Khám phá Fansipan

Ai đã một lần đặt chân lên đỉnh Fansipan coi như đã lập được một kỳ tích và chiến thắng chính bản thân mình. Bạn sẽ có cảm giác như với tay tới trời, tóc chạm vào mây, lạc giữa chốn bồng lai tiên cảnh…

Lên ghềnh, xuống thác

Trước chuyến hành trình chinh phục đỉnh Fansipan, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên khuyên tôi, đường đi vô cùng gian nan, nên tốt nhất là đi giày vải loại cao cổ, hoặc đi ủng, nai nịt cho thật chặt để vắt, muỗi không chui vào người được. Kinh nghiệm của người dân nơi đây là phải đi nhiều tất, thậm chí xỏ chân vào túi ni lông rồi mới cho chân vào giày để khỏi bị cọ xát, đau chân. Mặc quần vải rộng, mặc nhiều áo mỏng và thấm mồ hôi để có thể cởi bỏ từng lớp áo khi cơ thể nóng lên, tránh bị cảm lạnh… Một đồ vật nhỏ, nhưng không thể thiếu là một cây gậy leo núi bằng thân trúc già. Đồ đạc, lương thực, túi ngủ, nên thuê người dân địa phương gùi giúp, chứ một mình, dù khỏe mấy cũng không thể mang theo lên đỉnh núi, vì đường dốc, khó đi. Điều cẩn trọng là phải bám sát lấy đoàn, nếu tự ý đi một mình có thể bị lạc không tìm được lối ra. Quả nhiên, bước vào hành trình leo núi mới thấy những kinh nghiệm đó quý như vàng. Nếu bạn không thi leo núi để phá kỷ lục, mà leo để khám phá, trải nghiệm như đoàn của chúng tôi thì hành trình 2 ngày, 1 đêm. Đường lên núi gập ghềnh, xuyên trong rừng sâu, dường như không có đoạn nào bằng phẳng. Con dốc này leo bở hơi tai chưa hết, phía trước mặt đã lại sừng sững hiện ra con dốc khác cao hơn. Có đoạn phải lội qua suối, đi trên đoạn đường lầy lội, bùn đen ngập mắt cá chân. Có đoạn tụt xuống thung lũng sâu vài chục mét, trèo qua những tảng đá rêu xanh trơn trượt, leo cầu thang sắt dựng đứng…

Xuất phát chinh phục đỉnh Fansipan.       Ảnh: Ngọc Bộ

Anh Huỳnh Long, một du khách từ thành phố Hồ Chí Minh trong đoàn leo núi chia sẻ: Nhiều lúc mình thấy toàn thân mỏi nhừ, hai lòng bàn chân đau rát tưởng như phồng rộp không muốn nhấc lên, mồ hôi túa ra ướt đầm áo, cổ họng thì khô cháy, hai tai ù ù và đôi mắt hoa lên. Nếu không có bản lĩnh và ý chí, không chiến thắng được đèo dốc, thì rất dễ bỏ cuộc giữa chừng. Hành trình từ điểm nghỉ chân ở độ cao 2.800 m lên đỉnh Fansipan còn gian nan gấp bội. Bạn sẽ phải leo trên những sườn núi, sống núi chênh vênh, vượt qua khu rừng cháy, những cầu thang sắt. Đến điểm cao 2.900 m phải đổ dốc xuống 2.750 m rồi lại ngược dốc lên tiếp, ngước mắt lên chỉ thấy dốc xuyên rừng sâu lên tận đỉnh trời. Vất vả, nhọc nhằn như vậy, nhưng chinh phục đỉnh Fansipan lại là ước mơ của nhiều người. “Nóc nhà Đông Dương” là điểm đến hấp dẫn của hàng ngàn du khách mỗi năm.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp đại ngàn

Không uổng công lên ghềnh, xuống thác, trên đường chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”, bạn sẽ được khám phá muôn điều kỳ thú trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Khu rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích trên 28.900 ha còn những nét hoang sơ, càng lên cao càng nhiều điều hấp dẫn. Hệ thực vật trong vườn có trên 2.000 loài, trong đó có 113 loài quý hiếm có tên trong danh mục đỏ của thế giới và Sách đỏ Việt Nam. Đặc biệt, có 3 loài cây cực kỳ quý hiếm, trên thế giới chỉ còn sót lại một vài cá thể là loài bách xanh, thông đỏ ở độ cao 2.000 m và vân sam Hoàng Liên (sam lạnh) sống ở độ cao 2.700 m. Núi rừng Hoàng Liên cũng là vương quốc của nhiều loài cây dược liệu quý giá như: Hoàng Liên chân chim, Hoàng Liên ô rô, nấm linh chi, tam thất, giảo cổ lam, kim giao…Cùng với thực vật, hệ động vật cũng phong phú với 477 loài, trong đó có 74 loài thú, 253 loài chim, 120 loài bò sát, lưỡng cư với nhiều loài đặc hữu lần đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, đặc biệt là loài ếch gai mới được phát hiện.

Quả thật, thiên nhiên Hoàng Liên có sức quyến rũ kỳ lạ. Những thân cây cổ thụ to mấy người ôm đã có hàng trăm năm tuổi, qua thời gian, thân cành chằng chịt dây leo, bám đầy rêu phong và tầng tầng địa y như những tấm bản đồ của đại ngàn bí ẩn. Trên thân cổ mộc, phong lan thi nhau khoe sắc. Song, điều thú vị và để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả là được thỏa sức ngắm hoa đỗ quyên rừng. Loài cây thân gỗ này chỉ mọc ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển và nhiều nhất ở độ cao 2.800 m. Đỗ quyên có trên 30 loài, mỗi loài mang màu sắc riêng. Giữa mùa hoa nở, ngước lên đến mỏi cổ mà vẫn không muốn rời mắt khỏi những chùm hoa rực rỡ, khi cúi xuống, dưới chân mình cũng là một thảm hoa đẹp mê hồn. Lớp hoa này rụng xuống chưa kịp phai sắc, có cơn gió thổi nhẹ, lớp hoa khác đã buông mình rơi xuống tựa như cơn mưa hoa. Vũ Thu Hằng, sinh viên từ Hà Nội cho biết: Ngoài ngắm phong cảnh tuyệt đẹp của núi rừng, mình thích trải nghiệm cảm giác ngủ đêm giữa đại ngàn ở độ cao 2.800 m, lắng nghe tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim thú kêu trong rừng đêm. Ngoài trời, sương mù buông xuống dày đặc, soi đèn pin cách vài bước chân nhìn cũng không nhận ra nhau, còn nước suối thì lạnh buốt tay. Dù chui vào trong túi ngủ, nhưng phải co người lại để giữ ấm cơ thể vì cái rét vẫn theo sương mù tràn vào lều bạt, như kim châm chích vào da thịt…

Trên đường chinh phục “Nóc nhà Đông Dương”.   

Trên “Nóc nhà Đông Dương”

Chinh phục đỉnh Fansipan có nhiều cảm giác không thể diễn tả hết bằng lời, đó là cảm giác mỏi mệt khi phải vượt qua thác ghềnh; cảm giác say mê trước một rừng đỗ quyên đẹp; cảm giác sợ hãi nếu bị tụt lại phía sau giữa đại ngàn hoang vu… Song, cảm giác khó diễn tả nhất là khi đặt chân lên đỉnh núi, thả hồn giữa trời mây bồng bềnh. Đỉnh Fansipan có sức lôi cuốn đặc biệt với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Nghệ sĩ Hoàng Thế Nhiệm, người được giới nhiếp ảnh phong là “Ông vua phong cảnh Việt Nam” năm nào cũng có vài lần bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Bắc, lên Sa Pa “săn” ảnh mây núi, trong đó có nhiều lần chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” để thu vào ống kính khoảnh khắc đẹp nhất của mây núi. Có nghệ sĩ nhiếp ảnh vất vả gần chục chuyến leo lên “Nóc nhà Đông Dương” để “ săn” ảnh, trong đó có chuyến đi kéo dài đến 7 ngày bám trụ trên đỉnh núi chỉ để chờ đợi mây về. Thời khắc đẹp nhất trên “Nóc nhà Đông Dương” là cảnh mặt trời mọc và khi hoàng hôn buông xuống. Khi hừng đông, mặt trời nhú lên, đường chân trời ửng hồng, ánh sáng chiếu vào khối tam giác Inox lấp lóa, phản chiếu trên những phiến đá còn ướt sương đêm và pha màu cho những đám mây xốp như bông, tạo nên muôn màu sắc đẹp mê hồn. Phía xa, những đỉnh núi trập trùng trong biển mây trắng sữa. Nắng lên, da trời xanh ngắt, những dải mây trôi lững lờ vắt ngang lưng núi, tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp không nơi đâu có được. Thế rồi, thoắt cái, gió thổi mang mây mù kéo đến, tất cả lại chìm trong biển sương mờ. Buổi chiều, mặt trời xuống núi, ánh sáng chiếu xuyên qua những vạt mây xuống thung lũng tạo thành màu vàng cam rực rỡ. Dường như tất cả mây trên trời đều gom tụ về đây. Mây từ thung lũng phía Lai Châu kéo về, tạo thành những dòng sông mây tuôn chảy, những thác mây cuồn cuộn. Chân trời xa lãng đãng những đám mây vảy tê tê, vảy cá màu ngũ sắc. Cảnh tượng đẹp như bức tranh sơn dầu vĩ đại của thiên nhiên hút hồn du khách. Đứng trên đỉnh Fansipan, giữa không gian đất trời bao la lộng gió, con người trở lên nhỏ bé nhưng có cảm giác thật tự hào vì đã chinh phục được “Nóc nhà Đông Dương”./.


Theo CLĐT

Tin Liên Quan

[Ảnh] Lễ hội hoa sen đá trong mùa săn mây đẹp nhất năm tại Sa Pa

Mở đầu cho chuỗi hoạt động kích cầu lớn nhất năm 2024 tại thị xã Sa Pa, ngày 29/10, Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức Lễ hội Hoa sen đá với chủ đề “Chào ánh nắng, chào yêu thương”.

Hơn 100 doanh nghiệp du lịch Sa Pa chung tay kích cầu, ưu đãi đến 50%

Ngày 29/10, UBND thị xã Sa Pa, Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Khu du lịch Sun World Fansipan Legend tổ chức chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024 với chủ đề “Chạm Sa Pa – Chạm những tầng mây”.

Định hướng phát triển du lịch làng nghề

Nghề thủ công ở Lào Cai xuất hiện từ rất sớm. Làng người Mông thường có một, hai hộ làm nghề rèn đúc, sửa chữa nông cụ, chạm khắc bạc, làm đồ trang sức. Làng người Tày lưu giữ nghề trồng bông dệt vải, bán vải chàm, vải bông ở các chợ vùng cao...

[Ảnh] Bắc Hà mùa thu

Mùa thu, Bắc Hà đẹp mê mẩn với những ngọn núi bao phủ trong mây trắng bồng bềnh, đồi hoa tam giác mạch đang mùa bung nở, các thiếu nữ xúng xính váy áo xuống chợ phiên...

Lên Y Tý ngắm nhà Trình tường

Y Tý là một xã vùng cao của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, không khí trong lành.

[Ảnh] Những điểm đến đẹp ở Sa Pa

Sa Pa đẹp nhất vào mùa nào? Thật khó để có thể tìm một câu trả lời tròn vẹn. Bởi người ta vẫn ví Sa Pa giống như một nàng công chúa, đẹp ở mọi góc cạnh, khuôn hình. Có người thích mùa xuân ngọt ngào; người thích mùa hạ rực rỡ; người thích mùa thu dịu dàng, lãng mạn; người lại thích mùa đông lạnh...