EU đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
Liên minh châu Âu (EU) vừa ra mắt cổng thông tin kinh tế xanh, một nền tảng giúp chia sẻ những kiến thức cần thiết và hữu ích về nền kinh tế xanh bền vững. Đây là một phần của chiến lược phát triển kinh tế xanh mà EU thúc đẩy, qua đó phát huy tinh thần tiên phong của EU trong nỗ lực chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu.Nhiều quốc gia EU tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng gió. (Ảnh AP)
Cao ủy châu Âu phụ trách đại dương và thủy sản Virginijus Sinkevičius (V.Xin-ke-vi-xớt) đánh giá, cổng thông tin kinh tế xanh mới của EU giúp “lấp đầy khoảng trống” kiến thức về nền kinh tế xanh, giúp các doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định sáng suốt khi thực hiện các dự án vì lợi ích cộng đồng.
Với các dữ liệu hữu ích liên quan đến đại dương và các xu hướng thị trường, cổng thông tin nêu trên được đánh giá là một công cụ thiết yếu để giúp các bên triển khai hiệu quả những dự án vì môi trường biển bền vững. Báo cáo kinh tế xanh của EU nêu rõ, lĩnh vực kinh tế xanh của khối này đang trên đà phát triển và góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu.
Những năm qua, phát triển kinh tế xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Đầu tư cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế không sử dụng năng lượng hóa thạch cũng là một trong những ưu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (U.Lây-en) kể từ khi bà nhậm chức vào năm 2019. Mới đây, bốn quốc gia EU gồm Đức, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ đã ký một tuyên bố chung nhằm biến Biển Bắc thành “nhà máy điện xanh” của châu Âu vào năm 2050.
Lãnh đạo bốn quốc gia đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là tăng gấp bốn lần công suất năng lượng gió ở Biển Bắc đến năm 2030 và tăng gấp 10 lần công suất năng lượng gió đến năm 2050. Theo Bộ Khí hậu và Năng lượng Đan Mạch, Biển Bắc sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của châu Âu, cung cấp điện cho hàng triệu người dân khu vực.
Hiện, EU đang tăng tốc sản xuất năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. EU cũng đặt mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ít nhất 55% vào năm 2030 và đạt được trung hòa carbon vào năm 2050. Để đạt được những mục tiêu này đòi hỏi các quốc gia châu Âu phải thực hiện những thay đổi mạnh mẽ trong các lĩnh vực sử dụng năng lượng như nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại... Nhiều quốc gia tại “lục địa già” như Đức, Bỉ, Tây Ban Nha... cũng triển khai các dự án đầu tư, phát triển ngành năng lượng hydro xanh.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đang là thách thức khẩn cấp với các nước châu Âu. Theo Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp ở châu Âu gây ra những thiệt hại về sức khỏe và môi trường ước tính lên tới 430 tỷ euro mỗi năm. Cũng theo EEA, ở châu Âu, ô nhiễm không khí đang là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, khi các hạt vật chất mịn từng gây ra 307.000 ca tử vong sớm tại các nước EU vào năm 2019.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) nhấn mạnh, đầu tư vào năng lượng tái tạo là con đường duy nhất giúp bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ hội việc làm bền vững. Ông Antonio Guterres cũng nêu rõ, nếu các nước cùng hành động, chuyển đổi năng lượng tái tạo có thể là dự án hòa bình của thế kỷ 21. Việc châu Âu tập trung đẩy mạnh phát triển nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường là bước đi cần thiết đóng góp cho tương lai phát triển bền vững của nhân loại.