Tận dụng tốt cơ hội từ CPTPP
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong năm 2022, các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất và khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Nhờ đó, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đồng thời là cơ hội giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần may Sơn Hà, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội. (Ảnh: ĐĂNG DUY)
Sau gần ba năm chính thức thực thi CPTPP, tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhất là đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Bộ Công thương cho biết, trong 5 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 19,5 tỷ USD, tăng 3,7% so cùng kỳ năm 2021.
Tiềm năng chưa khai thác hết
Theo ghi nhận của Bộ Công thương, thời gian qua, doanh nghiệp trong nước đã tận dụng khá hiệu quả lợi thế của CPTPP để gia tăng xuất khẩu hàng hóa vào thị trường thành viên trong khối. Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết, khác với khu vực châu Âu là thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam, khu vực CPTPP gồm các nước châu Mỹ như Canada, Mexico, Peru là những thị trường tương đối mới. Trước đây, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này còn khá ít ỏi, nhưng đã tăng lên đáng kể từ khi có CPTPP. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada năm 2021 đạt 5,3 tỷ USD, tăng 20,8% so năm 2020 và tăng 75% so thời điểm trước khi CPTPP có hiệu lực. Xuất khẩu sang thị trường Mexico trong năm 2021 cũng có bước nhảy vọt, đạt 4,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 100% so thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực.
Tuy nhiên, xét về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ, nhóm hàng điện thoại, linh kiện, máy vi tính, máy móc phụ tùng chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 43%; tiếp đó là dệt may, da giày khoảng 25%, gỗ và sản phẩm từ gỗ khoảng 8%; nông thủy sản khoảng 4%. “Rõ ràng đóng góp của khu vực FDI trong giá trị xuất khẩu rất lớn, trong khi đóng góp của công nghiệp nội địa chưa cao”, Phó Vụ trưởng Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) Võ Hồng Anh nhận định. Bên cạnh đó, châu Mỹ cũng là thị trường có nhu cầu với nhiều mặt hàng khác mà Việt Nam chưa khai thác được. Thí dụ, những thị trường như Chile, Mexico hay Peru đều được đánh giá rất tiềm năng cho xi-măng của Việt Nam, song thực tế kim ngạch xuất khẩu còn khá thấp. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Lương Đức Long, nguyên nhân là do các thị trường trên có vị trí địa lý tương đối xa so với Việt Nam, trong khi giá cước vận tải biển hai năm vừa qua liên tục tăng cao. Không những vậy, chi phí đầu vào của xi-măng hiện nay rất lớn khiến giá thành sản xuất tăng cao, việc bán trong nước và xuất khẩu đều khó khăn. Với thị trường Mỹ Latin, doanh nghiệp còn gặp trở ngại về ngôn ngữ khi họ chủ yếu sử dụng tiếng Tây Ban Nha trong giao tiếp. Ngược lại, mức độ nhận biết của các doanh nghiệp nhập khẩu của khu vực này đối với quy mô, chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tốt.
Hợp tác, mở rộng thị trường
Xuất xứ hàng hóa là một trong những yếu tố chính khiến doanh nghiệp Việt Nam chưa thể tận dụng được hiệu quả CPTPP. Chẳng hạn với ngành xi-măng, theo chia sẻ của ông Lương Đức Long, việc chấp hành quy tắc xuất xứ của CPTPP vẫn còn rất mới với hầu hết doanh nghiệp. Thậm chí, về thông tin về quy trình, thủ tục, hồ sơ nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng chưa nắm được đầy đủ. Vì vậy, ông Long kiến nghị Bộ Công thương và các cơ quan chuyên môn cần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuẩn mực quy tắc xuất xứ trong ngành công nghiệp xi-măng để đẩy mạnh xuất khẩu tới các nước thuộc CPTPP cũng như các nước khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh khai thác trực tiếp thị trường trong CPTPP, doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP để qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ. Bốn nước thành viên CPTPP khu vực châu Mỹ đều có độ mở cao như Canada có 15 FTA, Mexico có 13 FTA, Chile có 29 FTA, Peru có 22 FTA. Với mạng lưới FTA bao phủ, rộng khắp như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng những mối liên kết kinh tế này để đưa hàng hóa tiếp cận thị trường rộng lớn hơn trong khu vực. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ không đơn giản khi chúng ta xuất khẩu sang Mexico hoặc Canada để hưởng ưu đãi thuế quan trong FTA với nước thứ ba khác, vì mỗi FTA có một quy tắc xuất xứ riêng biệt và nếu muốn tận dụng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng được các quy tắc đó. Đại diện Bộ Công thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần xem xét khả năng hợp tác sản xuất đối với các nước thành viên CPTPP. Thí dụ, chúng ta xuất khẩu nguyên vật liệu hoặc sản phẩm chế biến thô sang một thị trường CPTPP, sau đó hợp tác liên doanh để sản xuất, gia công, chế biến thành sản phẩm hoàn thiện và tiếp tục xuất khẩu sang thị trường đối tác khác có FTA với quốc gia này, với điều kiện chúng ta đáp ứng được quy tắc xuất xứ trên cơ sở tận dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp. Ngoài ra, trong bối cảnh logistics đang là trở ngại để hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường châu Mỹ, doanh nghiệp cũng nên xem xét việc tận dụng hạ tầng logistics của các nước thành viên CPTPP để xuất khẩu hàng hóa. Như Canada có hệ thống đường sắt nội địa rất phát triển, có thể giúp hàng hóa Việt Nam vươn tới các thành phố khác của Hoa Kỳ, Mexico cũng như các nước Nam Mỹ.
Dù CPTPP đang mang lại những lợi thế nhất định, song thực tế nguồn lực của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là vừa phải trải qua những tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Yêu cầu, đòi hỏi của thị trường các nước CPTPP về hàng hóa cũng rất khắt khe. Do vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động trong tìm hiểu, đáp ứng tốt quy định về quy tắc xuất xứ; đồng thời, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát các văn bản liên quan, tạo môi trường thuận lợi hơn cho hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường truyền thông, xúc tiến thương mại, định hướng cho doanh nghiệp trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp từng bước cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhờ đó tận dụng tốt hơn các cơ hội từ CPTPP để đẩy mạnh xuất khẩu.
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại nhà máy ở Tuyên Quang. (Ảnh: PHƯƠNG ANH)