người dân nơi đây, vừa là lựa chọn đắt giá, chính xác, phù hợp với phối cảnh thực tế của vở diễn. 

“Để chuẩn bị cho vở diễn này, tôi đã lên ý tưởng từ cách đây hơn 1 năm. Mọi thứ đều được chuẩn bị, sắp xếp và bố trí chu đáo, cẩn thận. Ví dụ như để tái hiện bãi đá cổ Sa Pa ngay tại không gian thực địa của vở diễn, tôi đã phối hợp với các nhà chuyên môn và đơn vị thi công nghiên cứu chính xác từng chi tiết được chạm khắc trên viên đá cổ và tạo hình với kích thước như ngoài thực tế nhằm giúp du khách khi tới đây tham quan, trải nghiệm sẽ được tìm hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn những câu chuyện huyền bí về Sa Pa ở đó; hay khung cửi dệt vải bên hiên nhà sàn; bếp nấu thắng cố với hàng ngô phơi treo trên gác… tạo cảm giác gần gũi, thân quen mà hấp dẫn, thú vị cho bất cứ ai dù là lần đầu hay đã từng nhiều lần tới Sa Pa có thể cảm nhận được”, ông Hà Văn Thắng tâm sự.

Không dễ để có thể thực hiện được vở diễn thực cảnh này, bởi ngoài việc cần truyền đạt được đầy đủ, trọn vẹn ý tưởng với những người tham gia thì việc tìm diễn viên là một thách thức không nhỏ. Hàng chục diễn viên không chuyên, chính là những người Mông đang sống, học tập và làm việc tại Sa Pa đã được tuyển chọn tham gia chương trình. Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Hằng, giảng viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội là biên đạo cho các nội dung mang tính nghệ thuật của vở diễn. Từ nhiều ngày nay, chị đã có mặt tại Sa Pa để cùng với các diễn viên hòa mình vào từng giai điệu sống động và biến những ý tưởng thành các màn vũ đạo đẹp mắt trên cơ sở dân ca, dân vũ truyền thống của người Mông. 

“Em tham gia phần đồng ca và hoạt cảnh nấu thắng cố. Em rất vui vì được tham gia chương trình, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”, Châu Thị Sung, ở tổ 2, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa hào hứng.

Điều đặc biệt của vở diễn “Sa Pa lặng lẽ yêu” - “The Mong Show” còn là toàn bộ âm thanh thể hiện trong chương trình đều là nhạc “sống”, được tạo ra từ những nhạc cụ dân tộc và vật dụng trong cuộc sống hằng ngày của người Mông, như tiếng mài dao, xúc xắc, tiếng gõ búa rèn sắt, chạm khắc bạc, kèn lá, kèn môi…

Nhạc sĩ Mạnh Tiến, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long Hà Nội chia sẻ: Ngay khi nhận được kịch bản và nắm được ý tưởng của Ban tổ chức, tôi cảm thấy rất tâm đắc với vở diễn này và muốn góp sức tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chân thực nhất. Với tôi, đây không đơn thuần là công việc, mà còn là trách nhiệm của nghệ sĩ trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Sau chương trình này, tôi sẽ tiếp tục gắn bó với Sa Pa - Lào Cai thêm nhiều vở diễn tương tự của các dân tộc khác.

Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch, khi thực hiện vở diễn, yêu cầu đặt ra là mọi thứ phải đảm bảo thật tĩnh lặng đúng như tên gọi “Sa Pa lặng lẽ yêu”. Trong bán kính 500 m đều dừng mọi âm thanh ồn ào, tắt mọi loại đèn điện lòe loẹt, sẽ chỉ có những ánh sáng từ bếp lửa, đèn dầu và âm thanh từ các đạo cụ của chương trình. Do đó, Ban tổ chức rất cần sự phối hợp của người dân và du khách để vở diễn thành công.

Theo kế hoạch, “The Mong Show” chỉ là 1 trong 5 vở diễn mà Ban tổ chức muốn thực hiện và duy trì hoạt động hằng tuần hoặc hằng tháng, mỗi lần sẽ là một show của các dân tộc khác nhau, như Dao, Tày, Giáy, Xá Phó. Các show sẽ luân phiên tổ chức với hy vọng du khách sẽ cảm nhận và hồi tưởng lại Sa Pa xưa - một Sa Pa từng hoang sơ, mộc mạc, lặng lẽ mà huyền bí, diệu kỳ và ẩn chứa nhiều vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ, điều mà du khách khó có thể tìm thấy hay cảm nhận ở Sa Pa hiện tại. Sản phẩm hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm mới lạ, độc đáo và ấn tượng chưa từng có khi đến du lịch tại Sa Pa - Lào Cai.

Theo Hoàng Thương/Báo lào Cai điện tử (https://baolaocai.vn/bai-viet/359820-sa-pa-lang-le-yeu)

Theo baolaocai.vn

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...