Phát huy lợi thế gắn với liên kết vùng để thu hút đầu tư
Với vị trí là trung tâm kết nối dọc của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối ngang Đông - Tây giữa các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc, Lào Cai đã và đang phát huy tốt vai trò “cầu nối” kinh tế, văn hóa, mở ra không gian phát triển rộng lớn và đầy tiềm năng cho vùng và cả nước.Lào Cai có nhiều điểm mạnh và lợi thế so sánh đặc biệt, riêng có trong liên kết vùng và thu hút đầu tư. Trước hết, Lào Cai là tỉnh biên giới duy nhất cả nước có thành phố tỉnh lỵ giáp biên giới, giữ vị trí “cửa ngõ xung yếu”, là “phên dậu” vững chắc cho Tổ quốc, là “tiền đồn” trong các hoạt động đối ngoại. Việc xây dựng Lào Cai trở thành vùng biên giới hòa bình là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Đầu tư chế biến sâu khoáng sản, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. |
Lào Cai nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc, đường biên tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Với vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, có thể nói Lào Cai có đủ điều kiện trở thành trung tâm động lực liên kết vùng; là trung tâm kinh tế, đối ngoại trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; là trung tâm trung chuyển giữa các tỉnh của Việt Nam, ASEAN với thị trường Vân Nam và vùng Tây Nam của Trung Quốc.
Tài nguyên tự nhiên phong phú - tiềm năng để phát triển du lịch. |
Lào Cai cũng là tỉnh duy nhất trong toàn quốc có đầy đủ các loại hình giao thông kết nối với biên giới ngay tại trung tâm tỉnh lỵ. Đó là, kết nối dọc: Nằm trên tuyến đường ngắn nhất nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ra cảng biển; đường bộ với Quốc lộ 70 và đường cao tốc kết nối Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hải Phòng; đường thủy với sông Hồng chảy dọc miền Bắc, sông lớn thứ 2 trong cả nước sau sông Mê Kông; đường sắt Lào Cai - Hà Nội được xây dựng cách đây hơn 100 năm, đang nghiên cứu nâng cấp lên khổ 1.435 mm để kết nối với tuyến đường sắt Côn Minh - Hà Khẩu (Trung Quốc) sang Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (cảng biển). Về kết nối ngang, Lào Cai nằm ở điểm giữa Quốc lộ 279 - tuyến đường huyết mạch liên tỉnh nối các tỉnh miền núi phía Bắc là Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên. Đoạn cuối Quốc lộ 279, từ chỗ giao với Quốc lộ 6 đến Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang là một phần của đường xuyên Á AH 8990. Chính phủ đang dự kiến đầu tư đường kết nối các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Tuyên Quang vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Về kết nối mọi miền đất nước và quốc tế: Dự án Cảng Hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư (Quyết định số 1773 ngày 21/10/2021) và tỉnh Lào Cai đang quyết liệt tập trung triển khai, với quy mô tiêu chuẩn là sân bay dân dụng cấp 4C, công suất trên 1,5 triệu hành khách/năm; dự kiến đến năm 2024 hoàn thành (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng, đến năm 2025 tiếp tục hoàn thiện các hạng mục của dự án đạt công suất tối thiểu 3 triệu hành khách/năm, định hướng là Cảng Hàng không quốc tế. Cảng Hàng không Sa Pa được đầu tư xây dựng có tác động rất tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, của vùng và cả nước; có thể kết nối Cảng Hàng không Sa Pa với trung tâm kinh tế lớn của miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, như Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang, Buôn Mê Thuột, Pleiku, Phú Quốc... đáp ứng nhu cầu kết nối với một số sân bay quốc tế. Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai với diện tích gần 16.000 ha, nằm dọc toàn bộ chiều dài biên giới, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 8 khu kinh tế đầu tư trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025.
Lào Cai là cầu nối trong hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hoá.
Lào Cai là điểm kết nối có vị trí lợi thế so sánh đặc biệt về giao thương với tỉnh Vân Nam và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam là đối tác có quan hệ thương mại hàng đầu trong 10 nước ASEAN với Vân Nam.
Tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối Côn Minh và cả vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc đến cảng biển là qua tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (qua Cửa khẩu Lào Cai). Hiện nay, phía Trung Quốc vận chuyển chủ yếu qua tuyến Côn Minh - cảng Phòng Thành bằng đường cao tốc dài 934 km, một phần là do hiện nay tuyến cao tốc Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng năng lực vận chuyển chưa đạt yêu cầu; hạ tầng cửa khẩu, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện (Cửa khẩu Kim Thành hiện nay chưa phải là điểm đấu nối vào cao tốc bên phía Vân Nam); chi phí logistics qua Lào Cai còn cao, đặc biệt là chi phí vận tải. Nếu được đầu tư hoàn thành khu kinh tế cửa khẩu, nâng cấp đường cao tốc đoạn Lào Cai - Yên Bái lên 4 làn xe, cùng với cơ chế thúc đẩy nhanh thủ tục thông quan và các chính sách ưu đãi thì tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ là tuyến vận chuyển từ Côn Minh ra biển Đông có chi phí rẻ nhất, quãng đường ngắn nhất, thời gian vận chuyển ngắn nhất.
Tuyến đường sắt khổ 1.435 mm khi được đầu tư hoàn thành sẽ là lợi thế đặc biệt trong triển khai dịch vụ logistics nhằm nâng cao năng lực vận tải với chi phí logistics rẻ nhất. Hiện nay, tuyến đường sắt tốc độ cao Côn Minh - Thượng Hải đã thông xe toàn tuyến, tạo động lực phát triển lớn cho Vân Nam, đã và đang từng bước thiết lập được một tuyến đường sắt liên Á từ Côn Minh (Trung Quốc) đến Singapore. Vì vậy, việc tiếp tục xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai theo chuẩn quốc tế khổ 1.435 mm đáp ứng khả năng liên vận quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc) sẽ tạo động lực lớn cho phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam dọc tuyến đường sắt, đường cao tốc và đường thủy sông Hồng. Trước mắt cần đầu tư đoạn đường sắt khổ lồng 1.435 mm/1.000 mm kết nối ga Bắc Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) - ga Lào Cai (Việt Nam) phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa từ Vân Nam - Hà Nội - cảng Lạch Huyện (Hải Phòng).
Tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai góp phần thúc đẩy hoạt động giao thương trong nước và quốc tế. |
Cùng với đó, Lào Cai còn có nhiều lợi thế so sánh đặc biệt khác, thuận lợi cho kết nối vùng và thu hút đầu tư. Đó là, khu du lịch quốc gia Sa Pa, đỉnh Fansipan - “Nóc nhà Đông Dương” là địa danh du lịch cả thế giới biết đến; có các điểm du lịch nhiều tiềm năng để trở thành các khu du lịch, như Bắc Hà, Y Tý (Bát Xát); trong khi đó thành phố Lào Cai (thành phố giáp biên giới) là điểm đến đầu tiên, dừng chân hấp dẫn có vai trò kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh. Vì vậy việc phát triển du lịch được Lào Cai lựa chọn là lĩnh vực “mũi nhọn” trong thời gian tới. Dãy Hoàng Liên Sơn là khu dự trữ sinh quyển, sinh thủy của nhiều con sông lớn (sông Hồng, sông Đà), Vườn Quốc gia Hoàng Liên được công nhận là Vườn Di sản ASEAN, với nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Thổ nhưỡng phong phú, địa hình chia cắt mạnh tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu, đó là lợi thế để Lào Cai phát triển sản xuất loại nông sản có giá trị kinh tế cao, đặc hữu, như dược liệu, rau, hoa, cây ăn quả ôn đới, chè vùng cao, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
Lào Cai giàu tài nguyên khoáng sản, có 35 loại khoáng sản khác nhau với hơn 150 điểm mỏ có giá trị công nghiệp, trong đó có nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao, trữ lượng lớn hàng đầu Việt Nam, như apatit, sắt, đồng, graphit, đất hiếm... Hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc tạo ra lợi thế cho Lào Cai trong phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
Phát triển du lịch là một trong hai đột phá của Lào Cai. |
Để khai thác lợi thế so sánh đặc biệt, cũng như các điều kiện “riêng có” cho sự phát triển của cả vùng, Lào Cai xác định sẽ tập trung điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành, lĩnh vực kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Xây dựng Lào Cai thành một trong những trung tâm logistics quan trọng của cả nước, bảo đảm Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ logistics đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc, trong đó “cao tốc Nội Bài - Lào Cai là trục kết nối; Cảng Hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển; tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng”. Xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước, trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước. Phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước, nhất là các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của vùng và cả nước (apatit, đồng, sắt). Phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, phát triển kinh tế gắn với vai trò “phên dậu’’ quốc gia; từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Nội dung: Thanh Nam
Trình bày: Ngọc Luyến
https://baolaocai.vn/bai-viet/359833-phat-huy-loi-the-gan-voi-lien-ket-vung-de-thu-hut-dau-tu