Từ Cao trạm Chapa đến “thành phố du lịch”
Năm 1886, sau khi chiếm đóng Lão Nhai (trấn Hưng Hóa), thực dân Pháp đặt tên lại là LaoKay (Lào Cai ngày nay). Khi tiến hành khai thác thuộc địa ở LaoKay và vùng Tây Bắc, thực dân Pháp phát hiện ra vùng cao nguyên Lồ Suối Tủng cùng làng Sa Pa thượng với thiên nhiên kỳ thú, khí hậu mát mẻ nên đặt tên trên bản đồ Đông Dương là Cao trạm Chapa. Từ đây, người Pháp cũng sớm định hình và thành lập Khu điều dưỡng - du lịch Sa Pa với 2 chức năng chăm sóc phục hồi sức khỏe cho quân đội viễn chinh Pháp và tiếp nhận du khách phương Tây cùng tầng lớp quan chức và giới thượng lưu bản xứ đến du lịch.Trải qua các thời kỳ đấu tranh và phát triển, thị trấn nghỉ dưỡng và du lịch xưa đã có nhiều đổi thay, trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Dưới thời thực dân Pháp, mở đầu việc quy hoạch xây dựng Khu điều dưỡng Chapa, chúng thực hiện chiến dịch đuổi dân, giãn dân vùng cao nguyên Hùng Hồ (nay là khu trung tâm thị xã Sa Pa) xuống dưới chân núi Hoàng Liên Sơn, giải phóng mặt bằng dành đất cho xây khu điều dưỡng, nhà nghỉ. Sau đó tiếp tục mở rộng ra vùng ven để thành lập các đồn điền, trang trại, tu viện trồng cây ăn quả, rau màu, cây dược liệu và chăn nuôi phục vụ Khu Điều dưỡng quân viễn chinh Pháp, du lịch. Người dân bản xứ bị bần cùng, trở thành nô lệ phục dịch các đoàn leo núi chinh phục đỉnh Fansipan, các tua du lịch khám phá núi Hoàng Liên, làng bản xứ và phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn do người Pháp lập ra. Chỉ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước nhà độc lập, ánh sáng cách mạng soi đường, cơ sở cách mạng được Đảng giác ngộ và xây dựng, Sa Pa bừng tỉnh bước vào thời kỳ mới.
Ngay khi xâm chiếm LaoKay, người Pháp sớm định hình và thành lập Khu điều dưỡng - du lịch ChaPa. |
Đến năm 1970, với việc hình thành khu nhà nghỉ Công đoàn của Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện Điều dưỡng của Bộ Công an… Khu du lịch Sa Pa từng bước được khôi phục với hình ảnh là khu du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng. Chiến tranh bảo vệ biên giới tháng 2/1979 và những năm củng cố khu vực phòng thủ Tây Bắc đã làm đình trệ sự phát triển đang rộng mở của khu du lịch Sa Pa.
Tái lập tỉnh Lào Cai tháng 10/1991, cùng với công cuộc đổi mới đất nước, các chương trình đầu tư phát triển đã mở ra chương mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của điểm thiên nhiên kỳ thú Sa Pa. Đầu năm 1994, điện lưới quốc gia đến được thị trấn và nhiều xã, đường Lào Cai - Sa Pa được rải nhựa, nhiều công trình văn hóa cũng được xây dựng, làm thay đổi diện mạo thị trấn Sa Pa. Đặc biệt, từ năm 2002, khi được Nhà nước cho phép, thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với Hội đồng Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) đã được triển khai để xây dựng quy hoạch khu đô thị Sa Pa mang tầm quốc gia.
Kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển khu du lịch Sa Pa (1903 - 2003), nhiều công trình trọng điểm phục vụ du lịch được đầu tư, đưa vào sử dụng. Năm 2014, khi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi vào hoạt động, tiếp đó cáp treo Fansipan được đưa vào vận hành như “cú hích” tăng tốc cho sự phát triển kinh tế du lịch Sa Pa.
Từ năm 2002, nhờ thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Lào Cai với Hội đồng Vùng Aquitaine (Cộng hòa Pháp) về tổ chức quy hoạch xây dựng đã làm thay đổi diện mạo thị trấn Sa Pa.
Đặc biệt, đầu năm 2020, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Sa Pa, đã mở ra trang mới cho sự phát triển mạnh mẽ của Khu Du lịch quốc gia Sa Pa. Hiện thị xã Sa Pa có 6 phường, 10 xã đều có thể phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; trung tâm thị xã có 283 nhà nghỉ, khách sạn và 239 cơ sở nghỉ dưỡng homestay ở các địa phương với 5.076 phòng nghỉ. Năm 2020, Sa Pa thu hút hơn 3,2 triệu khách trong và ngoài nước.
Từ đầu thế kỷ XXI, thị xã Sa Pa với trở thành khu du lịch của quốc gia nổi tiếng trong nước và quốc tế. |
Quán triệt Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã Sa Pa lần thứ XXIII, vượt qua khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc thị xã Sa Pa đang triển khai đồng bộ các chương trình, dự án phát triển. Trong đó, trọng tâm là Đề án Xây dựng đô thị Sa Pa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để thị xã đạt đô thị loại III, hướng tới thành phố du lịch Sa Pa trong tương lai.
Phong cảnh Sa Pa mùa tuyết rơi. |
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 1/10/2021 của Tỉnh ủy về phát triển thị xã Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thị ủy Sa Pa đã ban hành nhiều giải pháp thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng trung tâm các phường, xã gắn với chất lượng đô thị và phát triển giao thông thị xã Sa Pa giai đoạn 2020 - 2025. Qua đó, xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị Sa Pa đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại IV; nâng cấp các chỉ tiêu đã đáp ứng so với đô thị loại IV lên loại III. Tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật chung cho toàn khu vực đô thị, gắn kết với vùng nông thôn và các khu vực phát triển du lịch.
Với nét văn hóa độc đáo của các dân tộc địa phương đã khiến Sa Pa trở lên độc đáo và quyến rũ. |
Tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục cộng đồng, thể thao và kết cấu hạ tầng đô thị cho khu vực trung tâm hành chính của 6 phường mới thành lập; quy hoạch và đầu tư xây dựng 3 trung tâm xã mới (Hoàng Liên, Liên Minh, Trung Chải). Nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực trung tâm các xã; nâng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 58%... để từng bước xây dựng Sa Pa thành thành phố du lịch.
Trải qua các thời kỳ phát triển, từ cao trạm nghỉ chân Chapa đến thị trấn nghỉ dưỡng và du lịch, giờ Sa Pa đã trở thành khu du lịch của quốc gia nổi tiếng trong nước và quốc tế. Thị xã Sa Pa đang hướng tới kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh Lào Cai (1907 - 2022) và 120 năm hình thành khu du lịch Sa Pa (1903 - 2023) với khát vọng nâng tầm phát triển kinh tế - xã hội, lấy du lịch - dịch vụ làm bệ đỡ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc địa phương làm nền tảng, củng cố sự quản lý của chính quyền, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố du lịch quốc tế trong tương lai.