IMF: Việt Nam thành công trong việc giữ vững ổn định tài chính, tài khóa, kinh tế đối ngoại

Ban Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố kết luận đợt tham vấn Điều IV với Việt Nam. Theo đó, hoan nghênh cơ quan chức năng của Việt Nam đã áp dụng những chính sách để giảm nhẹ tác động của đại dịch, đồng thời đã thành công trong việc giữ vững ổn định tài chính, tài khóa, kinh tế đối ngoại, cũng như đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng đầy ấn tượng.

Theo IMF, Việt Nam bước vào đại dịch khi nền kinh tế tăng trưởng vững chắc và các yếu tố nền tảng lành mạnh. Trước đại dịch, những chính sách thận trọng đã giúp Việt Nam đạt tỷ lệ tăng trưởng cao, giá cả ổn định và nợ công thấp trong một giai đoạn dài. Luồng thương mại và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh đã giúp củng cố các đệm kinh tế đối ngoại, và khu vực ngân hàng bước vào đại dịch trong trạng thái tương đối vững mạnh.

Giữ vững ổn định tài chính, tài khóa, kinh tế đối ngoại

Cũng giống như ở các quốc gia khác, đại dịch Covid-19 đã gây ra những đứt gẫy trong hoạt động kinh tế ở Việt Nam. Năm 2020, các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, cùng với những chính sách mang tính hỗ trợ tăng trưởng, đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế có kết quả tốt nhất trong khu vực.

Đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hồi tháng 4/2021 đã khiến hoạt động kinh tế trong quý III/2021 suy giảm mang tính lịch sử. Tuy nhiên, một chiến dịch triển khai tiêm vaccine đầy ấn tượng đã tạo thuận lợi cho Việt Nam chuyển hướng chiến lược từ quét sạch virus sang sống chung với virus.

Hỗ trợ chính sách đã giúp giảm nhẹ tác động của Covid-19, đồng thời chính phủ đã duy trì thành công ổn định tài chính, tài khóa và kinh tế đối ngoại. Năm 2021, GDP thực tăng trưởng ở mức 2,6%, thấp hơn so với năm 2020, do các đợt phong tỏa kéo dài và đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Trạng thái kinh tế đối ngoại của Việt Nam được đánh giá là mạnh hơn so với mức phù hợp với các yếu tố nền tảng.

Nền kinh tế hiện đang phục hồi và các chỉ số thống kê tần suất cao đều cho thấy đà tăng trưởng mạnh trong năm 2022, với doanh thu bán lẻ, sản lượng công nghiệp và số lượng doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đều đang tăng lên. Tăng trưởng được dự báo đạt mức 6% trong năm 2022 khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường và Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, sự phục hồi trên thị trường lao động vẫn còn chậm chạp với tỷ lệ thiếu việc làm còn ở mức cao. Mặc dù lạm phát đã tăng trong thời gian gần đây do giá hàng hóa thô tăng và những đứt gẫy trong chuỗi cung ứng, nhưng lạm phát vẫn còn ở mức thấp so với trần lạm phát của ngân hàng nhà nước do nền kinh tế còn hoạt động cầm chừng, và giá cả lương thực, thực phẩm và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá tương đối ổn định.

Chính sách tài khóa được kỳ vọng sẽ tiếp tục định hướng hỗ trợ tăng trưởng, đặc biệt thông qua triển khai Chương trình Phục hồi, Phát triển Kinh tế-Xã hội. Chính sách tiền tệ được kỳ vọng vẫn tiếp tục thận trọng trước rủi ro lạm phát. Các rủi ro gắn với nợ xấu, bất động sản, và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nên được theo dõi chặt chẽ, và các khuôn khổ an toàn vĩ mô nên được tăng cường.

Đánh giá của Ban Giám đốc điều hành IMF về kết luận tham vấn cho thấy, các giám đốc điều hành hoan nghênh cơ quan chức năng của Việt Nam đã áp dụng những chính sách để giảm nhẹ tác động của đại dịch, đồng thời đã thành công trong việc giữ vững ổn định tài chính, tài khóa, kinh tế đối ngoại, cũng như đã triển khai một chiến dịch tiêm chủng đầy ấn tượng.

Chính sách tài khóa giữ vai trò chủ đạo; chính sách tiền tệ nhanh nhạy, thận trọng

Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ nhưng không đồng đều, với thị trường lao động còn đang trì trệ, các điểm dễ tổn thương trong khu vực tài chính đang gia tăng, và những thách thức về mặt cơ cấu vẫn tồn tại dai dẳng lâu nay. Nhận thấy rằng các rủi ro đang nghiêng về phía tiêu cực, các giám đốc điều hành kêu gọi cơ quan chức năng cần hoạch định chính sách linh hoạt, chủ động điều chỉnh theo nhịp độ phục hồi và diễn biến rủi ro.

“Chính sách tài khóa cần giữ vai trò chủ đạo và được điều chỉnh linh hoạt theo tình hình kinh tế luôn biến động”, các giám đốc điều hành nhấn mạnh. Họ hoan nghênh Chương trình Phục hồi và Phát triển Kinh tế-Xã hội và nhấn mạnh rằng việc xác định đúng trọng tâm, đúng đối tượng, bảo đảm hiệu quả chi, triển khai nhanh chóng là những yêu cầu quan trọng đối với Chương trình.

IMF cũng khuyến khích việc điều chỉnh tài khóa dần dần khi tiến trình phục hồi bám rễ sâu hơn, đặc biệt chú trọng đến động viên thu ngân sách để tạo không gian tài khóa cho chi tiêu thực hiện các mục tiêu xã hội, biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển khác.  

Bên cạnh đó, IMF nhấn mạnh chính sách tiền tệ cần nhanh nhạy, thận trọng trước rủi ro lạm phát. Họ cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc giải quyết nợ xấu, kịp thời chấm dứt các quy định tạm thời nới lỏng tiêu chuẩn phân loại nợ và trích lập dự phòng, và giám sát chặt chẽ các rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Các giám đốc cũng lưu ý rằng, trong trung hạn, tình hình vốn của các ngân hàng cần được củng cố, các khuôn khổ an toàn vĩ mô và tái cơ cấu nợ tư cần được cải thiện.

Các giám đốc nhận xét rằng trạng thái kinh tế đối ngoại của Việt Nam mạnh hơn so với mức độ phù hợp với các yếu tố nền tảng và chính sách lý tưởng. Ở khía cạnh này, các giám đốc kêu gọi cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đầu tư tư nhân trong nước và tăng cường các lưới an sinh xã hội. Họ hoan nghênh các bước đi gần đây của cơ quan chức năng nhằm gia tăng sự linh hoạt của tỷ giá về cả hai chiều cũng như hiện đại hóa chính sách tiền tệ; họ cũng khuyến khích cơ quan chức năng tiếp tục nỗ lực theo hướng này.

Các giám đốc nhấn mạnh đến tầm quan trọng của những cải cách cơ cấu nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất, thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng. Họ nhất trí rằng nên ưu tiên giảm thiểu những mất cân đối cung cầu kỹ năng lao động, thúc đẩy chuyển đổi số, và bảo đảm một sân chơi bình đẳng, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các giám đốc cũng đánh giá cao chương trình bảo vệ môi trường đầy tham vọng của Việt Nam và thúc giục cần sớm chuyển hóa những mục tiêu thành hành động chính sách cụ thể. Họ cũng hoan nghênh những nỗ lực không ngừng của cơ quan chức năng nhằm củng cố các thể chế kinh tế, tăng cường quản trị, bao gồm cả khuôn khổ AML-CFT (chống rửa tiền và tài trợ khủng bố), và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố các khuôn khổ dữ liệu.

https://nhandan.vn/nhan-dinh/imf-viet-nam-thanh-cong-trong-viec-giu-vung-on-dinh-tai-chinh-tai-khoa-kinh-te-doi-ngoai-704480/

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Thủ tướng: Việt Nam bảo đảm cho các nhà đầu tư yên tâm hoạt động với tầm nhìn trăm năm

Sáng 30/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Sulaiman AIRumaih, Giám đốc Điều hành, và ông Mohammed Al-Obaid, Giám đốc Chiến lược Công ty SALIC.

Ký Hiệp định CEPA Việt Nam-UAE: Mốc lịch sử mở đường lớn vào thị trường Trung Đông-châu Phi

Ngày 28/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ cùng lãnh đạo cấp cao UAE chứng kiến lễ ký Hiệp định CEPA giữa Việt Nam-UAE. Đây là dấu mốc tạo đột phá hợp tác hai bên

Sử dụng chữ ký số cá nhân VNPT SmartCA ngay trên VNeID

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.

Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện

Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung giữa nước CHXHCN Việt Nam và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện.

Tập trung ngăn chặn tình trạng "báo hoá" tạp chí, trang thông tin điện tử

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có công văn số 4544/BTTTT-TTra yêu cầu thanh tra các Sở Thông tin và Truyền thông tập trung thanh tra, kiểm tra những vấn đề “nóng” được nhân dân quan tâm, thuộc 4 lĩnh vực: Báo chí-xuất bản; thông tin trên mạng; bưu chính - viễn thông; an toàn thông tin.

Thủ tướng: Chăm lo cho người Việt Nam ở nước ngoài với trách nhiệm cao nhất

Chiều ngày 27/10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Abu Dhabi, trong chuyến thăm chính thức Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân Lê Thị Bích Trân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có buổi gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam...