Điểm đến an toàn của nhà đầu tư nước ngoài
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới vào Việt Nam tuy chưa phục hồi hoàn toàn sau thời gian bị gián đoạn do áp dụng các giải pháp chống dịch năm 2021, nhưng vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) cho biết, thu hút vốn FDI sáu tháng đầu năm đạt hơn 14 tỷ USD, bằng 91,1% so cùng kỳ, giảm 6,5% về số lượng dự án mới và giảm 48,2% về tổng vốn đăng ký. Nhưng xu hướng tích cực trong dòng chảy đầu tư vào Việt Nam hiện nay là sự gia tăng mạnh mẽ của vốn điều chỉnh và hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài.
Xu hướng tích cực
Cụ thể, đã có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD, tăng lần lượt 5,9% và 65,6%. Quy mô điều chỉnh vốn bình quân của một dự án cũng tương đối cao so cùng kỳ và xu hướng tăng vốn quy mô lớn diễn ra ở nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao.
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài, vốn đầu tư điều chỉnh tăng cao phản ánh tác động của lạm phát, giá cả tăng cao do ảnh hưởng của các cuộc xung đột chính trị, thương mại trên thế giới, song cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam và quyết định đầu tư mở rộng các dự án hiện hữu. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm 8% so cùng kỳ nhưng tổng giá trị vốn góp tăng 41,4%, đạt hơn 2,27 tỷ USD. Ðáng lưu ý, vốn FDI thực hiện ước tính đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 8,9% so cùng kỳ và là mức cao nhất của 5 năm qua.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, kết quả thu hút vốn FDI là điểm sáng quan trọng để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. "Tuy vốn đăng ký mới giảm 8,1% nhưng nếu phân tích chi tiết thì vẫn thấy xu hướng tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Vì trong quý I năm 2021 có hai dự án tỷ USD đăng ký mới, gồm dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD và dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD. Do đó, nếu loại trừ yếu tố đột biến này, tổng vốn đăng ký đầu tư nước ngoài sáu tháng đầu năm 2022 vẫn tăng cao. Các chỉ số tích cực của kết quả thu hút vốn FDI phản ánh rõ nét xu hướng chung của sự phục hồi mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư nước ngoài. Ðồng thời cho thấy các nhà đầu tư vẫn coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, thể hiện niềm tin về môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Về triển vọng thu hút vốn FDI cuối năm, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dẫn lại một số phân tích của các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước cho biết, triển vọng đầu tư trong tương lai có những dấu hiệu kém tích cực. Trong bối cảnh đó, dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tiếp tục xu hướng phục hồi nhờ vào kết quả chống dịch của Việt Nam thời gian qua cùng lợi thế về ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào chủ trương, chính sách của Việt Nam luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp.
Kết quả khảo sát mới đây của Ngân hàng HSBC thực hiện với hơn 1.500 công ty từ sáu nền kinh tế lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Anh, Mỹ) đang hoạt động hoặc có kế hoạch hoạt động ở Ðông Nam Á trong tương lai cho thấy, Việt Nam hiện đang vươn lên trở thành một trung tâm sản xuất trên thế giới. HSBC nhận định đó là "một vị thế tuyệt vời có được nhờ những chính sách ưu đãi của Chính phủ, đặc biệt trong việc ký kết các hiệp định thương mại tự do" và ngày càng nhiều doanh nghiệp toàn cầu chuyển hướng đầu tư đến Việt Nam không phải là tạm thời, mà mang tính chiến lược và lâu dài.
Cục Ðầu tư nước ngoài lưu ý hai nội dung trong thu hút vốn FDI hiện nay. Ðó là vốn đăng ký mới đang phục hồi trở lại, tăng dần theo từng tháng nhưng mức tăng chưa được như kỳ vọng, và cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine được dự báo có thể dẫn đến xu hướng dịch chuyển đầu tư tại hai quốc gia này sang các nước châu Á, trong đó Việt Nam có thể được hưởng lợi.
Ðể không bỏ lỡ cơ hội, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị cần tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng. Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp để thu hút đầu tư, có định hướng ưu tiên mở rộng, xây mới theo yêu cầu thực tiễn và công bố danh sách các khu công nghiệp có quỹ đất sạch, cơ sở hạ tầng sẵn sàng để thu hút đầu tư. Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, kết nối giao thông thông suốt giữa các tỉnh, thành phố, các vùng, miền, tạo thuận lợi cho thu hút đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn lao động, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển. Các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực nâng cao năng lực công nghệ, chất lượng lao động, quản lý để các doanh nghiệp FDI tìm đến đặt hàng và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước khác hoàn thiện quy trình sản xuất, tăng cơ hội liên kết.
https://nhandan.vn/diem-den-an-toan-cua-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-post708197.html