Trao truyền những giá trị văn hóa cho thế hệ sau.
Chính vì vậy, đây cũng là lĩnh vực các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài thường xuyên tìm cách triệt để lợi dụng để thực hiện những mưu đồ chính trị đen tối.
Trong suốt tiến trình lịch sử của dân tộc, văn hóa luôn là lĩnh vực gắn bó mật thiết, song hành cùng Tổ quốc, nhân dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ nền độc lập tự do, xây dựng cuộc sống mới. Là lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm, tinh tế, văn hóa góp phần cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân vượt qua những khó khăn, trở ngại để sống, cống hiến, hy sinh cho những mục tiêu, lý tưởng cao đẹp; bảo vệ lẽ phải, sự công bằng. Đồng thời, những sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật còn là những vũ khí sắc bén để lên án, tố cáo cái xấu, cái ác, cái bạo tàn, đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Nhận thấy sức mạnh của văn hóa, mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị, xã hội, các thế lực thù địch, phản động không ngừng tìm mọi biện pháp, thủ đoạn để ngăn chặn, chống phá, tìm cách can dự vào các hoạt động của văn nghệ sĩ, trí thức. Chúng tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo một số văn nghệ sĩ có tư tưởng dao động, nhẹ dạ cả tin, khiến họ “bẻ cong” ngòi bút, viết ra những tác phẩm gây bất lợi cho xã hội, đi ngược lại lợi ích quốc gia dân tộc.
Ngày nay, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập toàn cầu, tình trạng “xâm lăng” văn hóa cũng diễn ra hết sức phức tạp. Các đối tượng xấu lợi dụng sức mạnh mềm của văn hóa để thực hiện âm mưu chính trị, tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, chống phá chế độ và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, làm nhiễu loạn thông tin với những hình thức, chiêu trò tinh vi, khó phát hiện.
Có thể kể tới các hiện tượng như: Cài cắm, lồng ghép những chi tiết, hình ảnh có nội dung xâm phạm lãnh hải, chủ quyền quốc gia. Thông qua những loại hình văn hóa có sức hấp dẫn và độ tương tác cao như điện ảnh, văn chương, thậm chí là những ấn phẩm cẩm nang du lịch, sách giáo khoa, giáo trình,… các đối tượng xấu đã lồng ghép, cài cắm một cách tinh vi những hình ảnh, chi tiết, ngôn ngữ, lời thoại để tuyên truyền thông tin sai lệch về chủ quyền lãnh hải trên Biển Đông. Tình trạng này cũng xảy ra ở những lĩnh vực khác. Cụ thể như trong một số giáo trình của một trường đại học tại Hà Nội lựa chọn để giảng dạy cho sinh viên vô tình để lọt hình ảnh bản đồ "đường lưỡi bò".
Hoặc trong lĩnh vực du lịch, năm 2019, một công ty dịch vụ lữ hành đã giới thiệu, phát hành cho du khách cuốn cẩm nang quảng bá du lịch, trong đó có in hình ảnh "đường lưỡi bò"… Những vụ việc, hiện tượng này diễn ra ngày càng tinh vi, làm sai lệch nhận thức của công chúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ và biên giới quốc gia. Bên cạnh đó còn phải kể đến hiện tượng tìm cách xuất bản và lưu hành trái phép những ấn phẩm đi ngược lại chủ trương, đường lối của Đảng, có cái nhìn sai lầm về chủ nghĩa xã hội. Núp dưới danh nghĩa những cuốn sách tuyên truyền, phổ biến tri thức, khoa học, một số cá nhân, tổ chức ở trong nước đã mưu đồ cho dịch, in và phát tán trái phép một số ấn phẩm có nội dung đi ngược lại quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thổi phồng những mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, “gợi ý”, “gợi mở”
một hướng đi khác, cách nhìn khác không có lợi cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Những ấn phẩm này nếu không được phát hiện, lên án và xử lý kịp thời sẽ để lại những hậu quả khó lường, tác động tiêu cực đến nhận thức, hành động của nhân dân, nhất là với tầng lớp thanh thiếu niên.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, các thế lực thù địch ở trong nước và nước ngoài ra sức tận dụng triệt để ưu thế, sức mạnh của mạng xã hội, những lỗ hổng trong bảo mật, kiểm soát, lợi dụng kẽ hở trong chính sách pháp luật để tuyên truyền, quảng bá, tuồn vào trong nước những xuất bản phẩm kém giá trị thuộc nhiều thể loại, loại hình như: sách báo, tranh ảnh, video clip,...
Ẩn sau nhiều xuất bản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ là những thông tin xấu độc, thiếu lành mạnh, xuyên tạc, bóp méo sự thật, cổ xúy cho lối sống thực dụng, hưởng lạc; tuyên truyền tà đạo, mê tín dị đoan, ảnh hưởng lớn đến đời sống chính trị, xã hội, đến tư tưởng, nhận thức, hành động của cộng đồng.
Nhằm đối phó các cơ quan chức năng trong khâu tiền kiểm và hậu kiểm đối với một số tác phẩm có nội dung tư tưởng lệch lạc, sai trái, một số văn nghệ sĩ biến chất ở trong nước đã kết nối với một số người Việt lưu vong kêu gọi tài trợ về tài chính để xuất bản, phát hành ở nước ngoài và trên internet.
Đồng thời với cái nhìn phiến diện, cực đoan, tự tin thái quá vào năng lực vượt trội của cá nhân, hiềm khích với cơ quan, tổ chức, một số văn nghệ sĩ, trí thức do tư tưởng dao động, phai nhạt lý tưởng, có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã móc nối với các tổ chức nước ngoài cho đăng tải những bài viết, bài trả lời phỏng vấn sai sự thật về tình hình đất nước; tổ chức vận động một số cá nhân có cùng quan điểm thành lập những hội nhóm với những tôn chỉ, mục đích “đối chọi” với các cơ quan, tổ chức, hội đoàn nhà nước.
Họ tổ chức các hội thảo, mở các diễn đàn, lập các trang blog cá nhân để đăng tải những ý kiến chủ quan, cái nhìn phiến diện về cuộc sống, con người, về “tương lai u ám” của nền văn hóa, văn nghệ nước nhà. Họ sẵn sàng tổ chức tôn vinh, trao giải thưởng cho một số tác phẩm lệch lạc, kém giá trị, miễn sao gây sự chú ý, quan tâm để thực hiện mục đích của dư luận khiến cho cộng đồng bạn bè quốc tế hiểu sai về tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam.
Bối cảnh mới, phức tạp, đan xen những cơ hội, thuận lợi là những khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng “xâm lăng”, áp đặt, tấn công của các thế lực thù địch vào nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng, chế độ, vào nhận thức, hành động của nhân dân, nhất là thanh thiếu niên và đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, gây nhiễu loạn đời sống xã hội bằng con đường, phương thức, sức mạnh của văn hóa, văn nghệ. Nhận diện chính xác, kịp thời những hiện tượng đó để có biện pháp xử lý là cần thiết, mang tính cấp bách trong tình hình hiện nay.
Văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, vì thế, việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cần được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm hơn nữa. Cần nhận thức sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và quá trình xây dựng, hình thành nhân cách, lối sống tốt đẹp cho con người.
Phát huy vai trò, sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức và những người làm công tác văn hóa, văn nghệ trong việc sáng tạo ra nhiều tác phẩm hay, hấp dẫn, có nội dung tư tưởng phong phú, lành mạnh, tích cực, hướng con người đến những giá trị cao đẹp, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa; bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ.
Nhà nước cần chú trọng đầu tư vào dòng chủ lưu của văn hóa cách mạng để làm nòng cốt và dẫn dắt, truyền cảm hứng chủ đạo trong việc bồi dưỡng tư tưởng, tâm hồn, tình cảm trong sáng, lành mạnh, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ cho sự phát triển văn hóa nước nhà.
Đi đôi với việc bảo đảm quyền tự do, dân chủ, tự do ngôn luận trong hoạt động sáng tạo văn hóa, văn nghệ, mỗi người nghệ sĩ, trí thức cần nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, tích cực, chủ động tham gia vào sự nghiệp đổi mới đất nước; dũng cảm, nghiêm khắc lên án, phê phán những cái xấu xa, thấp hèn, sự thoái hóa, biến chất, tham nhũng, thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý văn hóa của các cơ quan chức năng. Không ngừng đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm; bổ sung, ban hành kịp thời cơ chế, chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia sáng tạo, thực hành, thụ hưởng văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho cái mới nảy sinh, lan tỏa. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa với những biện pháp mạnh, có tính răn đe, giáo dục, kiến tạo môi trường lành mạnh, khoa học, nhân văn.
Khi thế giới ngày càng “phẳng” sẽ giúp các quốc gia, các nền văn hóa xích lại gần nhau để thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, cùng nhau phát triển. Tuy nhiên, mặt trái của toàn cầu hóa cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức trước sự “xâm lăng”, lấn át của các tư tưởng thiếu lành mạnh. Bởi vậy, việc gia tăng sức mạnh nội sinh cùng những biện pháp đồng bộ về an ninh văn hóa, an ninh con người sẽ tạo sức đề kháng để chống lại cái ác, cái phản nhân văn, phản giá trị, xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học, tạo động lực, sức mạnh tinh thần để cổ vũ, động viên nhân dân không ngừng sáng tạo, cống hiến, góp phần vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.
https://nhandan.vn/bao-ve-moi-truong-van-hoa-lanh-manh-post711691.html