APEC hướng tới tăng trưởng kinh tế bao trùm, bền vững
Sau hơn hai năm ứng phó những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nền kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi và dần sôi động trở lại. Dưới sự dẫn dắt của Thái Lan trong năm 2022, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đang nỗ lực hợp tác nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội, cũng như ứng phó những thách thức mới đặt ra, đưa các nền kinh tế thành viên hướng tới tăng trưởng bao trùm và bền vững.Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 28. (Ảnh REUTERS)
Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần thứ 28 vừa qua, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit (G.Lắc-xa-na-uy-xịt), đại diện các nền kinh tế APEC trao đổi về hợp tác trong lĩnh vực thương mại, trong đó nhấn mạnh nỗ lực phục hồi hậu dịch bệnh, tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Việc hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) là một trong những nội dung được APEC thúc đẩy nhiều năm qua.
Tại hội nghị, ông J.Laksanawisit kêu gọi các nền kinh tế thành viên hội nhập kinh tế sâu rộng và thúc đẩy tiến trình xây dựng FTAAP. Tuyên bố của chủ nhà Thái Lan sau hội nghị nhấn mạnh rằng, cần bảo đảm FTAAP góp phần vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của khu vực theo cách bền vững và bao trùm.
Một trong những nội dung được APEC quan tâm là việc tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, cũng như vai trò quan trọng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC bày tỏ ủng hộ những nội dung mà WTO đang thúc đẩy như cải cách, trợ cấp nông nghiệp, mở rộng thị trường… Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala (E.I-uây-la) hoan nghênh APEC tiếp tục triển khai những sáng kiến, hoạt động góp phần thúc đẩy các nội dung thảo luận tương đồng trong WTO.
Tổng Giám đốc WTO và đại diện các nền kinh tế APEC bày tỏ hy vọng, sự cải tổ, tiến bộ của WTO sẽ đem lại những kết quả tích cực, góp phần củng cố hệ thống thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Tuyên bố của chủ nhà Thái Lan nhấn mạnh, các nền kinh tế APEC cần tiếp tục tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại, phù hợp quy định của WTO; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và duy trì các chuỗi cung ứng, góp phần bảo đảm sự kết nối liền mạch trong khu vực.
Tại hội nghị, một số đề xuất, sáng kiến được đưa ra thảo luận, như mở rộng phạm vi thẻ đi lại của doanh nhân APEC; xây dựng cổng thông tin điện tử về đi lại an toàn trong khu vực; tăng cường tính tương thích, hướng tới công nhận lẫn nhau các hộ chiếu vắc-xin… Phía chủ nhà Thái Lan cho rằng, APEC cần tăng cường hơn nữa việc thúc đẩy thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử; tăng cường kết nối giữa người dân, hàng hóa, dịch vụ một cách toàn diện.
Là một thành viên chủ động, tích cực, Việt Nam nỗ lực hợp tác với các nền kinh tế APEC nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực theo tinh thần của Tầm nhìn APEC đến năm 2040, trong đó có việc hình thành FTAAP trong tương lai. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC lần này, đại diện Việt Nam tiếp tục khẳng định sự ủng hộ với hệ thống thương mại đa phương dựa trên nguyên tắc và luật lệ, cũng như vai trò của WTO đối với thương mại toàn cầu. Ðánh giá cao các sáng kiến, nỗ lực góp phần phục hồi kinh tế như nối lại đi lại an toàn, liền mạch, tạo thuận lợi cho việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vắc-xin, Việt Nam khẳng định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên APEC để xây dựng và triển khai các sáng kiến khả thi.
Các đại biểu tham dự hội nghị nhận định, tác động lâu dài của đại dịch, giá hàng hóa, năng lượng tăng… tiếp tục đặt ra các thách thức với nỗ lực phục hồi của các nền kinh tế. Do đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan J.Laksanawisit kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tăng cường nỗ lực nhằm đạt được tăng trưởng kinh tế bao trùm, bền vững hơn, cũng như ứng phó các cuộc khủng hoảng trong tương lai, hướng đến thực hiện Tầm nhìn APEC đến năm 2040 vì một khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở, năng động, tự cường, hòa bình và thịnh vượng.