Chuyển đổi số, bắt kịp xu thế thời đại
Việc các hợp tác xã (HTX) bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo…, hay tham gia các sàn thương mại điện tử cho thấy sự thay đổi tư duy theo hướng tích cực. Từ bỡ ngỡ ban đầu, nhiều HTX đã khai thác các kênh bán hàng hiện đại này một cách hiệu quả, mở ra nhiều triển vọng.Nông dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang thu hoạch vải thiều đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: ĐỒNG THÚY
Vụ vải thiều năm nay, HTX sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (huyện Lục Ngạn) đã tiêu thụ hơn 30 tấn vải thiều tươi thông qua hai sàn thương mại điện tử Postmart (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) và Vỏ Sò (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel). Chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, người mua có thể đặt hàng và người bán nhanh chóng xác nhận đơn hàng. Anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX cho biết: Vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày HTX này có hàng trăm đơn hàng được gửi đi khắp các tỉnh, thành phố trong nước.
Là một trong những HTX trên địa bàn tỉnh Nghệ An tích cực thực hiện chuyển đổi số, nhờ việc đẩy mạnh bán hàng trên các nền tảng trực tuyến và bảy sàn thương mại điện tử, các sản phẩm: trà hoa sen, trà lá sen, hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen,… của HTX Sen quê Bác (huyện Nam Đàn) vẫn được tiêu thụ tương đối ổn định, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. "Bán hàng trên mạng xã hội, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là phù hợp xu thế người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ, bỏ qua các khâu trung gian nên cắt giảm được chi phí rất lớn cho cả người bán lẫn khách mua, sức cạnh tranh của sản phẩm nhờ đó cũng được tăng lên", Giám đốc HTX Phạm Kim Tiến chia sẻ.
Giám đốc HTX dược liệu cổ truyền H2O Việt Nam (thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) Triệu Thị Oanh chia sẻ: Hiện, hai sản phẩm OCOP cấp tỉnh của HTX là An phục khớp và Anphutri được bán trên sàn Lazada, Shopee… Năm 2021, có thời điểm HTX bán cháy hàng; doanh thu của HTX đạt hơn 4 tỷ đồng gồm cả các sản phẩm tinh và thô.
Không chỉ tiêu thụ hàng hóa trong nước, nhiều HTX còn đẩy mạnh bán hàng xuyên biên giới thông qua các sàn thương mại điện tử…
Thống kê của các sàn thương mại điện tử cho thấy, chỉ tính riêng trên sàn Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp, HTX Việt Nam tham gia bán hàng; trong đó có tới gần 40% là các đơn vị liên quan đến nông sản. Bình quân mỗi HTX, doanh nghiệp Việt Nam sau khi đưa nông sản lên sàn này sẽ có cơ hội tiếp cận với 15 khách hàng tiềm năng/ngày.
Còn trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon, năm 2021, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp, HTX Việt Nam tiêu thụ đã tăng 34% so năm 2020. Điều này cho thấy bán nông sản trên các sàn điện tử nói chung và sàn điện tử xuyên biên giới nói riêng đều vô cùng tiềm năng. Đi liền với đó, các HTX sẽ có nhiều cơ hội để kết nối với khách hàng quốc tế và xuất khẩu sang nhiều thị trường mới. Mới đây, thông qua gian hàng của Liên minh HTX Việt Nam mở trên sàn Alibaba, HTX Suối Giàng (Yên Bái) đã xuất khẩu thành công đơn hàng chè xanh trị giá hai tỷ đồng sang Nhật Bản.
Thời gian qua, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử giúp nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành, địa phương, số lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử còn khiêm tốn. Đối tượng chính tham gia chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể nên kiến thức về kinh doanh trực tuyến còn hạn chế. Các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận tham gia nên còn nhiều bỡ ngỡ. Khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của các HTX còn hạn chế. Công tác đóng gói, bảo quản, vận chuyển để bảo đảm độ tươi, ngon khi đến tay người tiêu dùng cũng là một thách thức lớn. Khá nhiều HTX còn "chật vật" trong việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử…
Hiện, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã đạt 17 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng 46%, dự báo sẽ đạt 29 tỷ USD vào năm 2025. Theo dự báo, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và đứng vị trí thứ ba trong khu vực ASEAN vào năm 2025.
Ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) nhấn mạnh: Để đưa mỗi nông dân trở thành một thương nhân, mỗi HTX phát triển thành một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, các đơn vị liên quan, đặc biệt các sàn thương mại điện tử cần tăng cường hỗ trợ các HTX về việc đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Về phía các HTX, cần có một tư duy đổi mới để có thể tận dụng được hết mức các lợi ích của thương mại điện tử; bởi kinh doanh qua sàn thương mại điện tử không chỉ dừng lại ở thu hoạch và bán mà cần có sự đầu tư vào khâu đóng gói, hậu cần, vận chuyển, hay làm hình ảnh quảng bá để cải tiến cách làm và phát triển sản xuất, kinh doanh một cách tối ưu.
https://nhandan.vn/chuyen-doi-so-bat-kip-xu-the-thoi-dai-post709017.html