Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham dự lễ ký kết tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/7/2022. (Ảnh: Reuters)
Thỏa thuận về nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine thông qua ba cảng ở Biển Ðen được ký tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, do Liên hợp quốc và Ankara làm trung gian. Phát biểu sau khi thỏa thuận được ký kết, đại diện Liên hợp quốc nhấn mạnh, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới tin tưởng, thỏa thuận sẽ được thực thi đầy đủ trong vài tuần tới và khôi phục lượng ngũ cốc xuất khẩu về mức trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine là 5 triệu tấn/tháng.
Xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu tăng cao và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo rơi vào cảnh đói ăn. Hiện vẫn còn 25 triệu tấn lúa mì và ngũ cốc đang mắc kẹt tại các cảng ở Ukraine, trong khi quốc gia Ðông Âu dự kiến sẽ thu hoạch 60 triệu tấn trong mùa vụ năm nay.
Ngay sau khi Nga và Ukraine ký thỏa thuận nối lại xuất khẩu ngũ cốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres vui mừng cho biết, thỏa thuận này sẽ giúp nhiều quốc gia đang phát triển và các nước bên bờ vực của nạn đói thoát nguy cơ vỡ nợ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người đóng vai trò cầu nối quan trọng trong các cuộc đàm phán, bày tỏ hy vọng thỏa thuận trên sẽ mở ra triển vọng hòa bình tại Ukraine.
Ðại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell hoan nghênh thỏa thuận, cho rằng đây là một bước đi đúng hướng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố, Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Ðen được trở lại bình thường như trước xung đột.
Nga và Ukraine là hai quốc gia cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, khiến giá lương thực toàn cầu gia tăng và có nguy cơ đẩy hàng triệu người ở những quốc gia nghèo nhất thế giới rơi vào cảnh đói ăn.
Từ Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba đã thảo luận vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia Ðông Âu trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao G7, Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới.
Từ đầu năm đến nay, giá lúa mì và ngô đã tăng mạnh. Trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mới đây, cơ quan này đã cảnh báo nguồn cung lúa mì toàn cầu trong kho dự trữ chỉ còn duy trì được trong 10 tuần, tình hình còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng giai đoạn 2007-2008.
Kể từ cuối tháng 2/2022, các cảng của Ukraine ở Biển Ðen đã ngừng hoạt động gây đình trệ xuất khẩu đường biển khiến ngũ cốc tồn đọng tại các kho chứa của quốc gia Ðông Âu. Ukraine đang nỗ lực xuất khẩu nông sản qua đường bộ, đường sông và đường sắt, song những trở ngại về hậu cần đang hạn chế khối lượng xuất khẩu ở mức tối đa 2 triệu tấn/tháng. Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên hợp quốc (FAO) cho biết, Ukraine hiện tồn đọng 18 triệu tấn ngũ cốc và các loại hạt có dầu của mùa vụ năm ngoái trong kho chứa.
FAO cho biết đã nhận được 17 triệu USD từ Nhật Bản để giúp giải quyết vấn đề bảo quản ngũ cốc ở Ukraine, giúp thúc đẩy xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh giá lương thực toàn cầu vẫn ở mức cao. Giới phân tích hy vọng, thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua ba cảng ở Biển Ðen sẽ làm giảm giá lương thực tăng cao hiện nay.