Nâng tầm vị thế Lào Cai

Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng sẽ đưa Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên của vùng Tây Bắc hội tụ đầy đủ các loại hình giao thông (đường bộ - đường thủy - đường sắt - đường hàng không). Điều này cũng giúp nâng tầm vị thế Lào Cai trở thành cầu nối quan trọng trong Tiểu vùng sông Mê Công, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc).

Với vị trí địa lý chiến lược, từ khi thực dân Pháp chiếm đóng LaoKay, ngoài phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt để tăng cường khai thác thuộc địa, họ đã rất quan tâm đến phát triển đường hàng không. Chính vì thế, thực dân Pháp đã tìm những vị trí phù hợp để xây dựng sân bay. Dù rằng các sân bay này mới chỉ được xây dựng đơn giản, đủ để các máy bay quân sự, dân sự hạng nhẹ thời đó cất, hạ cánh nhưng đã góp phần quan trọng trong việc vận chuyển.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo tỉnh Lào Cai kiểm tra thực địa phương án thi công Cảng Hàng không Sa Pa.

Từ khi tỉnh Lào Cai được tái lập, với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, du khách từ Lào Cai đi các tỉnh, ra quốc tế và ngược lại tăng cao, cần thực hiện trong thời gian ngắn, vì vậy việc xây dựng một sân bay xứng tầm là vô cùng cần thiết, đó cũng là khát vọng của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Mô hình đài không lưu và khu nhà ga đi Cảng Hàng không Sa Pa.

Khi lật giở những trang sử của tỉnh Lào Cai sau 30 năm tái lập, chúng tôi bất ngờ trước một sự kiện rất ý nghĩa, bởi đúng vào năm đầu tiên tái lập tỉnh 1991, Chính phủ Việt Nam và các nước trong Tiểu vùng sông Mê Công đã thống nhất xây dựng chương trình hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). GMS là chương trình hợp tác hoàn chỉnh nhất trong hợp tác Tiểu vùng Mê Công, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, du lịch, thương mại - đầu tư, phát triển nguồn nhân lực và môi trường. Đặc biệt, tháng 5/2004, trong chuyến thăm Trung Quốc, khi hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó đã đưa ra đề nghị: Việt Nam và Trung Quốc hợp tác xây dựng hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Sáng kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tán thành và ngay trong bản thông báo chung, hai bên nhất trí thành lập Tổ công tác thuộc Ủy ban hợp tác kinh tế liên chính phủ để xúc tiến triển khai. Cũng từ đây, cái tên Lào Cai được nhắc đến nhiều với vai trò cầu nối, bởi hội tụ đủ các yếu tố quan trọng, trong đó giao thông được đặt lên hàng đầu và đường hàng không là cầu nối ngắn nhất.

Tổng quan khu nhà ga đi và đến Cảng Hàng không Sa Pa.

Đúng 30 năm sau ngày tái lập tỉnh, sự mong mỏi của người dân Lào Cai đã vỡ òa trong niềm vui khi ngày 21/10/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1773 về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Xây dựng nhận định: Việc đầu tư xây dựng một cảng hàng không tại Lào Cai là rất cấp thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Cảng hàng không Sa Pa hoàn thành sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng và các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc nói chung. Đây sẽ là đột phá về hạ tầng giao thông, kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng với cả nước và quốc tế; tạo đột phá và không gian mới để phát triển thương mại, du lịch - dịch vụ của khu vực.

Các hạng mục của Cảng Hàng không Sa Pa được thiết kế hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc đất và người Lào Cai.

Tại buổi làm việc với Hội đồng thẩm định quốc gia về tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 2 - xây dựng Cảng Hàng không (giai đoạn 1) thuộc Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đã khẳng định: Việc sớm triển khai đầu tư xây dựng Dự án Cảng Hàng không Sa Pa có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Lào Cai và vùng Trung du, miền núi phía Bắc, góp phần cụ thể hóa triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển tỉnh Lào Cai thành cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.  Cùng với đó, Cảng Hàng không Sa Pa sẽ là cầu nối quan trọng để phát triển thương mại, du lịch - dịch vụ, đồng thời là giải pháp thu hút, phát triển ngành du lịch của tỉnh.

Khu tái định cư Cảng Hàng không Sa Pa đang được xây dựng.

Cảng Hàng không Sa Pa là sân bay thứ 2 trên toàn quốc được Chính phủ giao cho địa phương thực hiện. Ngay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Lào Cai tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Hoàn thành quy hoạch chi tiết xây dựng các khu chức năng Cảng hàng không trình Cục Hàng không Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc thẩm định hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư; xây dựng các khu tái định cư, tổ chức giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác trước năm 2025.

Cảng Hàng không Sa Pa dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2025.

Tỉnh Lào Cai đã ưu tiên cân đối 1.200 tỉ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng dùng chung thuộc Dự án Cảng Hàng không Sa Pa. Đặc biệt, việc thống kê, bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí sắp xếp tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng được tỉnh Lào Cai triển khai sớm. Đến nay, dự án đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng 295,2 ha để thực hiện giai đoạn I của dự án, với hơn 600 hộ, cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng (khoảng 3.500 nhân khẩu), trong đó 450 hộ phải di chuyển, tổng kinh phí thực hiện 532 tỷ đồng.

Dự kiến thời gian xây dựng và vận hành khai thác Cảng Hàng không Sa Pa là 50 năm (gồm thời gian xây dựng 4 năm, thời gian khai thác và thu hồi vốn 46 năm). Cảng hàng không Sa Pa hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ là động lực rất lớn, có ý nghĩa lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, tạo động lực mạnh mẽ trong liên kết vùng và quốc tế, sớm đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và của cả nước.

Nội dung: Phạm Vũ Sơn

Trình bày: Ngọc Luyến

https://baolaocai.vn/bai-viet/359788-nang-tam-vi-the-lao-cai

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.