Sức sống giữa trùng khơi
Trường Sa, tên gọi nghe quen thuộc và gần gũi. Giữa sóng gió trùng khơi, giữa nắng nóng nung người, đảo ngày một xanh hơn, đẹp hơn. Trong thanh âm thầm thì của biển cả, nghe ra, có cả tiếng chuông chùa, và lời hát tha thiết bay lên của tuổi đôi mươi...Giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ hải quân trên Nhà giàn DK1. |
Chiều sập tối nhanh trên biển. Đèn thuyền đánh cá nhấp nhánh như những vì sao trôi dài trên sóng. Trăng mười bảy như nhô lên ngay trước mũi tàu. Ðã ra với Trường Sa rất nhiều lần, nhưng lần nào, cảm xúc cũng thật tròn đầy, khó tả. Tàu KN 490 đi trung bình chừng 10 hải lý/giờ. Thời tiết thuận lợi, mà phải mất mấy ngày tôi mới ra tới Trường Sa. Biển bờ quê hương dài rộng quá! Dưới lớp lớp sóng dồi như có lời vọng về từ nghìn trùng, từ những ngày xưa gian khó cha ông đi mở cõi.
Lên những đảo chìm, tôi luôn muốn ở lại lâu nhất có thể. Cô Lin là một trong số đó. Nhà đứng giữa biển, không một chút đất thừa ra. Ở đây, những tháng mùa khô, ngày nắng nóng, oi bức kéo dài từ 5 giờ sáng cho tới hơn 6 giờ tối. Vậy mà, đảo vẫn có rau xanh. Đất trồng được đưa từ đất liền ra từng bao nhỏ. Rồi phải che chắn gió, nước mặn cho cây. Đảo dùng nước mưa. Cho nên cứ phải chắt chiu. Cho người. Cho cây. Và không phụ lòng người, những chồi non vươn lên trong nắng gió, nhìn cứng cáp tựa những nhánh xương rồng. Khắc nghiệt vậy, mà anh em vẫn có rau xanh, và rất sành điệu, còn có cả những cây ớt sai trái và nhiều loại rau gia vị.
Ở Trường Sa, hình ảnh những người lính ngồi đọc sách trong doanh trại, trong phòng đọc là phổ biến. Ở đây, sách là một nhu cầu thật sự. Cuốn sách như người bạn của lính đảo. Mỗi đảo có cả nghìn đầu sách, báo. Thiếu tá Nguyễn Đức Trung, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/18 Phúc Tần đưa tôi thăm các tủ sách đơn vị. Sách viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử, chính trị, pháp luật, xã hội, văn hóa, tiếng Anh... Chợt nhận ra rằng, mình đã ngồi đọc ở nhiều nơi, nhưng chưa có phòng đọc sách nào thoáng đãng và thơ mộng như ở đây. Gió lồng lộng, và biển rộng tứ bề.
Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Lê Đình Hải cho biết, Trường Sa có nét văn hóa đọc khá độc đáo. Bộ đội, người dân và cả trẻ em đều chăm đọc sách. Hằng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân bổ sung sách, tạp chí, truyện... cho các thư viện ở Trường Sa. Các đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội và người dân.
Nhạc sĩ Hình Phước Long đưa cây phong ba vào ca từ bài hát của mình trong tâm sự người lính đảo, rằng: Đời anh như cây phong ba/ Vững vàng giữa đảo ngàn xa... Còn bây giờ, trước mắt tôi, không chỉ có cây phong ba bằng xương, bằng thịt mà còn có cả một loài cây mang tên gọi dữ dội cũng chẳng kém: Bão táp. Đột nhiên, tôi hình dung ra rằng, mai này, hễ nhắc tới cây phong ba, cây bão táp là người ta lại nghĩ ngay tới đất và người Trường Sa, hình dung ngay hình ảnh một người can trường ưỡn ngực điềm nhiên đón lấy những cơn gió dữ.
Trường Sa có những cây phong ba, bàng vuông, mù u cổ thụ đã hàng trăm năm tuổi. Ở đây, có bốn cây cổ thụ được công nhận là cây di sản, gồm: cây phong ba trên đảo Song Tử Tây; cây mù u trên đảo Sơn Ca; cây bàng vuông trên đảo Nam Yết và cây mù u trên đảo Sinh Tồn. Chuẩn Đô đốc Nguyễn Thế Tốt, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân cho biết: Việc công nhận và cấp bằng cho bốn cây di sản ở Trường Sa có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, văn hóa, giáo dục truyền thống và minh chứng sự có mặt lâu đời của người Việt trên đảo Trường Sa. Quân dân Trường Sa ngày ngày chăm sóc để cây thêm xanh tốt, vững vàng trước giông gió.
Lần nào ra Trường Sa, tôi cũng cố tìm thăm cho bằng được hai tấm bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết. Tại đảo Nam Yết, bia chủ quyền nằm gọn trong khuôn viên chùa Nam Huyên. Còn tại đảo Song Tử Tây, di tích quốc gia đặc biệt này nằm trong khuôn viên của trạm khí tượng thủy văn.
Từ năm 2014, hai tấm bia được cấp Bằng di tích cấp quốc gia. Theo tư liệu hiện có của lịch sử Khánh Hòa, bia chủ quyền quần đảo Trường Sa được dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết, thuộc quần đảo Trường Sa vào tháng 8/1956. Đây là những bằng chứng lịch sử quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Đảo Trường Sa Lớn. Đêm tịch mịch, yên ắng. Đâu đó có tiếng chuông chùa thoảng đưa trong gió, hòa cùng sóng biển. Thanh âm nghe vừa xa, vừa gần. Giữa Trường Sa điệp trùng sóng vỗ, tiếng chuông chùa ngân nga, thong dong, nghe ấm cả không gian, ấm cả lòng người. Những ngôi chùa ở đây có điểm rất đặc biệt là toàn bộ tên chùa, hoành phi, câu đối... đều được viết bằng tiếng Việt, đường nét uyển chuyển. Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Đại đức Thích Nhuận Đạt chia sẻ, được thực hành Phật sự ở Trường Sa là một vinh hạnh lớn.
Nơi đảo xa, sư thầy cố gắng giúp người dân ở đây tu học, nâng cao đời sống tinh thần, tâm linh. Đại đức cùng những người dân, người lính trên đảo Sinh Tồn đang chuẩn bị cho lễ Phật đản. Bánh ít cúng trên đảo không được gói bằng lá chuối mà là lá... bàng vuông. Lá chuối mỏng, dẻo; còn lá bàng vuông dày, cứng. Chỉ có ở Trường Sa mới có bánh ít lá bàng vuông, đơn sơ mà gói ghém chút lòng thành của người đang sống hôm nay đối với người đã khuất.
Chỉ cách mới hai năm, nay tôi ra lại, Trường Sa đổi thay nhiều quá, nhanh quá. Ấn tượng nhất vẫn là mầu xanh. Ðảo nào cũng xanh hơn rất nhiều. Biển xanh. Trời xanh. Và cây xanh. Cây cối, vườn rau nhờ được chăm chút kỹ càng cho nên tươi tốt. Trường Sa hôm nay khoác chiếc áo xanh dịu mát, không chỉ của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông... mà còn có cả cây ăn trái như xoài, chuối, đu đủ... Cây xanh trên chiến hào. Cây xanh trên bãi cát. Người chăm chút cho cây. Cây rợp bóng tặng người. Nắng, gió là vậy, nhưng trên bàn thờ Phật ở chùa vẫn luôn có những nhánh chuối xanh, những trái đu đủ tươi ngon hái từ vườn nhà.
Những đảo tôi đã đi qua, đảo nào cũng có đàn ghi-ta. Đời sống tinh thần quân dân ta trên đảo nay đã được nâng cao hơn trước nhiều. Bây giờ, trên các đảo còn có cả ampli, loa... hát karaoke. Lính hát. Văn công hát. Những người lính say sưa hát:
... Nỗi nhớ cứ nghiêng về một phía...
Trên các tờ báo tường ở đảo, có rất nhiều dòng thơ tình của lính:
... Lính đảo thủy chung như sóng với bờ...
Chuyện kể, có người lính hằng đêm ngồi tỉ mỉ kết từng chiếc vỏ ốc nhỏ xíu thành những đóa hoa hồng gửi về tặng người yêu. Sau này, khi họ trở thành vợ chồng, những đóa hồng ấy trở thành chứng nhân cho một tình yêu đằm thắm, thủy chung.
- Em chào anh!
- Cháu chào chú!
Không phải chỉ riêng tôi, ai từng đặt chân lên quần đảo Trường Sa đều có ấn tượng rất đẹp về những lời chào. Khách lên đảo, gặp anh em chiến sĩ đều được họ chào trước, niềm nở và chân thành như thể gặp người nhà. Người dân, và cả các cháu bé cũng vậy. Cho nên, lên Trường Sa, ai cũng thấy một không gian, một tình cảm ấm nồng như ở quê mình, như ở nhà mình. Yêu thương và thân thuộc. Đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo của Trường Sa mà không nhiều nơi có được.
Đi trên cát nóng, tôi đến thắp hương trên mộ liệt sĩ ở Trường Sa. Thể phách, tinh anh những người lính đảo đã hóa hồn thiêng sông núi. Anh ở đó, cho đất Mẹ yên bình. Và, đến lượt mình, đất Mẹ đằm thắm ru anh, ơ hờ những điệu hò non nước nghìn thu.
Khói hương cay lòng mắt.
Biển trời xanh vời vợi.
Lên trên các đảo, công việc đầu tiên của tôi là đến dâng hương tại các bàn thờ Tổ quốc. Trên các đảo lớn, nhỏ, những bàn thờ Tổ quốc được sắp đặt ở vị trí trang trọng nhất, luôn được chăm chút rất kỹ càng. Trong những nhà dân, nhà nào cũng có bàn thờ Bác Hồ. Những ngày lễ, Tết, người lính coi bàn thờ Tổ quốc ở đảo như ở nhà mình. Một chút hương trầm cho ấm áp niềm tin.
Trên đường từ Nhà giàn DK1 về cảng Cam Ranh, chúng tôi gặp áp thấp nhiệt đới. Gió cấp 5. Con tàu trọng tải gần ba nghìn tấn bỗng trở nên nhỏ nhoi giữa cơn cuồng nộ của biển cả. Gần sáng, trời lặng dần. Phía lái tàu, đã thấy mặt biển hồng dần lên, bát ngát.